Thời gian qua, thị trường chú ý tới các thông tin đối thủ trong ngành xây dựng, hạ tầng như Coteccons và Hoà Bình (mã HBC) bắt tay nhau hình thành liên doanh Hoa Lư tham gia gói đấu thầu quy mô lớn xây dựng sân bay Long Thành – gói thầu 5.10 giá trị 35.233 tỷ đồng. Ngoài Coteccons (đứng đầu liên danh) và HBC, Hoa Lư còn có những doanh nghiệp lớn khác như Tập đoàn Xây dựng Delta, Công ty CP Xây dựng Central.
Liên danh Hoa Lư đã gửi 38 thùng hồ sơ đề xuất kỹ thuật, số lượng bộ gốc hồ sơ đề xuất kỹ thuật là 1 bộ gồm 38 cuốn, đề xuất thời hạn thực hiện hợp đồng là 36 tháng, ít nhất trong 3 liên danh.
Trong khi liên danh VIETUR với Tập đoàn Công nghiệp và Thương mại Xây dựng Icistas (Thổ Nhĩ Kỳ, đứng đầu liên danh) và những cái tên quen thuộc trên thị trường là đối trọng rất lớn với nhóm Hoa Lư như: Tổng công ty CP Xuất nhập khẩu và Xây dựng Việt Nam (VCG) và Công ty CP Đầu tư Xây dựng Ricons, Công ty CP Đầu tư xây dựng Newtecons (hệ sinh thái của ông Nguyễn Bá Dương).
VIETUR đã gửi tổng cộng 30 thùng hồ sơ đề xuất kỹ thuật, ít nhất trong 3 liên danh. Số lượng hồ gốc đề xuất kỹ thuật là 1 bộ gồm 60 cuốn. Thời gian dự kiến thi công sẽ là 39 tháng, nhiều nhất trong 3 liên danh.
Liên danh còn lại là CHEC-BCEG-Vietnam Contractors , China Harbour Engineering Company Limited (CHEC) là công ty đứng đầu liên danh, có trụ sở tại Bắc Kinh, Trung Quốc. Liên danh này đã gửi đến ACV 36 thùng hồ sơ đề xuất kỹ thuật, số lượng bộ gốc hồ sơ đề xuất kỹ thuật là 1 bộ gồm 24 cuốn. Thời hạn thực hiện hợp đồng là 1.107 ngày, tương đương 37 tháng.
Như vậy, trong số 3 liên danh, duy nhất liên danh Hoa Lư với Coteccons đứng đầu là nhà thầu trong nước đứng đầu liên doanh, 2 nhóm còn lại do nhà thầu Thổ Nhĩ Kỳ và nhà thầu Trung Quốc đứng đầu.
Dự kiến gói thầu 5.10 sẽ tìm được nhà thầu trong tháng 8/2023, tức là chỉ còn khoảng thời gian rất ngắn thông tin về liên danh trúng thầu sẽ được công bố.
Dự kiến thời gian công bố nhà thầu dự án 5.10 là ngày 12/8
Phiên giao dịch sáng ngày 24/7 ghi nhận chuyển động trái chiều giữa mã cổ phiếu CTD của Coteccons và mã cổ phiếu VCG của Tổng Công ty CP Xuất nhập khẩu và Xây dựng Việt Nam. CTD đã giao dịch với mức giá sàn 73.700 đồng/cổ phiếu và tạm kết phiên giao dịch sáng với biên độ giảm được thu hẹp, giảm 5,4%. Khối lượng giao dịch của CTD cũng tăng đột biến. Trong khi, VCG tăng kịch biên độ lên 20.050 đồng, dư mua trần gần 2,4 triệu cổ phiếu.
Trước khi tham gia trong liên danh VIETUR, trong dự án thành phần 3 của sân bay Long Thành giai đoạn 1, VCG đã tham gia 1 trong 4 gói thầu đáng chú ý là gói 3.4 thi công san nền và thoát nước với tổng vốn đầu tư hơn 4.400 tỷ đồng cùng các nhà thầu khác là Trường Sơn, Cienco8, Phúc Lộc.
Trong báo cáo vừa công bố, Công ty chứng khoán SSI cho biết, với kinh nghiệm đã tham gia thi công nhiều cảng hàng không trong nước như nhà ga T2 Nội Bài, sân bay Phú Bài, Cam Ranh,… SSI kỳ vọng VCG có cơ hội trúng các gói thầu lớn trong thời gian tới như gói xây lắp 5.10 với giá trị hơn 35.000 tỷ.
Với CTD, mặc dù có kinh nghiệm xây dựng dự án lớn là tòa nhà Landmark 81, song nhóm công ty thuộc hệ sinh thái Newtecons dù không chính danh, nhưng sở hữu nhiều nhân sự điều hành Coteccons giai đoạn xây dựng Landmark 81.
Chia sẻ trên báo chí, ông Nguyễn Quốc Hiệp, Chủ tịch Hiệp hội nhà thầu xây dựng Việt Nam cho biết, các nhà thầu nước ngoài tham gia dự án lớn ở Việt Nam chủ yếu là cung cấp kinh nghiệm thực hiện, còn tổ chức thi công, nhân sự thi công chủ yếu là do các nhà thầu trong nước đảm nhiệm. Vì thế, vai trò của các nhà thầu nội trong quá trình triển khai xây dựng dự án đảm bảo tiến độ chất lượng là rất quan trọng. Khi các nhà thầu quốc tế tham gia dự án này thì nên có nhà thầu tư vấn quản lý nước ngoài đủ tầm cỡ để chấm điểm nhà thầu, xét thầu cũng như quản lý dự án án giúp cho chủ đầu tư.