Thực hiện công tác chấn chỉnh hoạt động thu nộp thuế đối với các tổ chức, cá nhân kinh doanh trên môi trường mạng, bán hàng trực tuyến, thời gian qua, nhiều tổ chức, cá nhân bán hàng online đã bị kiểm tra, truy thu do chưa kê khai nộp thuế.
Theo các cơ quan chức năng, việc rà soát này được ngành thuế đưa ra trong bối cảnh tăng quản lý với thương mại điện tử, từ giao dịch trên các sàn tới kinh doanh trực tuyến, livestream.
Thống kê từ Tổng cục Thuế cho biết, 6 tháng đầu năm, cơ quan này rà soát, kiểm tra gần 43.000 doanh nghiệp, cá nhân về khai, nộp thuế. Nhóm này đã nộp gần 9.980 tỷ đồng, tăng khoảng 3.480 tỷ đồng so với cùng kỳ. Cơ quan thuế cũng xử lý 4.560 trường hợp vi phạm, truy thu và phạt gần 300 tỷ đồng.
Theo quy định, tổ chức, cá nhân khi kinh doanh phải đăng ký thuế, theo đó người bán sẽ thực hiện kê khai với cơ quan quản lý các thông tin định danh (họ tên, tuổi, nghề nghiệp, địa chỉ...) để phân biệt với người nộp khác, sau khi đăng ký, họ sẽ được cấp một mã số thuế, bắt đầu kinh doanh.
Thông thường, trường hợp chưa đăng ký thuế phải chịu các khoản phạt, như chậm đăng ký kinh doanh, kê khai, thuế nộp chậm. Trong đó, hai lỗi đầu tiên khoảng 15 triệu đồng.
Còn số thuế phải nộp được cơ quan quản lý tính trên tổng doanh thu, tỷ lệ thuế VAT hàng hóa, dịch vụ và thu nhập cá nhân với từng lĩnh vực kinh doanh. Chẳng hạn, cá nhân phân phối, cung cấp hàng hóa sẽ có mức thuế phải nộp là 1,5% trên doanh thu. Sau đó, khi đã có quyết định xác định mức thuế phải nộp, nếu chậm nộp sẽ bị tính phạt chậm nộp ở mức 0,03% một ngày.
Theo thống kê, cả nước có 3,1 triệu hộ, cá nhân kinh doanh, trong đó tỷ lệ không nhỏ người bán online chưa đăng ký, kê khai và nộp thuế. Để siết quản lý, một trong những giải pháp được ngành thuế thực hiện là kết nối, chia sẻ dữ liệu với các bộ ngành.
Theo Tổng Cục thuế, hiện cơ quan này ghi nhận trên 663.000 lượt kết nối với cơ sở dữ liệu dân cư của Bộ Công an. Họ cũng chia sẻ thông tin với Bộ Công Thương về 929 sàn thương mại điện tử, đối chiếu dữ liệu của 53.000 người kinh doanh từ 383 sàn, trong đó có nhiều sàn chiếm thị phần lớn như Shopee, Lazada, Sendo, Voso, Tiki...
Tại Hà Nội, tỷ lệ rà soát khớp nối thông tin căn cước công dân và mã số thuế đạt hơn 99,8%. Qua đó, cơ quan thuế định danh được hàng trăm chủ sàn thương mại điện tử, hàng nghìn cá nhân kinh doanh qua mạng. Số thu 6 tháng trong lĩnh vực thương mại điện tử của Thủ đô đạt trên 10.000 tỷ đồng, trong đó thuế cá nhân (gồm livestream) tăng 79%.
Với ngành ngân hàng, Bộ Tài chính cho biết đã nắm thông tin từ 144 triệu tài khoản thanh toán, tăng hơn 20 triệu tài khoản so với cuối tháng 4. Trong đó, khoảng 10 triệu tài khoản của tổ chức và 134 triệu tài khoản cá nhân tại 96 của ngân hàng.
Cả hệ thống vào cuộc chống thất thu thuế bán hàng online
Tại công điện do Thủ tướng Phạm Minh Chính ký ngày 6/6, Bộ Tài chính đã được giao tiến hành thanh, kiểm tra hoạt động livestream bán hàng, nếu cá nhân vi phạm sẽ bị xử lý.
