Ngày 19/3 (rạng sáng 20/3 giờ Việt Nam), ngân hàng lớn nhất Thụy Sĩ UBS đã đồng ý mua lại khẩn cấp ngân hàng lớn thứ hai nước này - Credit Suisse, trong nỗ lực nhằm ngăn chặn cuộc khủng hoảng ngân hàng lan ra châu Âu và thế giới.
Theo đó, UBS đồng ý mua lại Credit Suisse với trị giá khoảng hơn 3,2 tỷ USD, đồng nghĩa với việc UBS gánh khoản lỗ 5,4 tỷ USD. Thỏa thuận được Ngân hàng Trung ương Thụy Sĩ bảo lãnh, dự kiến sẽ kết thúc vào cuối năm 2023.
Chính phủ Thụy Sĩ cho biết, sẽ cung cấp hơn 9 tỷ USD để bù đắp một số tổn thất mà UBS có thể phải gánh chịu khi mua lại Credit Suisse. Đồng thời, Ngân hàng Quốc gia Thụy Sĩ cung cấp hơn 100 tỷ USD thanh khoản cho UBS để tạo thuận lợi cho thỏa thuận.
Cú giải cứu lịch sử
Khi Credit Suisse rơi vào khủng hoảng, các chuyên gia quốc tế đánh giá, vụ việc có ảnh hưởng lớn đến thị trường tài chính toàn cầu bởi ngân hàng này có tổng tài sản khoảng 575 tỷ USD, lớn hơn nhiều so với Silicon Valley Bank (của Mỹ).
Credit Suisse cũng tham gia nhiều thương vụ IB (tư vấn doanh nghiệp, IPO, phát hành cổ phiếu, bảo lãnh phát hành... ). Đồng thời, ngân hàng lớn thứ hai Thụy Sĩ quản lý tài sản toàn cầu lên đến 1.700 tỷ USD.
Credit Suisse được xếp vào top 30 ngân hàng có độ rủi ro lớn nhất giới tài chính toàn cầu và được xem là một trong những ngân hàng “too big to fail” (quá lớn để sụp đổ).
Với sức ảnh hưởng lớn như vậy, ông Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia tài chính ngân hàng cho rằng, nỗ lực mua Credit Suisse của UBS và nỗ lực hỗ trợ của các ngân hàng lớn trên thế giới cũng như các Ngân hàng Trung ương nhiều nước lớn được xem là động thái nhằm duy trì sự ổn định tài chính toàn cầu.
“Nếu ngân hàng này sụp đổ, rất nhiều công ty lớn, những người giàu có trên thế giới sẽ chịu thiệt hại rất lớn, thậm chí có thể mất hoàn toàn số tiền gửi ở ngân hàng này. Vì vậy, việc ngân hàng USB mua ngân hàng này tức là những khoản gửi tiền của khách hàng không bị ảnh hưởng và sẽ được ngân hàng USB đảm bảo", ông Hiếu nhìn nhận.
Đồng tình với quan điểm này, PGS.TS Đinh Trọng Thịnh, Giảng viên Học viện Tài chính cho rằng, Credit Suisse là một trong những ngân hàng lớn và có tên tuổi của thế giới. Nếu những khó khăn không được giải quyết, thậm chí có thể phá sản sẽ ảnh hướng sâu rộng, không chỉ đến hệ thống tài chính ngân hàng .
Vì vậy, động thái “mua lại khẩn cấp” Credit Suisse sẽ là một cú giải cứu lịch sử trên thị trường tài chính thế giới. Có nghĩa khả năng phá sản của ngân hàng là không còn nữa, nhà đầu tư, người gửi tiền yên tâm, thị trường tài chính thế giới ổn định và yên tâm trong quá trình hoạt động.
