Trong 9 tháng đầu năm, VN-Index tăng 14% - cao hơn các thị trường trong khu vực, thậm chí Thái Lan gần kề chỉ tăng 1,08%, và mức tăng chỉ thua thị trường Trung Quốc (tăng 17% trong 9 tháng).
Tại chương trình S- WEEKENDS, ông Ngô Thế Hiển - Phó Giám đốc Trung tâm Phân tích Công ty chứng khoán Sài Gòn-Hà Nội (SHS) cho biết tăng trưởng VN30 vượt trội so với các nhóm còn lại, phản ánh một phần nào thực trạng của kinh tế Việt Nam, là DN đầu ngành thì bắt nhịp cơ hội trên thị trường nhanh hơn (nguồn lực lớn, thị phần tốt…).
Nhà đầu tư nước ngoài bán ròng trong 9 tháng đầu năm khoảng 2,5 tỷ USD. Các quỹ đầu tư phân bổ vào nhiều thị trường phát triển, đang phát triẻn – chủ yếu là do tác động lãi suất Fed tăng mạnh. Tuy nhiên, quy mô bán ròng của khối ngoại đang giảm dần theo tháng.
Theo chuyên gia, điểm sáng của thị trường trong 2 năm trở lại đây là nhà đầu tư nước ngoài bán ròng, nhưng chỉ số vẫn tăng trưởng nhờ vốn trong nước. Trước đây, dòng tiền nước ngoài tác động khác mạnh lên thị trường, khoảng vài năm trở lại đây, xu hướng đảo chiều, nhà đầu tư nước ngoài không còn tác động nhiều. Điều này cũng cho thấy, nhà cá nhân Việt Nam quan tâm hơn tới TTCK tâm lý vững vàng và tư duy đầu tư đang tốt hơn.
Cũng đưa ra nhận định, ông Phan Tấn Nhật, Trưởng nhóm Phân tích Công ty chứng khoán Sài Gòn-Hà Nội (SHS) ước tính trung bình EPS năm nay tăng khoảng 17%, P/E ước đạt 14,7x. Thông qua dự phóng P/E, điểm số VN-Index có thể tăng thêm 20%, đạt mức 1.320 điểm.
Chia sẻ về cách chọn cổ phiếu như "hàng hiệu", ông Nhật cho rằng nhà đầu tư nên tập trung vào doanh nghiệp tốt đầu ngành, nguồn cung nhỏ giọt, lợi tức tốt, có cổ đông lớn gắn bó với DN. Khi mua thì theo 2 chủ điểm là giá trị + xu hướng. Nhà đầu tư cần xem xét về xu hướng tăng trưởng của công ty, giá cổ phiếu có đang dưới giá trị không, hiệu suất có tăng tốt hơn GDP và cao hơn lãi suất ngân hàng không.
6 chủ đề đầu tư cho 3 tháng cuối năm được chuyên gia lựa chọn bao gồm:
Thứ nhất, nhóm cảng biển, logistic có tiềm năng khi kim ngạch xuất nhập khẩu 6 tháng +16% YoY và dự báo tiếp tục tăng trong 2025 nhờ dòng vốn FDI vào Việt Nam vẫn tăng trưởng trong bối cảnh nền kinh tế toàn cầu liên tiếp phải đối mặt với nhiều sự kiện bất định
- Bên cạnh đó, việc tăng 10% giá sàn phí bốc dỡ container quốc tế (cảng nước sâu +20%) và thúc đẩy đầu tư công, cải thiện năng lực hạ tầng giao thông, kết nối cảng biển sẽ là luận điểm tích cực cho ngành.
Thứ hai, bất động sản KCN được kỳ vọng khi dòng vốn FDI duy trì tích cực trong bối cảnh căng thẳng địa chính trị gia tăng, căng thẳng thương mại Mỹ - Trung Quốc, Châu Âu - Trung Quốc. Thúc đẩy đầu tư công, cải thiện năng lực hạ tầng giao thông, hạ tầng năng lượng, công nghệ.
Chuyên gia cho rằng đặc điểm chọn doanh nghiệp khấu hao ngày càng ít đi nhưng tài sản vẫn còn chất lượng, giá trị rất tốt (bất động sản có giá trị gia tăng theo thời gian, khi hết khấu hao…) thì khi hết khấu hao, lợi nhuận sẽ tăng rất tốt. Theo đó, cần lựa chọn DN đầu ngành, tăng trưởng tốt, ít nợ.
Thứ ba, ngân hàng cũng được ưu tiên khi kinh tế phục hồi, tín dụng tăng trưởng so với cùng kỳ. Ngành ngân hàng được xem là xương sống của nền kinh tế, dư nợ tín dụng trên tăng trưởng GDP có chiều hướng ngày càng gia tăng, 2001 dư nợ tín dụng trên tăng trưởng GDP chỉ 40%, nay khoảng 130-140% - cung cấp vốn chính cho doanh nghiệp.
Năm nay, nhiều ngân hàng được nới room tín dụng cho thấy nhu cầu tín dụng khả thi hơn. Định giá của nhóm ngân hàng với P/B 1,3-1,4 lần - thấp hơn nhiều so với giai đoạn Coivd và là mức định giá hấp dẫn.
Thứ tư, đầu tư công với hoạt động giải ngân đầu tư công thường được thúc đẩy mạnh vào giai đoạn cuối năm trong khi mới hoàn thành 45% KH so với mục tiêu 95%. Thông thường các tháng cuối năm các công trình sẽ được được giải ngân mạnh
Thứ năm, công nghệ thông tin là ngành tăng trưởng tốt nhất của thế giới và Việt Nam, tốc độ tăng trưởng hàng năm của FPT là 20%/năm.
- Nhu cầu chuyển đổi số trong nước tăng nằm trong chiến lược quốc gia lấy Kinh tế là một trong những động lực tăng trưởng. Tốc độ phát triển kinh tế số của Việt Nam là nhanh nhất Đông Nam Á trong hai năm liên tiếp (28% vào năm 2022 và 19% vào năm 2023), vượt gấp 3,5 lần tốc độ tăng trưởng GDP.
Thứ sáu dầu khí, ngành liên quan an ninh năng lượng được hưởng lợi khi Chính Phủ định hướng phát triển khí hoá lỏng. Trong khi đó, giá dầu được dự báo sẽ duy trì ở mức cao do các xung đột địa chính trị tiếp diễn tại nhiều khu vực trên thế giới.
- Dự án điện khí Lô B - Ô Môn (12 tỷ USD) được chính thức triển khai cơ hội cho các doanh nghiệp trong ngành. Nhu cầu vận tải dầu khi phục hồi, đặc biệt khí LNG phục vụ chính sách phát triển nhiệt điện chạy khí (Quy hoạch điện VIII xác định đến năm 2030 sẽ xây mới 13 nhà máy điện khí LNG, có tổng công suất 22.400MW, đóng góp gần 15% tổng sản lượng điện trong năm 2030).