CTCP Hàng không Tre Việt (Bamboo Airways) mới có thông báo mời họp đại hội đồng cổ đông (ĐHĐCĐ) bất thường năm 2023, diễn ra ngày 10/4 tới.
Tại cuộc họp này, hội đồng quản trị Bamboo Airways dự kiến trình cổ đông thông qua phương án phát hành cổ phần phổ thông nhằm tái cơ cấu nợ và tăng vốn điều lệ.
Cụ thể, công ty muốn chào bán cổ phần riêng lẻ với quy mô phát hành dự kiến tối đa 35% vốn cổ phần sau phát hành.
Với vốn điều lệ hiện tại ở mức 18.500 tỷ đồng, tương ứng 1,85 triệu cổ phần, ước tính Bamboo Airways sẽ phát hành tối đa thêm 996,2 triệu cổ phần, huy động khoảng 9.962 tỷ đồng, qua đó nâng vốn điều lệ lên gần 28.462 tỷ đồng.
Nếu việc phát hành thành công, vốn điều lệ của Bamboo Airways có thể sẽ vượt qua Tổng Công ty Hàng không Việt Nam (Vietnam Airlines, mã HVN) - với vốn điều lệ 22.143 tỷ đồng và Tổng Công ty Cảng Hàng không Việt Nam (mã ACV) - với vốn điều lệ 21.772 tỷ đồng và trở thành doanh nghiệp dẫn đầu ngành hàng không về vốn điều lệ.
Theo Bamboo Airways, việc phát hành trên nếu được ĐHĐCĐ thông qua sẽ được thực hiện ngay trong năm 2023. Số lượng cổ phần được phát hành thêm cũng sẽ không bị hạn chế chuyển nhượng.
Trong một diễn biến liên quan, mới đây, ông Nguyễn Mạnh Quân, Tổng Giám đốc Bamboo Airways cho biết, hiện Bamboo Airways đã tìm được nhà đầu tư mới để thay thế cho các cổ đông cũ (là cựu Chủ tịch Trịnh Văn Quyết và các cổ đông liên quan).
Các nhà đầu tư mới này ngoài việc thanh toán giá mua cổ phần, cũng đã đồng ý kế thừa và chịu trách nhiệm thực hiện các nghĩa vụ thanh toán nợ gốc và lãi đối với các khoản vay trước đây do các cổ đông cũ đã dùng chính cổ phần Bamboo Airways để cầm cố, thế chấp cho các ngân hàng.
Bamboo Airways được Tập đoàn FLC thành lập ngày 31/5/2017 với vốn điều lệ ban đầu 700 tỷ đồng, trong đó tập đoàn này nắm 100% vốn điều lệ.
Tại ĐHĐCĐ bất thường hồi đầu tháng 3, lãnh đạo FLC cho biết khoản đầu tư vào Bamboo Airways có giá trị là 4.015 tỷ đồng (401,5 triệu cổ phần), tương ứng 21,7% vốn điều lệ. Do Bamboo Airways hoạt động thua lỗ vào năm 2021, FLC phải trích lập dự phòng đầu tư 373 tỷ đồng. Số trích lập này tiếp tục tăng mạnh trong năm 2022 lên 3.642 tỷ đồng. Đây cũng là một trong những khoản đầu tư khiến FLC phải trích lập dự phòng nhiều nhất tính đến cuối năm 2022.
Trong bối cảnh Bamboo Airways thua lỗ, lãnh đạo FLC cho biết sẽ xem xét kế hoạch chuyển nhượng cổ phần tại Bamboo Airways trong quá trình tái cấu trúc.
Chia sẻ trên Vietnamnet gần đây, Tổng Giám đốc Bamboo Airways cho biết, sau thời gian bị ảnh hưởng của đại dịch, năm 2023, hãng hàng không này sẽ tiếp tục mở rộng ra thị trường quốc tế, đồng thời tiếp tục củng cố, hoàn thiện thị trường nội địa, đẩy thị phần lên khoảng 20-22% từ mức 17% của hiện tại.
Bamboo Airways cũng đã công bố kế hoạch kết nối sân bay cuối cùng của Việt Nam là Cà Mau thông qua đường bay thẳng Hà Nội – Cà Mau, hoàn thành mục tiêu phủ kín đường bay nội địa đến tất cả các sân bay nội địa.
Ngoài ra, ông Quân cũng tiết lộ, Bamboo Airways dự kiến sẽ hòa vốn vào năm 2024 và sau đó sẽ có lãi.