Thị trường giảm điểm cực đoan nhưng không mất thanh khoản

Ông Nguyễn Tuấn Anh, Chủ tịch FinPeace cho biết, nếu chỉ đánh giá về cung cầu giao dịch trên thị trường chứng khoán Việt Nam, đã có sự gặp nhau trong phiên ngày thứ Sáu sau khi thị trường có một phiên giảm điểm kỷ lục. Tuy nhiên, vẫn còn một loạt cổ phiếu bị bán sàn cho thấy hiện tượng này chưa hoàn toàn được ghi nhận.

Ông Nguyễn Tuấn Anh

Chủ tịch FinPeace. (Ảnh: NVCC)

Việc có những phiên thanh khoản kỷ lục hơn 40.000 tỷ đồng do đó đã phản ánh những tiêu cực trong ngắn hạn cũng như cho thấy đã có những mức giá hợp lý xuất hiện thu hút được một bộ phận nhà đầu tư.

Còn với ông Nguyễn Quốc Tuyển - Trưởng phòng phân tích Chứng khoán TVI, sự kiện áp thuế lần này ảnh hưởng tới tất cả các ngành trên thị trường chứng khoán bởi đặc thù của nền kinh tế Việt Nam có độ mở rất lớn, với kim ngạch xuất nhập khẩu có giá trị bằng 165% GDP năm 2024. Từ những ngành bị ảnh hưởng trực tiếp như bất động sản khu công nghiệp, xuất khẩu (dệt may, gỗ, thép, thuỷ sản,…) cho đến những ngành bị ảnh hưởng gián tiếp như bán lẻ, ngân hàng, vận tải biển.

Thị trường cần tin tốt để phục hồi. Cụ thể các thông tin chính thức về việc áp thuế. Nếu chưa có tin này thì tất cả những phiên phục hồi đều là phục hồi tâm lý ngắn hạn, thậm chí không đủ để hàng về có lãi.

Số liệu vĩ mô quý I/2025 và nỗ lực đàm phán

Ông Bùi Văn Huy, Giám Đốc Khối Nghiên cứu đầu Tư FIDT cho biết, các nhóm quốc gia phát triển như Mỹ, Nhật, EU và Anh đang đối mặt với nguy cơ bước vào pha co hẹp (contraction) nhanh hơn dự kiến – thể hiện qua PMI suy yếu và các tín hiệu từ thị trường trái phiếu. Trung Quốc và Canada phục hồi chậm, trong khi Việt Nam cũng gặp thách thức đáng kể với mục tiêu tăng trưởng 8% trong năm nay trong bối cảnh thương mại toàn cầu suy giảm và niềm tin tiêu dùng nội địa còn yếu.

Ông Bùi Văn Huy

Giám Đốc Khối Nghiên cứu đầu Tư FIDT. (Ảnh: NVCC)

Nếu xung đột thương mại tiếp diễn và lan rộng, mẫu hình phục hồi hình chữ “L” – tương tự Trung Quốc trong các giai đoạn hậu chiến thương mại trước đây – là kịch bản cần cân nhắc nghiêm túc. Điều này đồng nghĩa với việc đáy thị trường có thể không xuất hiện theo dạng "hồi phục chữ V", mà là một nền giá thấp kéo dài nhiều quý, với thanh khoản thấp và định giá không hấp dẫn ngay cả sau khi giảm điểm.

Ông Nguyễn Tuấn Anh, Chủ tịch FinPeace cho biết, biến số nằm ở thị trường quốc tế cũng như những phản ứng không lường trước của các quốc gia do vượt quá khả năng chịu đựng. Từ đó, dẫn đến những biến động mạnh trong các cặp tỷ giá lớn.

Ông Nguyễn Quốc Tuyển - Trưởng phòng phân tích Chứng khoán TVI cho rằng, không cần kỳ vọng mức thuế là 0% mới tốt. Các mức thuế thấp hơn đối thủ xuất khẩu của Việt Nam sẽ tạo ngay hiệu ứng tích cực cho ngành xuất khẩu đó.

