Quay về eMagazine
Hình minh họa, nguồn: Internet.

Fed tăng lãi suất, Việt Nam vẫn có thể tiếp tục hạ lãi suất điều hành?

Với đợt tăng lãi suất thứ 9 của Fed, chuyên gia cho rằng, sẽ không có nhiều ảnh hưởng tới hướng điều hành chính sách tiền tệ của Ngân hàng Nhà nước.
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

CHÍNH SÁCH TIỀN TỆ ĐỘC LẬP HƠN

Sau cuộc họp kéo dài hai ngày, Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) ngày 22/3 đã đưa ra quyết định tăng lãi suất thêm 0,25 điểm %, nâng mức lãi suất qua đêm của Ngân hàng trung ương Mỹ lên khoảng 4,75% - 5%.

Với lần nâng lãi suất thứ 9 tính từ tháng 3/2022, Ủy ban Thị trường Mở thuộc Fed (FOMC) nhấn mạnh không chắc chắn về các đợt nâng lãi suất tiếp theo và cho biết quyết định liên quan đến lãi suất sẽ còn tùy thuộc vào dữ liệu công bố sắp tới.

“Ủy ban sẽ theo dõi chặt chẽ những số liệu chuẩn bị công bố và đánh giá đến ảnh hưởng của chính sách tiền tệ. Ủy ban dự báo việc nâng lãi suất có thể phù hợp để đảm bảo giữ vững quan điểm chính sách tiền tệ nhằm hướng lạm phát về ngưỡng 2% qua thời gian”, tuyên bố của FOMC nhấn mạnh.

Đánh giá về quyết định của Fed, ông Nguyễn Minh Tuấn, CEO Công ty AFA Capital cho rằng, mức tăng 0,25 điểm % của Fed là hợp lý, giúp cơ quan này giải quyết được nhiều vấn đề, trong đó, vừa đảm bảo lộ trình tăng lãi suất, vừa không gây quá shock với thị trường.

Chỉ trong một thời gian ngắn đã xảy ra quá nhiều biến động trên thị trường tài chính thế giới. Việc chỉ số CPI của Mỹ công bố trung tuần tháng 2 tăng cao hơn dự kiến đã đẩy kỳ vọng của thị trường lên khả năng Fed có thể tăng 0,5 điểm %.

Đợt tăng lãi suất này của Fed sẽ không quá quan trọng với thị trường Việt Nam trong ngắn hạn. Chính sách tiền tệ của chúng ta đang phản ứng rất linh hoạt đối với những biến cố trên thị trường.

Ông Nguyễn Minh Tuấn, CEO Công ty AFA Capital

Tuy nhiên, ngay sau đó, liên tiếp thông tin 2 ngân hàng Mỹ phá sản, rồi đến sự sụp đổ của “ông lớn” ngân hàng Thụy Sĩ Credit Suisse đã khiến cho tình thế hoàn toàn thay đổi.

“Fed không quá lệ thuộc vào ý chí thị trường, cái họ cần chính là niềm tin của thị trường vào các hành động của họ, họ cố gắng hành động một cách nhất quán nhất có thể.

Fed điều hành lãi suất dựa vào nguyên tắc Taylor, tức là họ dựa vào các dữ liệu kinh tế vĩ mô để có thể đưa ra mức điều chỉnh lãi suất hợp lý, bao gồm tỷ lệ thất nghiệp, lạm phát, tăng trưởng GDP… Fed sẽ không muốn gây sốc cho thị trường, họ điều hành chính sách tiền tệ một cách có lộ trình và hành xử đúng nguyên tắc”, ông Tuấn nhận định.

Với Việt Nam, một điểm đáng chú ý là chính sách tiền tệ của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) trong thời gian qua đang tỏ ra khá độc lập, khi Nhà điều hành quyết định giảm mạnh một loạt lãi suất điều hành trong bối cảnh các ngân hàng trung ương lớn trên thế giới vẫn đang trong quá trình thắt chặt chính sách tiền tệ nhằm đối phó với lạm phát tăng cao.

Và với đợt tăng lãi suất thứ 9 này của Fed, chuyên gia cho rằng sẽ không có nhiều ảnh hưởng tới hướng điều hành của NHNN.

“Đợt tăng lãi suất này của Fed sẽ không quá quan trọng với thị trường Việt Nam trong ngắn hạn. Chính sách tiền tệ của chúng ta đang phản ứng rất linh hoạt đối với những biến cố trên thị trường. Tôi thực sự khâm phục cách lãnh đạo NHNN điều hành, ứng xử chính sách tiền tệ trong thời gian qua”, ông Tuấn nhấn mạnh.

VẪN LÀ BỘ BA BẤT KHẢ THI NHƯNG TÌNH HUỐNG ĐÃ THAY ĐỔI

Trong kinh tế học có thuật ngữ "bộ ba bất khả thi", chỉ một giả thuyết kinh tế cho rằng không thể thực hiện đồng thời ba chính sách gồm chế độ tỷ giá hối đoái cố định, chính sách tiền tệ độc lập để ổn định giá cả và tự do lưu chuyển vốn. Chỉ có thể thực hiện đồng thời hai trong ba chính sách này mà thôi.

Ông Nguyễn Minh Tuấn, CEO Công ty AFA Capital.

