Theo dữ liệu từ Hiệp hội Thị trường trái phiếu Việt Nam (VBMA), tổng hợp từ Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội (HNX) và Ủy ban Chứng khoán Nhà nước, trong 6 tháng cuối năm 2023, tổng giá trị trái phiếu sẽ đến hạn là khoảng 158.500 tỷ đồng. Phần lớn giá trị trái phiếu sắp đáo hạn thuộc nhóm bất động sản với 80.952 tỷ đồng (chiếm 51%), theo sau là nhóm ngân hàng với 27.261 tỷ đồng (chiếm 17,2%).
Nếu không có hoạt động mua lại trước hạn nào đáng kể thì trong 6 tháng còn lại của năm, áp lực đáo hạn sẽ dồn vào tháng 9 với giá trị cao nhất đạt gần 40.800 tỷ đồng, kế đến là tháng 8 với 32.600 tỷ đồng và tháng 12 với hơn 28.900 tỷ đồng.
Nguồn: VBMA
Cụ thể, trong tháng 9/2023, theo số liệu trên HNX, bất động sản là nhóm có lượng trái phiếu đáo hạn áp đảo. Trong đó, CTCP Tập đoàn Đầu tư An Đông - thành viên của Tập đoàn Vạn Thịnh Phát – là doanh nghiệp có lượng trái phiếu đáo hạn lớn nhất, gần 15.000 tỷ đồng.
Con số này là giá trị phát hành của hai lô trái phiếu được CTCP Tập đoàn Đầu tư An Đông phát hành vào tháng 9/2018 với kỳ hạn 5 năm, đáo hạn vào ngày 28/9/2023. Trong đó, lô trái phiếu ADC-2018.09 có giá trị là 11.969 tỷ đồng và lô ADC-2018.09.1 có giá trị 3.000 tỷ đồng.
Ngoài ra, CTCP Tập đoàn Đầu tư An Đông còn một lô trái phiếu mã ADC-2019.01 có giá trị phát hành 10.000 tỷ đồng, kỳ hạn 5 năm, sẽ đáo hạn vào ngày 22/1/2024.
Cũng trong tháng 9/2023, nhóm 3 doanh nghiệp bất động sản thuộc “hệ sinh thái” Masterise gồm CTCP WorldWide Capital, CTCP Air Link và CTCP Xây Dựng Kiến Hưng Thịnh sẽ có 6 lô trái phiếu với tổng giá trị 10.830 tỷ đồng đáo hạn.
6 lô trái phiếu này được 3 doanh nghiệp phát hành cùng vào ngày 30/3/2022 và đều có đều có kỳ hạn 18 tháng, đáo hạn vào ngày 30/9/2023. Trong đó, WorldWide Capital phát hành hai lô trái phiếu mã WWCCB2223001 và WWCCB2223002 với giá trị lần lượt là 1.260 tỷ đồng và 2.150 tỷ đồng; Air Link phát hành hai lô trái phiếu mã ALICB2223001 và ALICB2223002 có giá trị 1.240 tỷ đồng và 2.570 tỷ đồng; còn lại 2 lô trái phiếu mã KHTCB2223001 và KHTCB2223002 do Kiến Hưng Thịnh phát hành có giá trị 2.500 tỷ đồng và 1.110 tỷ đồng.
WorldWide Capital, Air Link và Kiến Hưng Thịnh được biết đến là ba doanh nghiệp đã nhận chuyển nhượng dự án thành phần thuộc dự án Khu đô thị Sài Gòn Bình An (nay đổi tên thành The Global City do Masterise Homes là đơn vị phát triển dự án) từ CTCP Đầu tư và Phát triển Sài Gòn (SDI Corp) và đã ký hợp đồng thế chấp tài sản với Techcombank một ngày trước khi phát hành các lô trái phiếu nêu trên.
Ngoài hai nhóm doanh nghiệp trên, nhóm Novaland cũng có khoảng 2,2 nghìn tỷ đồng trái phiếu đáo hạn trong tháng 9, trong đó bao gồm lô trái phiếu mã NSRCH2223001 trị giá 1.000 tỷ đồng do Công ty TNHH Đầu Tư Địa Ốc Nova Saigon Royal phát hành hồi tháng 3/2022.
