Phát biểu tại Hội nghị tổng kết công tác năm 2024, triển khai nhiệm vụ năm 2025 của Chính phủ và chính quyền địa phương, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Nguyễn Thị Hồng đánh giá, điều hành kinh tế vĩ mô trong năm 2024 có sự chuyển biến rõ nét. Sự điều hành của Chính phủ luôn gắn với ổn định kinh tế vĩ mô, không chủ quan với lạm phát.
Kinh nghiệm quốc tế và thực tế ở Việt Nam cho thấy, khi lạm phát cao, sẽ rất khó kiềm chế và mất nhiều thời gian. Chính sách tài khóa mở rộng, trong đó đẩy mạnh đầu tư công, xây dựng cơ sở hạ tầng giao thông rất phù hợp khi đầu tư của khu vực tư nhân còn đang khó khăn do tác động của đại dịch COVID-19 và xu hướng thắt chặt chính sách tiền tệ của ngân hàng trung ương các nước.
Đối với việc điều hành chính sách tiền tệ và hoạt động ngân hang, Thống đốc đánh giá, năm 2024, là năm rất nhiều khó khăn, áp lực. Tuy nhiên, với sự quan tâm sâu sắc của lãnh đạo Đảng, Nhà nước, sự đồng hành của Quốc hội, sự chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ, của Thủ tướng Chính phủ, sự phối hợp của các bộ, ngành địa phương, NHNN đã bám sát diễn biến tình hình, chủ động điều hành các công cụ, giải pháp với thời điểm, liều lượng hợp lý nên đã cơ bản đạt được các mục tiêu đề ra và có những điểm nhất trong năm 2024.
Chính sách tiền tệ đã góp phần kiểm soát lạm phát, giảm được mặt bằng lãi suất, trong bối cảnh lãi suất thị trường quốc tế còn cao, ổn định tỷ giá và thị trường ngoại tệ. Tín dụng cả năm tăng 15,08%, bằng chỉ tiêu định hướng. Đặc biệt, cuối năm 2024, NHNN đã thông báo tăng trưởng tín dụng năm 2025 cho các TCTD. Bên cạnh đó, NHNN và Bộ Xây dựng đã thống nhất cho phép các tổ chức tín dụng (TCTD) không tính dư nợ cho vay nhà ở xã hội vào chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng.
Đối với hoạt động của hệ thống ngân hàng, Thống đốc cho biết, sau những biến cố, vụ việc xảy ra, hệ thống ngân hàng đã nhận diện được nhiều vấn đề, rút ra được nhiều bài học kinh nghiệm, đã đưa các quy định sửa đổi vào Luật TCTD sửa đổi theo hướng chủ động từ sớm, từ xa. Công tác kiểm tra, kiểm soát, kiểm toán nội bộ; bảo đảm an ninh, an toàn thông tin được tăng cường.
Thống đốc cho biết, năm 2024, sau một thời gian dài, NHNN đã chính thức chuyển giao bắt buộc 2 ngân hàng; còn 2 ngân hàng Chính phủ đã ban hành Nghị quyết, vài ngày tới NHNN sẽ ban hành Quyết định và tổ chức lễ chuyển giao.
Hệ thống ngân hàng ngày càng đa dạng các loại hình dịch vụ cung ứng cho doanh nghiệp và người dân đi đôi với thúc đẩy chuyển đổi số (đến nay nhiều ngân hàng đã có trên 90% số lượng giao dịch được xử lý trên kênh số).
Trong quá trình này, NHNN nhận thấy cơ sở dữ liệu dân cư theo Đề án 06 thực sự là nguồn tài nguyên quý giá, hữu dụng, việc tăng cường kết nối với cơ sở dữ liệu này tạo thuận lợi cho việc thúc đấy chuyển đổi số, đồng thời cũng góp phần ngăn ngừa tình trạng tội phạm trong hoạt động ngân hàng.
Năm 2024, ngành ngân hàng cũng tích cực thực hiện công tác an sinh xã hội, khắc phục bão lũ, xóa nhà tạm, nhà dột nát. Tổng cộng hệ thống ngân hàng chi cho an sinh khoảng 2.000 tỷ đồng.
Về phương hướng nhiệm vụ năm 2025, NHNN nhất trí với chủ đề đề nhấn mạnh "tăng tốc bứt phá", xác định vị thế chính sách tiền tệ và chính sách tài khóa như năm 2024. NHNN sẽ bám sát diễn biến tình hình, phối hợp tốt với các chính sách kinh tế vĩ mô khác.
Với vai trò là Ngân hàng Trung ương trong điều hành chính sách tiền tệ, NHNN kiến nghị, bên cạnh động lực tăng trưởng từ xuất khẩu, dựa vào cầu nước ngoài như những năm qua, cần có giải pháp khai thác mạnh mẽ cầu trong nước (chúng ta đang có lợi thế của một quốc gia có dân số hơn 100 triệu dân).
Theo Thống đốc, để thúc đẩy tăng trưởng thì cần tập trung đột phá, đặc biệt là công nghệ chuyển đổi số, huy động nguồn vốn trong nước và cả nước ngoài, khi mà dư địa về nợ công, nợ nước ngoài của chúng ta vẫn cho phép.
Song song với gia tăng hiệu quả sử dụng vốn cũng như là tăng năng suất lao động, có như vậy thì chúng ta mới có thể đạt được tăng trưởng kinh tế cao, nhưng vẫn đảm bảo được các cân đối lớn của vĩ mô, cũng như bảo đảm ổn định được thị trường tiền tệ và ngân hàng.
Với vai trò là cơ quan quản lý hoạt động ngân hàng, năm 2024, NHNN đã chuyển giao 4 ngân hàng yếu kém.
Với việc triển khai, tích hợp Đề án 06 về dữ liệu dân cư quốc gia, Thống đốc Nguyễn Thị Hồng cho rằng cần tập trung ưu tiên xây dựng và làm giàu hệ thống dữ liệu quốc gia về doanh nghiệp. Qua đó, giúp cho việc quản lý nhà nước nói chung, quản lý hoạt động ngân hàng, kết nối, chia sẻ giữa các cơ quan quản lý để nâng cao hiệu quả quản lý, tạo điều kiện cho việc minh bạch các giao dịch trong nền kinh tế.