Cắt lỗ vẫn khó bán
Năm 2019, chị Thu Anh (Hà Nội) mua căn nhà phố thương mại tại dự án ở ngoại thành Thủ đô với giá 7,8 tỷ đồng. Thời điểm xuống tiền, chị Thu Anh kỳ vọng sau 2 năm sẽ bán thu khoản tiền chênh. Chị lựa chọn phương án đóng tiền theo tiến độ và sử dụng đòn bẩy tài chính.
Đến năm 2021, do ảnh hưởng bởi Covid-19, căn nhà phố thương mại được rao bán nhưng khó tìm được khách chốt. Chị Thu Anh dự tính sẽ đẩy mạnh bán căn nhà phố trong năm 2022 để thu hồi tiền bởi chính sách ân hạn nợ gốc đã hết, áp lực nợ vay lớn.
Thế nhưng, dự tính của nhà đầu tư tay ngang này đã không thành khi thị trường trầm lắng từ giữa năm 2022. Đến cuối năm 2022, sau một năm rao bán bất thành, chị Thu Anh quyết định giảm giá 600 triệu đồng, chấp nhận hoà vốn. “Bây giờ là cận Tết, tôi vẫn chưa bán được nhà phố. Khả quan, căn nhà của tôi còn ế đến 1-2 năm sau”.
(Ảnh minh hoạ)
Anh Tuấn Ngọc (Hà Nội) cũng đưa ra quyết định cắt lỗ tới 1,5 tỷ đồng với căn biệt thự. Đây là căn biệt thự thuộc dự án bất động sản nghỉ dưỡng ở Đà Nẵng, được anh Ngọc mua vào hồi đầu năm 2020.
Đến thời điểm hiện tại, vì cần tiền thanh toán khoản nợ ngân hàng cho một số bất động sản ở Hà Nội và các tỉnh lân cận, anh Ngọc buộc phải đưa ra quyết định bán cắt lỗ với kỳ vọng thu hồi tiền nhanh. Cũng theo anh Ngọc, do khoảng cách địa lý nên việc khai thác kinh doanh hay nhu cầu ở với căn biệt thự này thấp. Đây cũng là lý do chính anh Ngọc muốn tất toán sớm.
Giá sẽ còn hạ
Áp lực gồng lãi vay của nhiều nhà đầu tư khiến họ buộc phải đưa ra quyết định cắt lỗ. Tuy nhiên, trong bối cảnh như hiện tại, khả năng thanh khoản các sản phẩm rất khó.
Theo anh Nhật (nhà đầu tư có 9 năm kinh nghiệm trên thương trường bất động sản), với sản phẩm bất động sản giá cao, dù cắt lỗ đến tiền tỷ cũng rất khó bán.
Vị này còn tiết lộ: “Một số nhà đầu tư mua biệt thự, nhà phố thuộc dự án bất động sản mới cọc tiền hoặc nộp tiền ở giai đoạn đầu còn sẵn sàng bỏ. Có một vị khách của tôi còn tặng lại căn biệt thự cho người có thể tiếp tục đóng khoản tiền theo tiến độ quy định bởi bỏ không thì tiếc, nộp tiền tiếp thì căng".
Cũng theo anh Nhật, khi thị trường khó, lượng nhà đầu tư có tiền mặt vốn dĩ không nhiều, bất động sản dù cắt lỗ vẫn khó bán. Đặc biệt loại hình nhà phố, condotel, biệt thự có giá trị rất lớn, lên tới 7-15 tỷ đồng. Chỉ có nhà phố đã đi vào hoạt động, nằm trên trục đường tiềm năng, hoặc căn hộ chung cư, nhà đất trong ngõ cắt lỗ mạnh mới có khả năng thanh khoản tốt.
“Nhưng nhìn chung trên toàn thị trường, thanh khoản các phân khúc đều kém. Một là vì người mua không sẵn tiền. Hoặc họ tâm lý giữ tiền mặt phòng thân khi kinh tế biến động. Hai là họ kỳ vọng giá bất động sản còn hạ.
Ba là họ e ngại tính pháp lý của một số bất động sản thuộc dự án, đang phải đóng theo tiến độ. Điều này dễ lý giải khi một số dự án đang nằm trong diện thanh tra, hoặc thuộc chủ đầu tư vướng lùm xùm về pháp lý. Trường hợp đổi chủ hoặc dự án có vấn đề, tiến độ thi công của dự án sẽ bị trễ. Chắc chắn không ai muốn bỏ ra hàng tỷ đồng cho dự án đang có nhiều rủi ro và biến động”, anh Nhật cho hay.
Ông Trần Khánh Quang, Tổng giám đốc Công ty Việt An Hoà, thị trường khó dự đoán bởi nhiều yếu tố xảy ra như lãi suất tăng cao, dòng tiền khan hiếm, thị trường thiếu thanh khoản, các vấn đề liên quan đến trái phiếu.
Ông Quang dự đoán, giá bất động sản có thể hạ khi nhà đầu tư khó cầm cự.
Nhưng với tín hiệu tích cực thì Chính phủ, tháo gỡ vướng mắc về trái phiếu, khả quan thị trường sẽ phục hồi.
Giới đầu tư kỳ vọng, giai đoạn khó khăn sẽ sớm qua đi và thị trường khởi sắc. Nếu nhà đầu tư cần tiền, họ có thể cắt lỗ sâu còn hơn chấp nhận giá trị sụt giảm mạnh trong trường hợp thị trường xảy ra biến động lớn, đi theo chiều hướng rủi ro.