Cụ thể, Thủ tướng yêu cầu Bộ Tài chính tăng thanh, kiểm tra với hoạt động này. Trường hợp phát hiện tổ chức, cá nhân bán hàng, nhận hoa hồng từ quảng cáo, bán hàng có dấu hiệu vi phạm pháp luật, Thủ tướng yêu cầu chuyển hồ sơ sang cơ quan chức năng để xử lý.
Thực tế, livestream bán hàng mang lại doanh thu lớn cho người bán và người được thuê livestream. Tại phiên chất vấn Quốc hội ngày 4/6, đại biểu đề cập thời gian qua mạng xã hội xôn xao những phiên livestream bán hàng trên các ứng dụng, doanh thu đạt cả trăm tỷ một ngày.
Theo Luật Thuế thu nhập cá nhân, đây là một nguồn chịu thuế. Do đó, cá nhân có thu nhập từ 100 triệu đồng một năm trở lên phải kê khai nộp loại thuế này.
Tổng cục Thuế cho biết, hiện một số cá nhân có thu nhập hàng chục tỷ đồng từ hoạt động livestream bán hàng tự giác đăng ký thuế, kê khai và nộp thuế. Trong đó, có cá nhân đã nộp thuế vào ngân sách hàng tỷ đồng.
Theo dự báo của công ty tư vấn McKinsey & Company, mua sắm trực tiếp qua livestream có thể giúp tăng 20% tổng doanh số bán hàng thương mại điện tử vào đầu năm 2026.
Trước đó, tại họp báo thường kỳ Chính phủ chiều 1/6, Thứ trưởng Tài chính Nguyễn Đức Chi cũng cho biết livestream bán hàng trên mạng có thể phát sinh doanh thu, thu nhập. Do đó, đây là hoạt động kinh tế, phải chịu sự điều chỉnh của pháp luật về thuế, như với thương mại điện tử nói chung.
Cụ thể, cá nhân có doanh thu và thu nhập từ hoạt động này sẽ phải kê khai, nộp thuế thu nhập cá nhân. Còn hộ kinh doanh gia đình thực hiện theo thuế khoán hoặc kê khai thuế định kỳ.
Tại thông cáo báo chí phát đi ngày 1/6, Bộ Tài chính cũng thừa nhận các hình thức kinh doanh trên thương mại điện tử ngày càng đa dạng. Để tăng quản lý thuế với lĩnh vực này, ngành thuế đã đưa ra nhiều giải pháp, trong đó có đề xuất sửa quy định theo hướng yêu cầu chủ sở hữu sàn giao dịch thương mại điện tử cho đặt hàng trực tuyến phải khai, nộp thuế thay cho các cá nhân kinh doanh trên sàn.
Theo Bộ Tài chính, giải pháp này sẽ góp phần cải cách thủ tục hành chính, giảm đầu mối kê khai thuế, chi phí thực hiện thủ tục hành chính cho toàn xã hội. "Sẽ chỉ cần một đầu mối là sàn giao dịch thương mại điện tử khai, nộp thuế, thay vì hàng chục nghìn cá nhân", cơ quan này cho hay.
Ngoài ra, theo Bộ Tài chính, các sàn nắm được đầy đủ thông tin về người mua, các giao dịch bán hàng thành công, doanh thu, chi phí của các tổ chức, cá nhân cung cấp hàng hóa, dịch vụ. Đây là cơ sở để họ có thể làm thay người bán hàng.
"Tổng cục Thuế sẽ tiếp tục nghiên cứu giải pháp này đảm bảo khả thi, hiệu quả và phù hợp với thông lệ quốc tế", Bộ Tài chính thông tin.
Theo Bộ Tài chính, năm 2023, doanh thu quản lý thuế qua kênh thương mại điện tử là 3,5 triệu tỷ đồng (khoảng 146 tỷ USD), với số thuế đã nộp 97.000 tỷ, tăng 14% so với một năm trước đó. Ngành thuế cũng rà soát hơn 31.000 đối tượng, xử lý vi phạm hơn 22.000 trường hợp, số thuế tăng thêm trong lĩnh vực này gần 3.000 tỷ đồng.