Báo cáo chiến lược của Chứng khoán Tiên Phong (TPS) cho biết, VN-Index trong tháng 7 phần nào đã đạt được vùng cân bằng khi tăng 0,5% so với tháng trước đó.
Theo thống kê lịch sử, tháng 8 trong các chu kỳ giao dịch hàng năm từng ghi nhận 2 tháng biến động mạnh là năm 2015 và 2020 với mức giảm/tăng lần lượt là -9,1% và 10,4%. Các tháng tăng điểm trong tháng 8 thường là sau các đợt giảm trong tháng 7 trước đó. Đáng chú ý, các năm 2020 và 2022 có mức tăng khá lớn.
Dự báo về diễn biến chỉ số, theo TPS, chỉ số chính vẫn duy trì một xu thế tăng bắt đầu từ tháng 11/2023 cho đến nay. Hiện tại, VN-Index đang ở gần ngưỡng 1.220 điểm, một vùng khá cân bằng khi tạo thành một cây nến có râu dài ở cả 2 phía tăng và giảm trên đồ thị tháng. Khi vùng giá 1.160 điểm vẫn được giữ vững, chỉ số chính vẫn duy trì được xu thế tăng và nhà đầu tư vẫn có thể chờ đợi cơ hội đầu tư ở các vùng hỗ trợ.
Trong kịch bản tích cực, TPS dự phóng VN-Index vượt lên 1.280 điểm trong tháng 8. Thị trường tiếp tục hồi phục, việc kiểm nghiệm lại ngưỡng 1.220 điểm ( +/- 20 điểm) hoàn toàn có thể xảy ra. Nhà đầu tư có thể tận dụng kiểm nghiệm này để tham gia mua mới, sau đó giá có thể tăng kèm thanh khoản dần dần được cải thiện lên ngưỡng trung bình của 20 phiên gần nhất. Nếu VN-Index vượt ngưỡng 1.280 điểm với thanh khoản lớn, đây sẽ là phiên xác nhận rõ ràng kịch bản tăng của thị trường sẽ trở lại trong các tháng tiếp theo.
Trong kịch bản trung tính, VN-Index hướng tới vùng 1.180 điểm. Ở kịch bản này, thị trường sẽ gặp khó khăn trước ngưỡng kháng cự 1.240 điểm khiến xu hướng sẽ thay đổi sang giảm điểm và VN-Index có thể tìm đến vùng giá 1.180 điểm. Sau khi chạm đến 1.180 điểm, thị trường sẽ xác nhận mô hình 2 đỉnh. Tại vùng giá này, nhóm phân tích kỳ vọng thị trường có thể tìm được động lực để kết thúc xu thế giảm điểm để chuyển sang xu thế tích luỹ.
TPS nhận định rằng, trong tháng 8, các nhóm ngành có kỳ vọng tốt là Bán lẻ, Ngân hàng. Theo TPS, với doanh thu bán lẻ hàng hóa tháng 7 đạt 2.801 nghìn tỷ đồng, tăng 7,4% so với cùng kỳ năm 2023, thị trường hàng hóa tiêu dùng cho thấy sức mua của người tiêu dùng vẫn rất ổn định và thậm chí còn có xu hướng tăng, bất chấp các yếu tố kinh tế vĩ mô và thay đổi trong hành vi mua sắm.
Qua đó, cho thấy niềm tin của người tiêu dùng vào nền kinh tế đang dần được phục hồi, đồng thời nhu cầu về các sản phẩm thiết yếu và tiện ích vẫn rất lớn.
"Thêm vào đó, để duy trì tiêu dùng nội địa, Chính phủ đã triển khai một số giải pháp, bao gồm tăng lương tối thiểu từ ngày 1/7/2024 và duy trì thuế GTGT ở mức 8% cho đến hết năm 2024. Những biện pháp này nhằm hỗ trợ người dân và duy trì sự ổn định trong thị trường nội địa và tạo ra kỳ vọng có tăng trưởng nhóm ngành Bán lẻ trong nửa cuối năm 2024", báo cáo TPS nêu.
Trong khi đó, tại nhóm cổ phiếu Ngân hàng, TPS cho biết, hoạt động kinh tế được kỳ vọng hồi phục tích cực hơn trong nửa cuối năm 2024 (đặc biệt là nhóm phi tài chính) giúp tăng trưởng tín dụng khởi sắc và giảm căng thẳng về nợ xấu. Đồng thời, hệ số NIM kỳ vọng cải thiện nhờ chi phí huy động giảm nhanh hơn lãi suất cho vay.
Trong năm 2025, TPS dự báo lợi nhuận Ngành ngân hàng có thể đạt mức tăng trưởng 20%, tạo ra những cơ hội hấp dẫn cho nhà đầu tư.