25 năm Internet Việt Nam: Từ quyết định dũng cảm đến hạ tầng lõi của kinh tế số

Từ quyết định dũng cảm 25 năm trước, mở cửa và đón một không gian rộng lớn mới, Internet Việt Nam đã chuyển đổi từ hạ tầng thông tin liên lạc thành hạ tầng lõi của nền kinh tế số.
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Ngày 7/12, kỷ niệm 25 năm khai trương dịch vụ Internet Việt Nam, năm thứ 11 sự kiện Internet Day được tổ chức, Hiệp hội Internet Việt Nam (VIA) và Trung tâm Internet Việt Nam (VNNIC) tổ chức chương trình 25 năm Internet Việt Nam và Internet Day 2022.

Chương trình hội tụ những tên tuổi lớn trong làng công nghệ Việt Nam và quốc tế như Viettel, VNPT, NetNam, Vietcombank, Google, Meta, Amazon, Intel, Huawei, cộng đồng game Hàn Quốc - Việt Nam… Các chủ đề được đề cập tại chương trình xoay quanh các lĩnh vực xu hướng dẫn dắt công nghệ thông tin, viễn thông như Cloud Computing, AI, IoT, 5G, Internet băng rộng cố định, Blockchain, Gaming...

Ngày 19/11/1997, Việt Nam kết nối với mạng Internet toàn cầu. Khi đó, số người sử dụng mạng Internet ở Việt Nam chỉ hơn 200.000. Đến năm 2002, con số này tăng lên khoảng 3 triệu người (khoảng 4% dân số) và năm 2007 là gần 20 triệu người, tăng thêm gần 7 lần (khoảng 24% dân số).

Theo số liệu thống kê của Bộ Thông tin và Truyền thông, tính tới tháng 9/2022, lượng người dùng Internet ở Việt Nam là khoảng 70 triệu, tăng 0,8% trong giai đoạn 2020-2021 (chiếm hơn 70% dân số).

Với con số này, Việt Nam là quốc gia có lượng người dùng Internet cao thứ 12 trên thế giới và đứng thứ 6 trong tổng số 35 quốc gia vùng lãnh thổ khu vực châu Á. Người dùng Việt Nam dành trung bình tới gần 7 giờ mỗi ngày để tham gia các hoạt động liên quan tới Internet và tỷ lệ người dùng Internet ở Việt Nam sử dụng Internet hàng ngày là 94%.

Việt Nam là điểm sáng tăng trưởng, được xếp hạng hàng đầu trong kết quả khảo sát của McKinsey tại các quốc gia về sự sẵn sàng cho cuộc cách mạng công nghiệp 4.0. Báo cáo “e-Conomy SEA 2022” của Google, Temasek and Bain & Company công bố ngày 27/10 cũng khẳng định Việt Nam sẽ dẫn đầu về kinh tế Internet ở Đông Nam Á.

Internet sẽ thông minh hoá, là hạ tầng cốt lõi của kinh tế số
Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Phạm Đức Long

Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Phạm Đức Long phát biểu tại sự kiện: “Cách đây 25 năm, quyết định mở cửa, kết nối Internet toàn cầu là quyết định dũng cảm, thể hiện tầm nhìn xa, hội nhập, góp phần thay đổi toàn diện cuộc sống kinh tế, xã hội đất nước.

Việt Nam tuy bắt đầu chậm so với tiến trình toàn cầu, sau 25 năm, Việt Nam vươn lên bắt kịp và đi cùng các nước trong khu vực và trên thế giới, trở thành một nước mạnh về viễn thông - Internet”.

Theo thống kê, hiện Việt Nam có 72,1 triệu người dùng, đạt tỷ lệ 73,2% dân số sử dụng Internet hàng ngày, đứng thứ 13 trên thế giới.

Hạ tầng băng rộng phủ sóng 99,73% số thôn trên toàn quốc, 19,79 triệu hộ gia đình có cáp quang, đạt 72,4%. Hệ thống cáp quang triển khai tới 100% các xã, phường, thị trấn, 91% thôn bản, 100% trường học.

Số thuê bao điện thoại di động sử dụng smartphone là 94,2 triệu, số thuê bao băng rộng di động là 82,2 triệu.

Có hơn 564 nghìn tên miền “.vn“ đứng thứ 2 ASEAN, top 10 khu vực châu Á - Thái Bình Dương. Mức độ sử dụng IP (IPv4, IPv6) thuộc top 20-30 quốc gia trên toàn cầu. Tỷ lệ ứng dụng IPv6 Việt Nam đạt 53% với hơn 50 triệu người dùng IPv6, top 10 nước dẫn đầu thế giới về chuyển đổi IPv6.

Internet sẽ thông minh hoá, là hạ tầng cốt lõi của kinh tế số
Hạ tầng số gồm viễn thông băng rộng, điện toán đám mây, Internet kết nối vạn vật... (Hình minh họa)

Hiện tại, Internet Việt Nam chuyển đổi từ hạ tầng thông tin liên lạc thành hạ tầng số của nền kinh tế số. Hạ tầng số gồm viễn thông băng rộng, điện toán đám mây, Internet kết nối vạn vật, cung cấp công nghệ như dịch vụ, hạ tầng các nền tảng số.

Internet sẽ thông minh hóa, là phương thức để đồ vật hiểu đồ vật. Trên môi trường số, thế giới con người và thế giới đồ vật sẽ hợp nhất.

“Toàn cầu đang trong cuộc di chuyển từ thế giới thực vào thế giới số. Internet là hạ tầng thiết yếu, quan trọng của nhân loại, thành tố quan trọng của chuyển đổi số. Nếu như trước đây, các nhà quản trị xã hội tìm cách quản lý Internet, hiện nay và giai đoạn tiếp theo, các nhà quản trị sẽ sử dụng Internet để quản lý xã hội.

Trong giai đoạn tiếp theo trách nhiệm của ngành thông tin và truyền thông, cơ quan quản lý, doanh nghiệp là xây dựng hạ tầng Internet tự chủ về công nghệ, rộng khắp, hiện đại và an toàn. Thúc đẩy và bảo vệ sự an toàn của dòng chảy dữ liệu. Dẫn dắt quá trình tích hợp Internet vào mọi hoạt động phát triển kinh tế xã hội.

Trách nhiệm của toàn xã hội là tham gia xây dựng, phát triển Internet Việt Nam an toàn, bền vững, xây dựng phát triển Internet là xây dựng và phát triển cuộc sống số cho giai đoạn chuyển đổi số”, Thứ trưởng Phạm Đức Long phát biểu.

Theo Nhịp sống Doanh nghiệp

Đọc tiếp

Nhịp cầu doanh nghiệp

Chat với BizLIVE