Đây là ví dụ thực tế nhất cho thấy mức độ nghiêm trọng của bất bình đẳng giàu nghèo, được nêu ra trong báo cáo “Survival of the Richest” mới công bố của tổ chức Oxfam Quốc tế. Bất chấp thế giới đang trải qua những cuộc khủng hoảng căng thẳng và tồi tệ nhất trong nhiều năm, những người giàu nhất trên thế giới vẫn gia tăng tài sản đáng kể và lợi nhuận của các công ty lớn đạt mức cao kỷ lục.
Sự trỗi dậy của giới siêu giàu
Trong 2 năm qua, những người giàu nhất nhân loại đã nắm giữ gần 2/3 trong số của cải tăng thêm trên toàn cầu, trị giá khoảng 42.000 tỷ USD. Dựa trên dữ liệu của ngân hàng Credit Suisse, tổ chức Oxfam chỉ ra 63% của cải thặng dư suốt giai đoạn từ 2020-2022 nằm trong tay nhóm người vốn chỉ chiếm 1% dân số thế giới. Nói cách khác, kể từ năm 2020, cứ mỗi USD tài sản mà một người thuộc nhóm 90% nghèo nhất kiếm được, thì cùng lúc đó một tỷ phú đã kiếm được 1,7 triệu USD.
Chênh lệch giàu nghèo giữa nhóm 1% và 99% (Nguồn: Oxfam)
Điều đáng nói, nhân loại đang trải qua những cuộc khủng hoảng chưa từng có trong nhiều năm qua. Đại dịch COVID đã cướp đi 20 triệu sinh mạng và vẫn đang khiến hàng trăm triệu người khốn đốn với các tác động gián tiếp đến kinh tế và sức khỏe. Cùng với đó, những cuộc xung đột đã đẩy thêm hàng chục triệu người phải đối mặt với nạn đói, và hàng trăm triệu người khác phải chứng kiến chi phí sinh hoạt thiết yếu gia tăng phi mã. Liên Hiệp Quốc thừa nhận rằng lần đầu tiên sau 25 năm, tỷ lệ nghèo đói đã gia tăng.
Lạm phát phi mã trên phạm vi toàn cầu cũng ngày càng bóp nghẹt ví tiền của 99% người dân. Ít nhất 1,7 tỷ người lao động trên toàn thế giới sẽ phải chứng kiến lạm phát vượt quá mức lương của họ vào năm 2022, khiến chi phí cho lương thực và các dịch vụ thiết yếu cũng trở nên đắt đỏ. Ngay tại quốc gia giàu có nhất EU là Đức, nhiều người dân cũng đang phải tìm đến các ngân hàng thực phẩm, nơi bán nhu yếu phẩm gần hết hạn với giá rẻ, để tiết kiệm chi phí khi giá lương thực và khí đốt tăng từ 30-50%.
Lạm phát phi mã đẩy nhiều nước châu Âu vào khủng hoảng (Nguồn: Nation World)
“Trong lúc người dân thường đang chật vật cắt giảm chi tiêu ngay cả cho những mặt hàng thiết yếu như thực phẩm, thì nhóm siêu giàu đã vượt lên cả những giấc mơ điên rồ nhất của họ. Chỉ sau hai năm, các tỷ phú đã bước vào thập kỷ vàng của họ; chúng ta có thể gọi những năm 2020s là kỷ nguyên bùng nổ của nhóm siêu giàu”, bà Gabriela Bucher, Giám đốc Điều hành của Oxfam Quốc tế chia sẻ.
Năm 2022, Ngân hàng Thế giới cảnh báo nhân loại sẽ không đạt được mục tiêu chấm dứt tình trạng nghèo cùng cực vào năm 2030 trong bối cảnh bất bình đẳng gia tăng mạnh nhất trên toàn cầu và là nguyên nhân lớn nhất kể từ sau Chiến tranh thế giới thứ hai. Lần đầu tiên, UNDP nhận thấy chỉ số phát triển con người đang giảm sút ở 9 trên 10 quốc gia.
Hàng loạt quốc gia đang và kém phát triển phải đối mặt với tình trạng phá sản khi các khoản nợ tăng ngoài tầm kiểm soát. Thay vì đầu tư cho y tế hay giáo dục, các quốc gia nghèo nhất đang phải chi số tiền gấp bốn lần so với thông thường để trả nợ. Nhiều quốc gia đang lên kế hoạch cắt giảm chi tiêu triệt để. Trong 5 năm tới, Oxfam dự báo 3/4 chính phủ các nước sẽ cắt giảm chi tiêu khoảng 7,8 nghìn tỷ USD.
Giải pháp khó khăn
Theo Oxfam, đánh thuế người giàu chính là một lối thoát cho các cuộc khủng hoảng hiện nay. Tổ chức có trụ sở tại Anh tính toán rằng, nếu áp dụng mức thuế tài sản 5% đối với tỷ phú, 2% đối với người có 5 triệu USD trở lên và 3% đối với người có giá trị tài sản trên 50 triệu USD, sẽ giúp huy động 1,7 nghìn tỷ USD mỗi năm.
1.700 tỷ USD sẽ đủ để giúp 2 tỷ người trên thế giới thoát nghèo. Ngoài ra, nó có thể lấp đầy khoản thiếu hụt ngân quỹ cứu trợ nhân đạo khẩn cấp của Liên Hợp Quốc và tài trợ cho kế hoạch toàn cầu nhằm chấm dứt nạn đói. Bên cạnh đó, số tiền này có thể tài trợ cho những tổn thất và thiệt hại mà biến đổi khí hậu gây ra cho các quốc gia có thu nhập thấp và trung bình thấp, đồng thời cung cấp dịch vụ y tế và an sinh xã hội cho tất cả công dân của họ (khoảng 3,6 tỷ người).
Đánh thuế người giàu là biện pháp chiến lược nhất để giảm bất bình đẳng giàu nghèo (Nguồn: Oxfam)
Tuy nhiên, để giải pháp này đi vào thực tiễn vẫn là một chặng đường dài. Ngoài ý chí quyết tâm của các chính phủ, giới siêu giàu vẫn có nhiều cách thức để che giấu khối tài sản thực cũng như tác động đến chính sách thuế ngay từ manh nha.
Hồi tháng 10/2021, Thượng nghị sĩ Ron Wyden, Chủ tịch Ủy ban Tài chính Thượng viện Mỹ, đã công bố đề xuất áp thuế lên khoảng 700 người giàu nhất nước Mỹ. Thế nhưng dự luật đã vấp phải sự phản đối của nhiều tỷ phú và sớm thất bại khi được đưa ra Quốc hội.
Trong các khủng hoảng toàn cầu trước đây, chính phủ nhiều nước đã tăng thuế đối với nhóm người giàu nhất, dựa trên tinh thần đoàn kết và sẻ chia khó khăn. Điều đáng buồn, điều này đã không xảy ra trong thời kỳ đỉnh dịch COVID-19. Thay vào đó, 95% các quốc gia không tăng, hoặc thậm chí còn giảm thuế cho nhóm người giàu và các tập đoàn, báo cáo của Oxfam nêu rõ.