Hôm nay (25/5), quyết định giảm lãi suất điều hành của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) chính thức có hiệu lực. Song song, thị trường cũng tiếp tục đón thêm tín hiệu đáng chú ý.
Kết quả thị trường mở (OMO) ngày 24/5 cho thấy, NHNN tiếp tục chào thầu với khối lượng lớn, 10.000 tỷ đồng, nhưng bị “ế” toàn bộ khi không có thành viên nào tham gia đấu thầu. Điều này cho thấy hệ thống vẫn đang dư thừa nguồn ngắn hạn. Đặc biệt, lãi suất trúng thầu cũng đã có sự biến động mạnh mẽ khi lùi về chỉ còn 4,5%/năm.
Trước đó, cùng với trạng thái căng thẳng thanh khoản của hệ thống, lãi suất OMO từng được đẩy lên tới ngưỡng cao kỷ lục 6%/năm từ hồi cuối tháng 10/2022. Tuy nhiên, sau hai lần giảm lãi suất điều hành của NHNN hôm 15/3/2023 và 31/3/2023, lãi suất này cũng lần lượt đi xuống còn 5,5%/năm, 5%/năm và hiện ở mức 4,5% khi kết thúc phiên giao dịch 24/5 như đã đề cập ở trên.
Thị trường mở là kênh NHNN sử dụng các công cụ và nghiệp vụ điều tiết nguồn ngắn hạn trong hệ thống. Trong đó, việc chào thầu qua kênh cầm cố giấy tờ có giá tạo nguồn vốn hỗ trợ ngắn hạn cho tổ chức tín dụng cần nguồn; lãi suất OMO giảm khá mạnh nói trên theo đó tạo điều kiện giảm thiểu chi phí vay vốn cho họ.
Theo một chuyên gia của NHNN, trong cơ cấu các lãi suất điều hành, lãi suất OMO có tác động rộng lớn nhất bởi gắn trực tiếp và thường trực với chi phí hỗ trợ nguồn cho hệ thống, đặc biệt có tính bình ổn trong những trường hợp thanh khoản hệ thống cần hỗ trợ.
Trong quá trình hoạt động, nhiều thời điểm và đặc biệt tại các mùa cao điểm NHNN vẫn thường hỗ trợ nguồn lớn ngắn hạn cho hệ thống qua OMO; trong khi nguồn cho vay qua tái cấp vốn theo chuyên gia NHNN là không phát sinh nhiều.
Việc lãi suất OMO đi xuống cùng với quyết định công bố vào hôm 23/5, khi NHNN quyết định giảm một loạt lãi suất điều hành có hiệu lực từ ngày hôm nay (25/5).
Theo đó, lãi suất cho vay qua đêm trong thanh toán điện tử liên ngân hàng và cho vay bù đắp thiếu hụt vốn trong thanh toán bù trừ của NHNN đối với TCTD giảm từ mức 6,0%/năm xuống 5,5%/năm; lãi suất tái cấp vốn giảm từ mức 5,5%/năm xuống 5,0%/năm.
Bên cạnh đó, lãi suất tối đa áp dụng đối với tiền gửi có kỳ hạn từ 1 tháng đến dưới 6 tháng giảm từ mức 5,5%/năm xuống 5,0%/năm. Riêng lãi suất tối đa đối với tiền gửi bằng VND tại Quỹ tín dụng nhân dân, Tổ chức tài chính vi mô giảm từ mức 6,0%/năm xuống 5,5%/năm.
Đây là lần thứ ba liên tiếp Nhà điều hành tiến hành giảm lãi suất điều hành trong hơn 2 tháng qua. Theo đánh giá của NHNN, việc tiếp tục điều chỉnh giảm các mức lãi suất điều hành là giải pháp linh hoạt, phù hợp với điều kiện thị trường hiện nay để hỗ trợ quá trình phục hồi tăng trưởng kinh tế theo chủ trương của Quốc hội và Chính phủ, qua đó tiếp tục định hướng giảm mặt bằng lãi suất cho vay của thị trường, góp phần tháo gỡ khó khăn cho người vay vốn ngân hàng.
Đồng thời, việc điều chỉnh giảm trần lãi suất tiền gửi bằng VND các kỳ hạn từ 1 đến dưới 6 tháng cũng hỗ trợ các TCTD giảm chi phí đầu vào, từ đó có điều kiện thuận lợi giảm lãi suất cho vay, tăng khả năng tiếp cận vốn của doanh nghiệp và người dân, góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.
Bên cạnh đó, các can thiệp của Nhà điều hành còn được thể hiện ở động thái ngừng hút bớt tiền về qua kênh tín phiếu từ giữa tháng 3 tới nay. Theo đó, Nhà điều hành đã bơm ròng 50.000 tỷ đồng tính đến ngày 24/5. Quy mô bơm ròng trên được tính theo lượng tiền hút về trước đó qua số dư tín phiếu lưu hành, từ gần 110.700 tỷ đồng đã giảm xuống còn quanh 60.700 tỷ đồng.