Chứng khoán 16/4: Tạm thời thành công với ngưỡng hỗ trợ 1.230 điểm

Áp lực điều chỉnh đã có lúc đưa VN-Index xuống dưới 1.230 điểm nhưng nỗ lực bắt đáy đã giữ cho thị trường kết phiên không bị thủng ngưỡng hỗ trợ.
Chứng khoán 16/4: Tạm thời thành công với ngưỡng hỗ trợ 1.230 điểm
Phe chốt lời áp đảo tới hết phiên nhưng lực bán không có dấu hiệu leo thang bởi như đã lưu ý ở vùng 1.230, một nền hỗ trợ đã dần được thiết lập. Chỉ số VN-Index trong phiên chiều đã có lúc ghi nhận mức điểm số 1.228 điểm nhưng cũng không thể thủng sâu hơn. Lực mua bắt đáy lại nhanh chóng xuất hiện buộc chỉ số bật lên.
VIC (+1,5%), NVL (+5,37%), PDR (+5,03%) tiếp tục giữ nhịp cho chỉ số và cả nhóm Bất động sản. Nhờ đó, mà FLC (+4,53%), ROS (+6,93%), HQC (+4,63%) vững vàng trong đà tăng.
Nhóm Ngân hàng và nhiều nhóm ngành chưa có biểu hiện ổn định lại nên tất nhiên vẫn chưa thể đảm bảo thị trường đã chấm dứt đợt bán chốt lời. BID (-2,44%), VPB (-2,1%), ACB (-2,22%), HDB (-2,56%) còn giảm trên 2% trong khi FIT, SCR, GVR, LDG, CII, ITA giảm từ 4-6%.
Với các diễn biến này, ít nhất đầu tuần sau, nhà đầu tư bán ra vẫn sẽ còn tạo áp lực và do đó, vẫn có thể sẽ xuất hiện các nhịp test lại 1.230 điểm. Đặc biệt là khi khối ngoại liên tiếp có các phiên rút ròng mạnh. Hôm nay họ rút ra khỏi HOSE gần 520 tỷ đồng trong đó ngoài VHM (-179 tỷ đồng) còn có HPG (-156,19 tỷ đồng) và VHM (-149 tỷ đồng).
Với tuần này, chỉ số đã bảo vệ thành công 1.230 điểm. VN-Index đóng cửa giảm 23,28 điểm xuống 1.238,71 điểm. Thanh khoản sàn đạt 986,87 triệu đơn vị, tương đương 21.759 tỷ đồng. Qua đó, thị trường cũng có một tuần đạt mức giao dịch cao nhất trong lịch sử giao dịch.
Với HNX, biến động chỉ số cũng gần như trùng khớp với VN-Index. Điểm khác biệt chỉ ở cường độ giảm được hạn chế phần nào khi SHB (-0,77%) không bị sa đà vào nhịp giảm sâu và NVB (+0,57%) đã gồng mình kéo lại chỉ số. HNX-Index cuối phiên giảm 1,03% xuống 293,11 điểm. Thanh khoản sàn đạt 225,03 triệu đơn vị, tương đương 3.831 tỷ đồng.
Thêm UPCoM, nhà đầu tư sẽ có cảm nhận rõ hơn về tâm lý chung. Các mã BSR (-2,3%), ABB (-4%), CTR (-1,4%), VGT (-5,5%), BVB (-2,7%) cũng đều bị bán ra mà không nhận được sự quan tâm nào từ dòng tiền chốt lời của HOSE. Chỉ số UPCoM-Index giảm 1,1% xuống 81,79 điểm. Thanh khoản sàn đạt 141,75 triệu đơn vị, tương đương 1.524,7 tỷ đồng.
=============
Các diễn biến cuối phiên sáng đã phơi bày rõ sự yếu kém của đợt tăng giá lần này. Chỉ số bị phụ thuộc vào trụ nên chỉ cần nhóm này suy yếu thì sẽ càng kích hoạt việc chốt lời. Số mã giảm cuối phiên sáng hiện thu hẹp xuống còn 98 mã so với 322 mã giảm và 36 mã đứng giá tham chiếu.
Trên VN30, hiện chỉ còn lại đúng 5 mã tăng giá trong khi có 24 mã giảm và 1 mã đứng giá tham chiếu. 2 mã PDR và NVL đúng là vẫn tăng mạnh trong VN30 nhưng hiện các mã trọng yếu đều đã bị bán mạnh. Nếu như VIC (+1,3) không tăng trở lại đà giảm của VN30 lẫn thị trường đều sẽ mạnh hơn. Mức đóng góp của VIC đang là 1,7 điểm xấp xỉ mã kéo mạnh nhất sàn là NVL.