Một số doanh nghiệp bất động sản khác cũng có trái phiếu đáo hạn trong tháng 9 như CTCP Hưng Thịnh Land có hai lô trái phiếu đáo hạn với tổng giá trị 700 tỷ đồng hay CTCP Phát triển bất động sản Phát Đạt có 1 lô trái phiếu đáo hạn trị giá 270 tỷ đồng (đã mua lại trước hạn 135 tỷ đồng),…
Số doanh nghiệp chậm thanh toán nghĩa vụ trái phiếu có thể tiếp tục tăngMặc dù thời gian gần đây, hoạt động mua lại cũng như đàm phán gia hạn kỳ hạn trái phiếu khá sôi động, nhất là sau khi Nghị định 08 được ban hành. Tuy nhiên, danh sách các công ty chậm thanh toán nợ trái phiếu doanh nghiệp, chủ yếu là trong lĩnh vực bất động sản vẫn tiếp tục gia tăng.
Trong một báo cáo mới phát hành về thị trường trái phiếu, Công ty chứng khoán VNDIRECT cho biết, trong bối cảnh hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp còn khó khăn, thị trường bất động sản còn trầm lắng doanh nghiệp gặp khó về dòng tiền và hạn chế khả năng tiếp cận nguồn vốn, danh sách các doanh nghiệp chậm thanh toán các nghĩa vụ nợ trái phiếu vẫn tiếp tục tăng lên.
Tính đến ngày 26/6/2023, có khoảng 59 doanh nghiệp nằm trong danh sách chậm nghĩa vụ thanh toán lãi hoặc nợ gốc trái phiếu doanh nghiệp theo thông báo của HNX.
“Chúng tôi ước tính, tổng dư nợ trái phiếu doanh nghiệp của các doanh nghiệp này vào khoảng 159,5 nghìn tỷ đồng, chiếm khoảng 14,6% dư nợ trái phiếu toàn thị trường. Khoảng hơn 43,8 nghìn tỷ đồng trái phiếu doanh nghiệp của các doanh nghiệp trong danh sách sẽ đáo hạn trong năm 2023, chiếm khoảng 19,6% tổng giá trị đáo hạn toàn thị trường cả năm”, báo cáo VNDIRECT nêu.
Nguồn: VNDIRECT, HNX
VNDIRECT cũng cho rằng hoạt động đàm phán gia hạn kỳ hạn trái phiếu sẽ tiếp tục diễn ra sôi động trong quý 3/2023. Áp lực trái phiếu doanh nghiệp đáo hạn vẫn đang gia tăng trong 2 quý cuối năm nay, trong khi nhiều tổ chức phát hành vẫn còn khó khăn trong hoạt động kinh doanh và khó khăn về dòng tiền, việc có thể đàm phán để gia hạn thời hạn các trái phiếu sắp đến hạn là một trong những giải pháp tốt nhất mà những tổ chức phát hành này có thể lựa chọn ở thời điểm này để có thêm thời gian phục hồi sản xuất kinh doanh và tạo ra đủ dòng tiền chi trả cho các khoản nợ trái phiếu.
Trong một báo cáo về thị trường trái phiếu trước đó, Công ty Chứng khoán KBSV cũng đưa ra ước tính có khoảng 13 doanh nghiệp phi ngân hàng có giá trị trái phiếu đáo hạn trên 3.000 tỷ trong nửa cuối năm 2023. Điểm đáng chú ý là trong số những doanh nghiệp trên có đến 12 doanh nghiệp bất động sản và 11 doanh nghiệp chưa niêm yết, cho thấy rủi ro gia tăng trong giai đoạn này.
Riêng với giá trị trái phiếu đáo hạn gần 15.000 tỷ đồng của Tập đoàn An Đông thuộc Vạn Thịnh Phát KBSV cho rằng đây là những lô trái phiếu liên quan đến vi phạm đã bị phát hiện vào năm ngoái của ban lãnh đạo công ty nên rủi ro được đánh giá là rất cao.
“Nhìn chung, với triển vọng kinh doanh không mấy khả quan của ngành bất động sản nói chung, các doanh nghiệp này sẽ khó có thể hoàn thành nghĩa vụ đáo hạn trong thời gian tới”, báo cáo của KBSV nêu nhận định.