Ngày 5/6, Forbes Việt Nam công bố “Danh sách 50 công ty niêm yết tốt nhất” năm 2023. Danh sách 50 công ty niêm yết tốt nhất lần thứ 11 của Forbes Việt Nam là những cái tên tuổi quen thuộc liên tục được bình chọn trong những năm gần đây.
Tổng lợi nhuận sau thuế của 50 công ty trong danh sách đạt 228.096 tỷ đồng, tăng 18% so với danh sách năm 2022. Tổng doanh thu đạt hơn 1,49 triệu tỷ đồng, tăng 24,9%.
Danh sách 50 công ty niêm yết tốt nhất 2023 được đánh giá qua nhiều bước. Ở vòng sơ loại, các công ty cần đáp ứng các điều kiện: có lãi trong năm 2022, doanh thu và vốn hóa tối thiểu 500 tỉ đồng. Ở vòng kế tiếp, các công ty được chấm điểm định lượng trên năm tiêu chí: tỉ lệ tăng trưởng kép về doanh thu, lợi nhuận, tỉ lệ ROE, ROC và tăng trưởng EPS giai đoạn 2018 -2022. Tiếp theo, Forbes Việt Nam thực hiện điều tra định tính để đánh giá mức phát triển bền vững của doanh nghiệp: vị thế công ty trong ngành, nguồn gốc lợi nhuận, chất lượng quản trị doanh nghiệp, triển vọng ngành… Vốn hóa được chốt vào ngày 30/5/2023. Số liệu sử dụng tính toán là báo cáo tài chính hợp nhất kiểm toán năm 2022.
Danh sách năm nay có 6 ngân hàng thương mại, ít hơn so với 7 ngân hàng năm 2022 và 8 ngân hàng năm 2021. Cụ thể, 6 đại diện ngành ngân hàng có mặt trong 50 công ty niêm yết tốt nhất năm 2023 gồm: Vietcombank, BIDV, ACB, VietinBank, MB, VIB.
Theo quan sát, đây không phải là lần đầu tiên 6 ngân hàng này lọt vào danh sách 50 công ty niêm yết tốt nhất do Forbes Việt Nam bình chọn. Mỗi ngân hàng đều là những định chế tài chính có tiếng và có vị thế trên thị trường. Năm 2022 vừa qua, những ngân hàng này có nhiều lợi thế trong hoạt động kinh doanh, có nền tảng để vượt qua giai đoạn thách thức của thị trường và duy trì tăng trưởng tốt.
6 ngân hàng lọt danh sách 50 công ty niêm yết tốt nhất năm 2023 của Forbes Việt Nam
Trong đó, VIB ghi nhận lần thứ 3 liên tiếp góp mặt vào danh sách. Theo Forbes, VIB là một trong các ngân hàng tư nhân có bảng cân đối tài sản an toàn nhất hệ thống hiện nay do kiểm soát tốt các rủi ro trên thị trường trái phiếu và thị trường bất động sản. Quản trị rủi ro của VIB cũng luôn nằm trong nhóm dẫn đầu, cuối năm 2022, hệ số an toàn vốn CAR đạt 12,8%, hệ số cho vay/tiền gửi đạt 76%, là một trong các ngân hàng đầu tiên hoàn thành 3 trụ cột Basel II và thử nghiệm Basel III.
VIB có thế mạnh về gói sản phẩm cho vay mua ô tô, sửa chữa nhà cửa. Năm 2022, VIB đạt lợi nhuận trước thuế đạt 10.581 tỷ đồng, tăng 32,1%; tổng tài sản đạt hơn 342.799 tỷ đồng, tăng 10,8% so với cuối năm 2021. Tổng dư nợ tín dụng ngân hàng đạt 239.920 tỷ đồng, tăng 14,5% so với năm 2021.
Tương tự VIB, Forbes đánh giá danh mục tài sản của ACB lành mạnh do không sở hữu nhiều trái phiếu doanh nghiệp, tỷ trọng cho vay bất động sản chủ yếu đến từ cho vay cá nhân mua nhà, không tập trung nhiều vào cho vay dự án bất động sản. Năm 2022, ACB đạt 13.688 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế, tăng 42,5%. Nền kinh tế suy yếu đã làm giảm nhu cầu chi tiêu và khả năng trả nợ của các cá nhân, theo đó giảm nhu cầu vay vốn nhưng lợi nhuận ròng của ACB trong quý 1/2023 tăng mạnh 25,8% so với cùng kỳ, lên 4.135 tỷ đồng.
Vietcombank là ngân hàng duy nhất 11 lần có mặt liên tục trong danh sách này. Với 29.899 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế, năm qua nhà băng này tiếp tục dẫn đầu hệ thống và cũng dẫn đầu danh sách 50 công ty niêm yết tốt nhất về con số lợi nhuận tuyệt đối. Những năm qua Vietcombank là định chế tài chính nổi tiếng, hoạt động hiệu quả, ổn định, chất lượng tài sản vượt trội và có thu nhập từ dịch vụ đa dạng bậc nhất trong hệ thống ngân hàng Việt Nam. Tỷ lệ tiền gửi không kỳ hạn (CASA) của Vietcombank luôn thuộc nhóm cao nhất thị trường, tạo lợi thế cạnh tranh về chi phí vốn.