Việt Nam tự chủ được 70% nguồn cung xăng dầu, có 36 doanh nghiệp đầu mối nhập hàng và 17.000 cửa hàng bán lẻ nhưng việc để người dân tiếp cận được với mặt hàng thiết yếu này là điều không dễ dàng. Tình trạng này đã diễn ra trong suốt một năm qua.
Trả lời liên quan những vẫn đề này tại Chương trình Diễn đàn kinh tế: Nan giải thị trường xăng dầu trên Truyền hình Quốc hội, ông Nguyễn Tiến Thỏa - Chủ tịch Hội Thẩm định giá Việt Nam cho biết tính đến thời điểm này Bộ trưởng Công Thương đã công bố về nguồn cung xăng dầu của chúng ta đạt khoảng 90% so với nhu cầu cả năm, nhưng có những giai đoạn rất căng thẳng, thực sự là có thiếu, như con số Bộ Tài chính công bố qua giám sát hải quan đưa ra trong quý 3 so với quý 2 chúng ta nhập khẩu giảm 35-40% tùy loại xăng dầu so với sản lượng mà chúng ta phải nhập khẩu từ các nước.
Trong giai đoạn này việc nhập khẩu xăng dầu cũng có độ trễ do khó khăn chung của thế giới dẫn đến đứt gẫy nguồn cung, cho nên những doanh nghiệp đầu mối nhập khẩu họ chỉ bảo đảm được hệ thống của họ, còn đối với hệ thống bán lẻ của các thương nhân phân phối rõ ràng không được cung cấp hàng.
Liên quan đến vấn đề chi phí định mức giá xăng dầu, theo ông Nguyễn Tiến Thỏa, những khó khăn về giá của doanh nghiệp xăng dầu hiện nay là về tổng thể giá cơ sở, chi phí định mức chỉ là cấu thành giá cơ sở. Bởi vì muốn có giá bán trong nước phải có chi phí đưa hàng từ nước ngoài về, có giá nhập rồi về cảng Việt Nam tính theo tỷ giá của chúng ta, rồi chi phí vận chuyển trong nước... thì mới hình thành giá, còn chi phí định mức chỉ là phần nhỏ trong đó.
Việc các doanh nghiệp xăng dầu nói rằng lỗ ở đây là lỗ ở khâu cuối cùng, tức là các cửa hàng bán lẻ của ta không đủ chi phí định mức, còn tổng thể về giá thì ở các doanh nghiệp đầu mối họ đã có tính toán và chi phí định mức ấy họ chi lại cho các khâu, và khi giá cơ sở không được tính đúng, tính đủ thì buộc họ phải bán với giá bán buôn thậm chí là bằng giá bán lẻ, cho nên khâu bán lẻ cuối cùng không còn đồng chi phí nào để làm nữa. Vậy rõ ràng không đủ chi phí thì nhiều doanh nghiệp bán lẻ xin phép được dừng bán.
Nên rút ngắn điều chỉnh chu kỳ giá xăng theo ngày
Về vấn đề chu kỳ điều hành giá, ông Lê Đăng Doanh - Chuyên gia Kinh tế, Nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu và quản lý Kinh tế trung ương cho biết, ở các nước một ngày giá xăng dầu có thể thay đổi tới 5 lần, cho nên chúng ta nên thích ứng với thị trường thế giới. Ông Doanh cho rằng kinh tế của chúng ta đã hội nhập rất sâu, lượng xăng dầu chúng ta nhập khẩu về theo giá thế giới là rất cao, vì vậy việc điều chỉnh giá, định mức cần phải được thông báo kịp thời và chuyển chu kì điều chỉnh giá từ 10 ngày xuống 5 ngày và tương lai là 1 ngày để có sự thích ứng kịp thời với diễn biến này.
"Theo tôi hiện nay chúng ta đang chuyển sang kinh tế số, thông tin có thể cập nhật từng giây và không phải chờ đợi ban hành công văn giấy tờ, tất cả những việc đó Bộ Công Thương hay các doanh nghiệp có thể thông báo qua mạng. Cho nên tôi muốn nhấn mạnh rằng điều chỉnh giá xăng dầu trong môi trường kinh tế số và chuyển đổi kinh tế số thực hiện công khai minh bạch thì điều đó sẽ đáp ứng kịp thời hơn những biến động của kinh tế thế giới", ông Lê Đăng Doanh nhấn mạnh.
Thứ hai, nên dành quyền quyết định cho doanh nghiệp nhiều hơn, tức là nhà nước không nên can thiệp một cách quá chi tiết mà chỉ quyết định những định mức như thế nào, trên cơ sở đó có giám sát về chất lượng, quá trình cung ứng... Và để những quy trình đó được hợp lý thì trước khi công bố cần trao đổi với doanh nghiệp.
Đồng quan điểm, ông Nguyễn Tiến Thỏa nhận định, chúng ta càng để chu kỳ điều hành càng dài ngày thì sự lệch pha với giá thế giới càng rõ, cho nên mới có hiện tượng găm hàng chờ giá.
Theo ông Thỏa, từ Nghị định 187 quy định chúng ta được phép điều chỉnh theo ngày 10% đối với xăng và 5% đối với dầu, rồi các nghị định sau này chúng ta đều nói theo cơ chế thị trường nhưng thực ra hiện nay chúng ta đang làm không theo thị trường nào cả, thế giới không chờ mình.
"Tôi kiến nghị nếu chưa làm được hằng ngày như thế giới làm thì chúng ta rút xuống 5 ngày. Điều này ta có làm được hay không, theo tôi với điều kiện của ta là làm được, điều chỉnh xuống 5 ngày và công bố theo thứ 2 hàng tuần", ông Thỏa kiến nghị.
Ngoài ra, ông Thỏa cho rằng phải sửa Nghị định 95 và Nghị định 83 trong đó nổi lên các vấn đề: hiện nay Bộ Công Thương vẫn là nơi điều hành kiểm soát hoạt động cung cầu của nền kinh tế, Bộ giao hạn mức cho các doanh nghiệp nhưng Bộ Công Thương phải kiểm tra kiểm soát xem các doanh nghiệp có nhập khẩu hay không.
Thứ hai, hệ thống phân phối cũng phải tính lại, tránh để xảy ra trường hợp như vừa qua hệ thống thương nhân phân phối bị đứt nguồn.
Thứ ba là những vấn đề bảo đảm nguyên tắc thị trường cho doanh nghiệp, họ được phép tự chủ trong đó có tự chủ về giá, đó là động lực để họ phấn đấu.