Ông Nguyễn Minh Tuấn, CEO Công ty AFA Capital.

Theo CEO AFA Capital, trong khi Fed vẫn đang liên tục tăng lãi suất mà NHNN lại hạ lãi suất điều hành thì có nghĩa chúng ta chấp nhận chính sách tiền tệ độc lập.

"Độc lập ở đây có nghĩa là độc lập so với các chính sách tiền tệ của những quốc gia có liên quan chặt chẽ với chúng ta, mà cụ thể ở đây là Mỹ”, chuyên gia phân tích.

Theo ông Tuấn, dòng vốn ra vào của Việt Nam vẫn kiểm soát nên có lẽ chúng ta sẽ chấp nhận đánh đổi tỷ giá. Điều này cho thấy tình huống thị trường tiền tệ của Việt Nam trong năm 2023 đã hoàn toàn khác so với năm 2022.

“Tôi nhớ trong năm 2022, vẫn là bộ ba bất khả thi này nhưng chúng ta đã quyết định giữ tỷ giá, vì ở thời điểm đó, sau khi bán ngoại hối can thiệp thì dự trữ ngoại hối của Việt Nam chỉ còn dưới 3 tháng nhập khẩu. Mà theo quy định của IMF thì chúng ta đã đạt tới lằn ranh không được vượt quá. Khi đó, chúng ta đã phải tăng lãi suất điều hành 2 lần liên tiếp trong một thời gian khá ngắn và khá gây sốc cho nền kinh tế.

Tuy nhiên, ở thời điểm hiện tại, tình hình đã hoàn toàn khác. NHNN vẫn đang cho thấy xử lý linh hoạt khi đánh giá, xem xét tình hình tỷ giá để lựa chọn phương thức điều hành phù hợp”, ông Tuấn nói.

Sau quyết định hạ lãi suất điều hành hồi giữa tháng 2/2023, thanh khoản trên thị trường liên ngân hàng đã dồi dào hơn, lãi suất các ngân hàng vay mượn nhau qua đêm giảm mạnh từ hơn 6% cuối tháng 2 xuống chỉ còn quanh 1,6% khi kết thúc ngày 22/3.

Thông thường, khi lãi suất VND liên ngân hàng đi xuống, để kiểm soát lãi suất không rơi quá sâu, Nhà điều hành sẽ dùng công cụ tín phiếu để hút bớt tiền về.

Tuy nhiên, thực tế cho thấy, cơ quan này đã dừng phát hành tín phiếu mới hút tiền từ đầu tuần trước, sau hơn một tháng được sử dụng liên tục.

Lãi suất VND liên ngân hàng liên tục đi xuống trong khi lãi suất USD liên ngân hàng lại đang duy trì khá cao và ổn định. Điều này khiến chênh lệch giữa lãi suất VND và USD đảo chiều sang trạng thái âm với khoảng chênh ngày càng được nới rộng (ở mức -2,84% khi kết thúc phiên 22/3).

Chênh lệch lãi suất VND và USD âm sẽ dẫn tới tình trạng nhà đầu tư vay VND để mua vào USD, từ đó gây áp lực cho tỷ giá.

Tuy nhiên, theo chuyên gia, việc cán cân thanh toán từ đầu năm tới nay dương khoảng 2 tỷ USD, cùng với việc NHNN mua thêm vào khoảng 3 tỷ USD kể từ cuối năm ngoái giúp tỷ giá chưa phải là mối e ngại của Nhà điều hành ở thời điểm hiện tại.

CÓ THỂ CÓ THÊM MỘT ĐỢT GIẢM LÃI SUẤT ĐIỀU HÀNH NỮA

“Tỷ giá không còn là mối quan tâm quá lớn, cái chúng ta cần lo lúc này là phải cân bằng giữa kiểm soát lạm phát và tăng trưởng GDP. Năm nay, Chính phủ đặt mục tiêu kiểm soát lạm phát ở mức lạm phát 4,5%.

Tôi cho rằng, mục tiêu này là hoàn toàn có khả năng đạt được khi những yếu tố tác động lớn đến giá cả bao gồm giá hàng hóa và dịch vụ ăn uống, giá xăng, giá thép đang có xu hướng đi xuống, giúp chúng ta có thể an tâm hơn về lạm phát”, ông Tuấn phân tích.

Tuy nhiên, tăng trưởng GDP lại là vấn đề hoàn toàn khác. “Chỉ số sản xuất hàng công nghiệp IIP liên tục giảm từ đầu năm, mục tiêu về tăng trưởng kinh tế trong bối cảnh kinh tế thế giới đang gặp rất nhiều khủng hoảng, suy thoái mới là vấn đề cần được ưu tiên”, chuyên gia phân tích.

Theo đó, ông Tuấn cho rằng, để hỗ trợ tăng trưởng kinh tế, có thể năm nay sẽ còn một đợt giảm lãi suất điều hành nữa.

“Nếu lãi suất không xuống, người dân, doanh nghiệp sẽ không thể vay vốn để làm ăn, kinh doanh, vì lãi kiếm được không đủ bù tiền lãi vay. Nợ xấu của hệ thống cũng có nguy cơ tăng cao, động lực tăng trưởng cũng sẽ không còn”, ông Tuấn nói.

Theo Thời Đại

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Chat với BizLIVE