Cục Xuất nhập khẩu (XNK) cho biết, Cục nhận được thông tin từ Thương vụ Việt Nam tại Indonesia báo cáo về việc Cơ quan Lương thực Quốc gia (Bapanas) và Cơ quan Hậu cần Quốc gia (Perum Bulog) Indonesia bị khiếu kiện liên quan tới việc nhập khẩu gạo từ Việt Nam, cũng đề cập đến doanh nghiệp Việt Nam làm việc với Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp Indonesia trong khuôn khổ chuyến thăm Việt Nam hồi tháng 5/2024 và thực hiện chào giá gạo xuất khẩu sang thị trường này.
Để giữ uy tín, thương hiệu gạo Việt Nam trên thị trường thế giới, giữ vị thế gạo Việt Nam tại thị trường Indonesia, Cục XNK đề nghị VFA theo dõi sát chuyển biến thị trường trong và ngoài nước để trao đổi, khuyến cáo doanh nghiệp có sự cân nhắc, tính toán cẩn trọng, chắc chắn về nguồn hàng, giá chào xuất khẩu để bảo đảm hiệu quả kinh doanh và giữ uy tín cho xuất khẩu gạo Việt Nam vào thị trường Indonesia.
Tuyên truyền, phổ biến đến các hội viên để nắm rõ và nghiêm túc thực hiện các quy định của pháp luật về kinh doanh xuất khẩu gạo, pháp luật về cạnh tranh và phòng vệ thương mại.
Với thương nhân xuất khẩu gạo, Cục đề nghị các thương nhân kinh doanh xuất khẩu gạo thực hiện nghiêm túc các quy định tại Nghị định 107/2018/NĐ-CP của Chính phủ về kinh doanh xuất khẩu gạo và các quy định của thị trường nhập khẩu trong hoạt động đàm phán, đấu thầu xuất khẩu gạo nói chung và xuất khẩu gạo sang thị trường Indonesia nói riêng.
Tiếp tục theo dõi sát tình hình thị trường gạo thế giới và trong nước; tính toán hết sức cẩn trọng, chắc chắn khi chào giá đối với các lô hàng để đảm bảo hiệu quả kinh doanh và giữ uy tín cho xuất khẩu gạo Việt Nam.
Indonesia - quốc gia nhập khẩu gạo lớn thứ 2 thế giới. Quốc gia này vừa giao cho Cơ quan Hậu cần Quốc gia Indonesia (Perum Bulog) phát thư mời đấu thầu quốc tế mua 320.000 tấn gạo loại 5% tấm đến các doanh nghiệp xuất khẩu gạo các nước: Việt Nam, Thái Lan, Myanmar, Campuchia và Pakistan. Hạn chót nộp báo giá phiên đấu thầu là ngày 31/7. Thời gian giao hàng trong tháng 8 và tháng 9/2024.
Indonesia có thể mua sẽ đến 5,18 triệu tấn trong năm 2024, thay vì 3,6 triệu tấn như chính phủ đã cấp giấy phép nhập khẩu trước đó. Gần đây, nước này theo đuổi chính sách mua gạo hàng quý, thậm chí hàng tháng và chia nhỏ lượng gạo nhập khẩu nên hoạt động mua gạo của thị trường Indonesia diễn ra đều đặn hơn.
Trước đó, đầu tháng 7/2024, Bulog bị cáo buộc thổi giá gạo hoặc tăng giá gạo nhập khẩu và giữ gạo tại Cảng Tanjung Priok liên quan đến một doanh nghiệp gạo Việt Nam.
Ước tính từ đầu năm tới hết ngày 25/6/2024, Việt Nam đã thông quan 4,383 triệu tấn gạo, so với cùng kỳ tăng 6,53%. Trong đó, xuất đi một số thị trường chính như: Philippines là 1,915 triệu tấn, Indonesia 698 nghìn tấn, châu Phi là 484 nghìn tấn, Malaysia 434 nghìn tấn, …
Nếu tính cả lượng thầu vừa rồi trúng (đang giao và chưa giao), tính từ đầu năm đến nay tổng khối lượng gạo Việt Nam trúng thầu Bulog vào khoảng 800 nghìn tấn.