Ông Nguyễn Quốc Tuyển

Trưởng phòng phân tích Chứng khoán TVI. (Ảnh: NVCC)

Ví dụ, với các ngành như Dệt may, Không cần mức thuế về 0% mới là tốt. Mà chỉ cần thấp hơn các đối thủ như Bangladesh, Ấn Độ (các nước có lợi thế nhân công rẻ vốn là đối thủ của Việt Nam từ trước đến nay) là đã được hưởng lợi rồi. Hay với mặt hàng tôm, thuế cần thấp hơn Ecuador, Ấn Độ. Cá tra cần thấp hơn các loại cá từ Nga, Trung Quốc.

Những mức thuế áp lên các ngành linh kiện điện tử, bán dẫn của các doanh nghiệp FDI lớn như Samsung, LG có thể ảnh hưởng đến các doanh nghiệp BĐS Khu Công nghiệp phía Bắc. Chi tiết chúng ta sẽ cùng chờ mức thuế áp với từng ngành.

Chiến lược giao dịch khi thị trường chưa có đáy

Ông Nguyễn Tuấn Anh, Chủ tịch FinPeace, nhận định: "Rủi ro của thị trường luôn đi kèm với cơ hội. Hai phiên giao dịch gần đây với thanh khoản cao kỷ lục cho thấy dòng tiền lớn từ giới chủ doanh nghiệp đã tham gia giúp VN-Index giữ được mốc 1.200 điểm. Đây là điểm khác biệt so với giai đoạn 2008, khi nhà đầu tư nhỏ lẻ rời bỏ thị trường, dẫn đến mất thanh khoản."

Tuy nhiên, ông Tuấn Anh cũng cho biết, việc nhanh nhạy tìm kiếm các cơ hội sau những biến động mạnh của thị trường đòi hỏi nhà đầu tư có kinh nghiệm và sự nhạy cảm trong tâm lý giao dịch. Khi thị trường có sóng phải biết nương theo sóng và khi có tín hiệu đảo chiều cũng cần phải hành động nhanh chóng.

Trong khi đó, với nhóm nhà đầu tư tích sản, cần xác định nguồn vốn phân bổ định kỳ theo kỷ luật tự đặt ra. Tăng trưởng GDP dù có ảnh hưởng do chiến tranh thương mại nhưng vẫn là động lực hấp dẫn cho hoạt động đầu tư.

Còn với những nhà đầu tư dài hạn, cần tập trung vào giá trị doanh nghiệp bởi các đợt giảm sâu thường mang lại cơ hội chiết khấu lớn với tỷ suất cổ tức hấp dẫn.

Với ông Nguyễn Quốc Tuyển, giai đoạn kiếm tiền an toàn nhất là khi thị trường đã tạo đáy xong khoảng phiên thứ 4 đến thứ 7 khi thị trường xác nhận tạo đáy, có dòng tiền lớn tham gia.

Cuối cùng, ông Bùi Văn Huy, Giám Đốc Khối Nghiên cứu đầu Tư FIDT tập trung vào quản trị rủi ro khi thị trường có những vận động mạnh. "Khi thị trường biến động mạnh, điều quan trọng nhất là giữ được tỷ lệ an toàn phù hợp với chu kỳ – chứ không chạy theo cảm xúc. Tôi luôn quan niệm rằng, ở những giai đoạn bất định như hiện nay, việc “dự đoán đáy” không quan trọng bằng việc chuẩn bị tỷ trọng đúng. Bài học lớn nhất trong quản trị rủi ro là không để thị trường kéo mình đi quá xa khỏi kế hoạch ban đầu – đừng quá hưng phấn khi tăng và cũng không hoảng loạn khi giảm."

Với bối cảnh hiện tại, khi rủi ro từ thương mại, vĩ mô và chu kỳ toàn cầu đang đồng pha theo hướng tiêu cực, ông Huy cho rằng nên giữ tỷ trọng cổ phiếu ở mức phòng thủ, ưu tiên tiền mặt và chỉ nắm giữ những doanh nghiệp có nền tảng cơ bản thực sự tốt, ít phụ thuộc thương mại quốc tế và có dòng tiền ổn định.

Trong giai đoạn này, điều chỉnh là chiến lược, kiên nhẫn là lợi thế bởi "Không hành động vội vã cũng là một hành động".