Bài toán nào giải quyết nguồn cung nhà ở tại Hà Nội?

Theo Savills Việt Nam, áp lực về đô thị hoá cũng như các vướng mắc về đất đai, pháp lý sẽ được giải quyết, đây là điều kiện thuận lợi để gia tăng nguồn cung nhà ở thủ đô Hà Nội.
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
Bài toán nào giải quyết nguồn cung nhà ở tại Hà Nội?

Khó khăn vẫn tiếp tục

Theo Báo cáo thị trường Bất động sản của Savills Việt Nam, những khó khăn vẫn tiếp tục diễn ra đối với thị trường căn hộ tại Hà Nội trong ba tháng đầu năm. Cụ thể, nguồn cung sơ cấp tại Q1/2023 giảm 4 điểm phần trăm theo quý và theo năm, đạt 19.483 căn. Trong đó, nguồn cung mới chỉ đạt hơn 2.040 căn hộ tới từ hai dự án mới và giai đoạn tiếp theo của hai dự án, giảm 30% theo quý và 27% theo năm. Giá bán sơ cấp trung bình đạt 52 triệu VNĐ/m2, ổn định theo quý và tăng 22% theo năm.

Bên cạnh đó, tình trạng mất cân đối nguồn cung vẫn tiếp tục diễn ra. Khi nguồn cầu hiện nay của người dân chủ yếu hướng về các sản phẩm vừa túi tiền thì nguồn cung căn hộ hạng C vẫn ở mức thấp. Tại thị trường, tỷ trọng căn hộ hạng B vẫn là chủ yếu.

Trái ngược với tình trạng nguồn cung khan hiếm, nguồn cầu về nhà ở sẽ có xu hướng gia tăng mạnh trong tương lai. Dự kiến tỷ lệ đô thị hóa của Hà Nội sẽ đạt 62% vào năm 2025 và tăng lên 75% vào năm 2030. Với đà phát triển này, nguồn cầu dự kiến đạt khoảng 426.700 căn. Tuy nhiên, Chương trình Phát triển Nhà ở của Hà Nội cũng đặt mục tiêu diện tích nhà ở mới là 33,2 triệu m2 sàn từ nay tới năm 2025, diện tích nhà ở bình quân đầu người là 29,5m2/người. Các số liệu này cho thấy sự thiếu hụt nguồn cung là 95.800 nhà ở.

Bà Đỗ Thu Hằng, Giám đốc Cấp cao, Bộ phận Nghiên cứu & Tư vấn, Savills Hà Nội.

Bà Đỗ Thu Hằng, Giám đốc Cấp cao, Bộ phận Nghiên cứu & Tư vấn, Savills Hà Nội nhận định, tốc độ đô thị hóa diễn ra nhanh sẽ tạo ra những tác động tới bức tranh chung về xã hội đối với một thành phố. Việc thiếu hụt nguồn cung về nhà ở có khả năng dẫn tới những vấn đề liên quan tới an sinh xã hội như hình thành các khu ổ chuột hay gia tăng các tệ nạn liên quan. Việc này sẽ đặt ra vấn đề cấp thiết mà Chính phủ và Thành phố Hà Nội sẽ phải có những bước tính toán cụ thể, từng bước một để giải quyết.

Thêm vào đó, nguồn cung mới hạn chế, số lượng căn hộ bàn giao giảm và giá sơ cấp trung bình neo cao tại mức 52 triệu VNĐ/m2 đã tạo điều kiện cho giá bán thứ cấp tăng. Từ năm 2018 đến năm 2022, giá sơ cấp trung bình của căn hộ đã tăng 13%/năm, trong khi nguồn cung sơ cấp giảm -14%/năm. Trong Q1/2023, giá sơ cấp trung bình cao hơn giá thứ cấp 48%.

Phân khúc căn hộ quý 1 tại Hà Nội.

Phân khúc căn hộ quý 1 tại Hà Nội.

Bà Hằng cho biết: “Từ năm 2020 đến năm 2024, số lượng căn hộ bàn giao giảm 36%/năm, điều này sẽ thúc đẩy nguồn cầu cho thị trường thứ cấp. Không chỉ vậy, thị trường thứ cấp được cho là lựa chọn tối ưu cho người mua không chỉ bởi giá thấp hơn sơ cấp mà còn bởi tính pháp lý rõ ràng của sản phẩm. Những sản phẩm ở thị trường thứ cấp dù đã qua sử dụng nhưng pháp lý minh bạch sẽ thu hút nguồn cầu”.

Triển vọng dài hạn

Gần đây, Chính phủ đã ban hành một số chính sách giúp gỡ khó về nguồn cung cho thị trường bất động sản. Cụ thể, Nghị quyết 33 của Chính phủ ban hành đúng thời điểm và rất hữu ích cho thị trường. Nghị quyết đã chỉ rõ các vấn đề cần giải quyết với lộ trình cụ thể, thúc đẩy tất cả các cơ quan, đơn vị liên quan tham gia thực hiện. Điều này giúp củng cố niềm tin, hỗ trợ thị trường theo đúng mục tiêu an toàn, lành mạnh và bền vững.

