
Định vị thị trường
Trong khi thị trường chứng khoán Việt Nam nghỉ lễ đầu tuần, các chỉ số châu Á đã ghi nhận sự giảm sâu hàng loạt. Các chỉ số HSI (-13,22%), TWSE (-9,7%), NIKKEI 225 (-7,83%) đã biến động tiêu cực trong ngày thứ Hai.
Sang tới thứ Ba, các thị trường kể trên đã ghi nhận sự hồi phục khá tốt với NIKKEI 225 (+6,03%) là chỉ số dẫn đầu đà tăng. Chiều ngược lại, TWSE (-4,02%), SET (-4,81%) vẫn còn chịu áp lực.
Những diễn biến hồi phục từ châu Á không đủ sức lan tỏa tới thị trường Việt Nam. Áp lực bán tháo lại xuất hiện trở lại kéo chỉ số VN-Index giảm thêm 78 điểm. Như vậy, thị trường đã có lần thứ 16 giảm hơn 50 điểm, nối tiếp phiên thứ Tư tuần trước.
Chất xúc tác
Dòng tiền trên thị trường cơ sở đã sụt giảm sau 2 phiên liên tiếp khớp lệnh kỷ lục. Cụ thể, khớp lệnh trên HOSE đã giảm hơn 40% xuống 1.056 triệu đơn vị. Điều này cho thấy dòng tiền bắt đáy đã không còn đủ duy trì được khả năng hấp thụ lực bán tháo trên thị trường cơ sở.
Còn nhóm nhà đầu tư ngoại dù đã giảm quy mô bán ròng nhưng vẫn rút ròng hơn 1.700 tỷ đồng tập trung vào các cổ phiếu Bluechips như MBB (-412 tỷ đồng), VHM (-364 tỷ đồng), FPT (-327 tỷ đồng), STB (-235 tỷ đồng).

Trái ngược với cơ sở, khớp lệnh phái sinh vẫn đang ở mức cao khi duy trì được phiên thứ 3 liên tiếp ở trên mức bình quân 20 phiên gần nhất. Tuy nhiên, một lần nữa nhà đầu tư cũng được chứng kiến phái sinh đồng loạt giảm sàn, phản ánh tâm lý "gỡ gạc" của nhà đầu tư khi cơ sở biến động tiêu cực.
Được biết, trong tuần vừa qua, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã bơm ròng 13.298,6 tỷ đồng vào thị trường bằng kênh thị trường mở. Trạng thái giao dịch có 94.946,42 tỷ đồng lưu hành trên kênh cầm cố, không còn tín phiếu NHNN lưu hành trên thị trường.
Vận động thị trường
Thay vì có lượng tiền lớn đỡ thị trường như 2 phiên tuần trước, các cổ phiếu hầu hết hết đóng cửa với trạng thái tiêu cực. Số lượng các mã giảm sàn chiếm tới 48% trên HOSE. Riêng tại VN30 có 80% số mã đóng cửa giảm sàn.
Hàng loạt các cổ phiếu Ngân hàng như TCB, OCB, VIB, SHB, STB, MBB, ACB, VPB, VCB, DHB, TPB, CTG, BID đều đóng cửa với trạng bị "chất lệnh" giá sàn.
Còn các mã Bluechips khác như BCM, BVH, FPT, GAS, GVR, HPG, PLX, MSN cũng có kết quả tương tự. Nhóm tạo ra những hy vọng le lói cho nhà đầu tư là các cổ phiếu Vingroup thực tế cũng chưa đủ thực lực để đi ngược lại thị trường. Chốt phiên, VIC giảm 5,5% còn VHM giảm 6,6% trong khi đó VRE chốt tại giá sàn.
Nỗ lực cân bằng tại các Bluechips chưa được ghi nhận dẫn đến hàng loạt nhóm ngành khác như Chứng khoán, Bất động sản, Khu Công nghiệp, Năng lượng, Bán lẻ, Cảng biển, Dệt may đều tiếp tục thể hiện sự tiêu cực.
Chỉ số VN-Index đã có phiên thứ 16 trong lịch sử giảm trên 50 điểm. Chốt phiên, VN-Index giảm 77,88 điểm (-6,43%) xuống 1.132,79 điểm. Tổng giá trị giao dịch toàn sàn đạt 25.303 tỷ đồng, tương đương 1.164,34 triệu đơn vị.
HNX-Index và UPCoM-Index cũng đều giảm trên 7%: HNX-Index giảm 7,34% còn UPCoM-Index giảm 7,28%. Tổng giá trị giao dịch 2 sàn đạt hơn 2.300 tỷ đồng.