“Thực tế, các nhà đầu tư vẫn còn nhìn ngó xem “ông chủ mới” tái cấu trúc ngân hàng này như thế nào? Có kế hoạch tồn tại tăng trưởng thế nào? Nhưng rõ ràng, việc mua lại này về cơ bản những khoản tiền gửi, khoản nợ của ngân hàng Credit Suisse sẽ có người chịu trách nhiệm”, ông Thịnh nhìn nhận.
Việt Nam có nhiều biện pháp đảm bảo tính thanh khoản
Tuy vậy, theo ông Hiếu, thỏa thuận này vẫn đang trong giai đoạn bước đầu và chưa chính thức sáp nhập. Trong trường hợp không thành công, các nhà quản lý ngân hàng phải thanh lý tài sản của Credit Suisse (trái phiếu, cổ phiếu, bất động sản,…) với giá chiết khấu cao để trả nợ.
Như vậy, số tiền cơ quan quản lý nhận lại từ thanh lý không đủ trả nợ cho tất cả các khách hàng, trong trường hợp đó những cá nhân và người gửi tiền ở đây có thể bị ảnh hưởng, không nhận được 100% số tiền gửi.
“Nếu điều này xảy ra, sẽ xuất hiện một sự lay chuyển niềm tin, đánh động niềm tin trên diện rộng, trên toàn bộ nền kinh tế toàn cầu, không chỉ ở một điểm hẹp. Bởi, ngân hàng có rất nhiều mối liên kết trong toàn bộ nền kinh tế, bao gồm thị trường chứng khoán, thị trường trái phiếu, trái phiếu Chính phủ từ nhiều quốc gia khác nhau”, ông Hiếu nêu rõ.
Cùng chung quan ngại, ông Phạm Xuân Hòe, nguyên Phó viện trưởng Viện Chiến lược ngân hàng, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cho rằng, theo thông lệ quốc tế, khi một ngân hàng có nguy cơ sụp đổ sẽ được quản trị chặt chẽ và giảm thiểu rủi ro cho người gửi tiền còn lại thị trường tài chính sẽ nhiều ảnh hưởng.
Lý giải về điều này, ông Hòe cho biết, các ngân hàng thường có các hợp đồng hoán đổi (SWAT) với nhau nhằm phòng ngừa các loại rủi ro tài chính (như rủi ro về lãi suất thay đổi, rủi ro về tỷ giá, rủi ro về giá cổ phiếu) để hưởng các ưu đãi dành cho các công ty trong nước, hoặc để nhằm mục đích đầu cơ. Không giống như khoản vay hay tiền gửi, việc hoán đổi không được công khai trên bảng cân đối kế toán của ngân hàng phát hành.
Tại Việt Nam, có nhiều ngân hàng có những hợp đồng hoán đối (SWAT) rất lớn lên tới vài trăm tỷ với các ngân hàng nước ngoài.
“Khi Credit Suisse một ngân hàng lớn bị trục trặc thì đương nhiên các hợp đồng hoán đổi này của các ngân hàng thương mại Việt Nam với ngân hàng nước ngoài có giao dịch với Credit Suisse sẽ có những ảnh hưởng nhất định. Vì vậy, cần theo dõi sát, đánh giá và đưa ra những giải pháp quản trị rủi ro dự phòng”.
Tuy vậy, ông Hòe khẳng định, cuộc khủng hoảng tại Credit Suisse sẽ không tạo ra rủi ro đáng kể đến khả năng sinh lời hay khả năng thanh toán của các ngân hàng tại Việt Nam do NHNN đã có nhiều biện pháp đảm báo tính thanh khoản và ổn định bền vững của hệ thống.
“Nhìn lại năm 2022, ngành ngân hàng thương mại có những lúc gặp khó về thanh khoản do tăng lãi suất của các nước trên thế giới, sức ép tỷ giá tăng. Song từ đầu năm đến nay, ngành ngân hàng đã ổn định trở lại nhờ dự trữ ngoại hối phục hồi mạnh mẽ nên khi gặp những tác động từ thị trường bên ngoài thì vẫn tương đối ổn định”, ông Hòe nêu rõ.