Đây là lần tăng trưởng âm đầu tiên trong 18 tháng kể từ khi quốc gia Đông Bắc Á này ghi nhận tăng trưởng -0,5% vào quý IV/2022; phá vỡ chuỗi tăng trưởng dương 5 quý liên tiếp từ quý I/2023 đến quý I/2024.
Nhìn vào tốc độ tăng trưởng theo lĩnh vực, xuất khẩu tăng 0,9%, dẫn đầu là ô tô và hóa chất. Tuy nhiên, nhập khẩu tăng 1,2%, nên xuất khẩu ròng âm.
Tiêu dùng của chính phủ cũng tăng 0,7%, chủ yếu là do chi tiêu cho hàng hóa. Tiêu dùng tư nhân giảm 0,2% do nhu cầu yếu đối với các mặt hàng như ô tô và quần áo.
Đầu tư cơ sở vật chất giảm 2,1 %, dẫn đầu là máy móc sản xuất chất bán dẫn. Đầu tư xây dựng, vốn đóng góp 3,3% vào tăng trưởng trong quý đầu tiên, đã giảm 1,1%.
Ngành có mức tăng trưởng cao nhất là nông nghiệp, lâm nghiệp và đánh bắt cá ở mức 5,4%, tiếp theo là sản xuất với mức 0,7%.
Lĩnh vực xây dựng chứng kiến sự sụt giảm mạnh 5,4% do cả xây dựng và kỹ thuật dân dụng đều giảm.
Ngành điện, khí đốt và cung cấp nước cũng giảm 0,8%, do sự suy giảm của các ngành công nghiệp nước, nước thải, xử lý chất thải và tái chế.
Trong lĩnh vực dịch vụ, ngành vận tải ghi nhận tăng trưởng dương, tuy nhiên thông tin và truyền thông, bán lẻ, dịch vụ lưu trú và thực phẩm vẫn còn khá trì trệ, duy trì ở mức tương đương quý I.
Trong khi đó tăng trưởng tổng thu nhập quốc nội (GDI) thực tế trong quý II/2024 là -1,3%, thấp hơn cả tốc độ tăng trưởng GDP thực tế (-0,2%).
Các chuyên gia cho rằng sự suy giảm tăng trưởng kinh tế trong quý II là do mức tăng trưởng mạnh trong quý I, kết hợp với sự gia tăng đáng kể trong nhập khẩu làm giảm đóng góp của xuất khẩu ròng (xuất khẩu-nhập khẩu), một động lực chính của tăng trưởng trong quý trước. Tiêu dùng tư nhân cũng không duy trì được sự phục hồi góp phần kéo giảm tăng trưởng.
Tuy nhiên, nếu so với cùng kỳ năm ngoái, kinh tế Hàn Quốc 6 tháng đầu năm nay tăng trưởng 2,8%, gần tương tự với dự báo của BoK. Ngân hàng trung ương Hàn Quốc nhận định tỷ lệ tăng trưởng cả năm nay của Hàn Quốc sẽ đạt 2,5% nhờ xuất khẩu tiếp tục tăng, giá cả ổn định, tiêu thụ nội địa cũng hồi phục tương đối.