Động thái này đã tập trung tháo gỡ hai vướng mắc cơ bản của thị trường bất động sản là pháp lý và nguồn vốn. Về pháp lý, Nghị quyết đã yêu cầu các cơ quan Chính phủ nghiên cứu xây dựng, hoàn thiện và ban hành Luật, Nghị định sửa đổi, bổ sung các nghị định hướng dẫn thi hành Luật. Trong đó, tháo gỡ các vướng mắc về quy định pháp luật và trình tự, thủ tục cũng như tổ chức triển khai thực hiện các dự án bất động sản. Về nguồn vốn, Nghị quyết 33 đã đề cập đến việc giãn nợ gốc, lãi vay, cơ cấu lại nhóm nợ, dự án đáp ứng nhu cầu thực, thanh khoản tốt được tạo điều kiện vay vốn.

Ngoài ra, Nghị Quyết cũng đưa ra các giải pháp thúc đẩy phát triển nhà ở xã hội, đồng thời Chính phủ đề xuất triển khai Chương trình tín dụng khoảng 120.000 tỷ đồng để phát triển mô hình này.

Theo đánh giá của bà Hằng, khả năng hồi phục của thị trường phụ thuộc vào nhiều yếu tố, bao gồm việc tháo gỡ về pháp lý, nguồn vốn và sản phẩm phù hợp. Thị trường vẫn đang chờ đợi các vấn đề pháp lý quan trọng được thông qua dự kiến vào cuối năm, như Luật Nhà ở (Sửa đổi), Luật Kinh doanh Bất động sản (sửa đổi), Luật Đất Đai (sửa đổi), Luật Giá (sửa đổi) và Luật Đấu Thầu (sửa đổi).

Dù sẽ mất thời gian để thị trường có thể thẩm thấu, nhưng những động thái này được xem là “liều thuốc” trợ giúp minh bạch hóa nguồn gốc cũng như tăng khả năng tiếp cận vốn, để thị trường có thể kỳ vọng từ năm 2024 sẽ có thêm nguồn cung mới.

Dự kiến từ năm 2024 trở đi sẽ có khoảng 86.500 căn hộ từ 98 dự án sẽ mở bán, không tránh khỏi việc căn hộ hạng B vẫn chiếm tỷ trọng chủ đạo.

Ngoài ra, trong năm nay huyện Gia Lâm và Đông Anh sẽ trở thành quận, tạo điều kiện cho các dự án nhà ở tại đây có thêm cơ hội để phát triển, gia tăng nguồn cung với giá hợp lý có thể đến tay người mua. Trong tương lai, thành phố Hà Nội còn có kế hoạch phát triển hai thành phố trực thuộc thủ đô. Điều này cũng sẽ tạo xu hướng dịch chuyển nguồn cầu về phía các khu vực Đông Anh, Mê Linh, Sóc Sơn và Hòa Lạc, Xuân Mai ở phía Tây. Sự dịch chuyển này kết hợp với sự phát triển của hệ thống cơ sở hạ tầng giao thông ngày một thuận tiện hơn kỳ vọng sẽ giúp giải vây cho thị trường căn hộ.

Nhìn chung, tốc độ đô thị hóa nhanh là sức ép nhưng cũng tạo động thúc đẩy thị trường căn hộ sôi động hơn. Kỳ vọng sau khi hệ thống pháp lý được hoàn thiện thị trường sẽ có những chuyển biến tích cực, giải quyết được bài toán về chỗ ở phù hợp cho đa số người dân cũng như gỡ khó cho các chủ đầu tư và nhà đầu tư bất động sản.

Theo Nhịp sống thị trường

Đọc tiếp

Hà Nội giảm 61 xã, phường sau sắp xếp lại

Hà Nội giảm 61 xã, phường sau sắp xếp lại

Sáng 25/4, Chủ tịch UBND TP.Hà Nội Trần Sỹ Thanh đã chủ trì phiên họp trực tuyến UBND Thành phố tháng 4/2024 để xem xét một số nội dung theo chương trình công tác năm 2024 và chỉ đạo của lãnh đạo UBND Thành phố.

Nhịp cầu doanh nghiệp

Đất phân lô lại "nóng"

Đất phân lô lại "nóng"

Nhiều khu đất phân lô bán nền có giao dịch đột biến trong 3 tháng đầu năm 2024, tuy vậy diễn biến giao dịch giữa các khu vực không đồng đều.

Giá chung cư ở Hà Nội tăng liên tục do đâu?

Giá chung cư ở Hà Nội tăng liên tục do đâu?

Khi so sánh giữa các dòng sản phẩm, người mua có nhu cầu ở thực có thể nhận thấy giá căn hộ vẫn ở mức hợp lý hơn so với những sản phẩm liền thổ trong dự án như biệt thự và nhà liền kề. Từ đó, dẫn đến câu chuyện ghi nhận mức tăng về nhu cầu và giá sơ cấp của phân khúc căn hộ trong quý I/2024.

Chat với BizLIVE