Một số cổ phiếu Midcap và Penny đã có phản ứng nhạy cảm hơn và giảm rất mạnh như HNG (-5,14%), ITA (-6,26%), DIG (-3,8%), KSB (-5,7%), AAA (-4,2%), NLG (-3,03%), LDG (-5,62%)...
Như vậy, thị trường chung đã xác nhận sẽ cần phải điều chỉnh. Mốc hỗ trợ ở vùng 1.230 điểm có thể sẽ lại phát huy đệm đỡ cho chỉ số nhưng trước mắt chỉ số vẫn chưa giảm về vùng này. Cuối phiên sáng, VN-Index đang giao dịch tại 1.240,49 điểm (-6,76 điểm). Thanh khoản của sàn đạt 621,25 triệu đơn vị, tương đương 13.020 tỷ đồng trong đó thỏa thuận chỉ có 432 tỷ đồng.
Trên HNX, mức giảm còn lớn hơn nữa do SHS (-3,6%), PVS (-3%), CEO (-5%), IDC (-3,5%) đều bị phe chốt lời tung mạnh lượng cung ra. Các mã này hiện đều có giá trị giao dịch trên 100 tỷ đồng.
Chỉ số HNX-Index giảm 1,08% xuống 292,92 điểm. Thanh khoản HNX đạt 132,9 triệu đơn vị, tương đương 2.365 tỷ đồng.
============
Yếu tố đáo hạn phái sinh đã được gạt bỏ ở thời điểm hiện tại nhưng mốc 1.250 dường như vẫn là một trở ngại tâm lý lớn cho thị trường. Các mã lớn đang rất nỗ lực thuyết phục nhà đầu tư nhỏ lẻ đồng hành để đưa chỉ số băng qua mốc trên. Tuy nhiên, sự lan tỏa tiếp tục chưa được ghi nhận.
Phía tăng VHM (+2%), MSN (+1%), VIC (+0,4%) tạm thời vẫn chưa hề lơ là trách nhiệm nhưng ngay chính các trong rổ VN30 sự đồng lòng còn chưa diễn ra. Vẫn có tới 18 mã giảm so với 12 mã tăng.
Yếu tố Ngân hàng có lẽ vẫn là điều nhà đầu tư mong mỏi nhất lúc này. Tuy nhiên, BID (-0,5%), MBB (-0,5%), ACB (-0,1%), VPB (-0,3%) rồi VCB (+0,8%), CTG (+1,4%) gần như chỉ tạo ra các biến động tự triệt tiêu lẫn nhau. 
Nhà đầu tư tiếp tục loay với các cổ phiếu Midcap và Penny và phần lớn chọn cách chốt lời một phần vị thế. Mức giảm giá của POW (-0,37%), DIG (-1,9%), DLG (-4,44%), VND (-0,83%), KDC (-0,38%), SCR (-1,06%), HAG (-0,16%), VJC (-0,53%), DCM (-1,16%)... đều thể hiện sự nửa vời trong tâm lý giao dịch.
Việc cổ phiếu FLC (+3,02%) vẫn kéo ROS (+6,93%), AMD (+6,1%), HAI (+5,2%) đương nhiên phải đi kèm câu chuyện nổi bật. Đó là một loạt các thông tin tích cực gần đây liên quan đến kế hoạch IPO của Bamboo Airways, việc ông Trịnh Văn Quyết - Chủ tịch HĐQT CTCP Tập đoàn FLC về việc đăng ký mua thêm 20 triệu cổ phiếu ROS. Và FLC cũng đang có kế hoạch phát hành gần 497 triệu cổ phiếu chào bán cho cổ đông hiện hữu. 
Trên HNX, KLF (+6,3%) không thể bỏ lỡ sóng tăng của FLC. Tuy nhiên, ART lại phát đi tín hiệu điều chỉnh nhẹ và đang giảm gần 2%. Biến động của ART đang khá trùng khớp với các mã khác của HNX như SHB (-0,8%), SHS (-1%), CEO (-5,8%), IDC (-1,1%).
Chỉ số HNX-Index giảm 0,67% xuống 294,14 điểm.

Đọc tiếp

HOSE đã lên lịch chuyển đổi sang KRX

HOSE đã lên lịch chuyển đổi sang KRX

Sở Giao dịch chứng khoán TP.HCM (HoSE) đã gửi thông báo đến các CTCK về kế hoạch triển khai chính thức KRX, dự kiến ngày 2/5 sẽ chính thức vận hành hệ thống giao dịch mới.

Nhịp cầu doanh nghiệp

Chat với BizLIVE