VO247 bên bờ vực phá sản, Fiin Credit giải cứu vì lo mô hình P2P bị ảnh hưởng

Dù không phải là cổ đông và cũng không có mối quan hệ hợp tác với VO247 nhưng Fiin Credit sẽ tham gia cùng với VO247 giải quyết khủng hoảng để tránh dẫn đến sự sụp đổ chung của thị trường và tâm lý của người đầu tư.
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Đây là thông tin được ông Trần Việt Vĩnh - Tổng giám đốc Công ty cổ phần Đổi Mới Công Nghệ Tài Chính Fiin (Fiin Credit) đưa ra trong buổi họp mặt giữa ban lãnh đạo và các nhà đầu tư (NĐT) chiều ngày 30/11.

Ông Trần Việt Vĩnh lý giải Fiin Credit quyết định tham gia cùng với VO247 giải quyết khủng hoảng lần này bên cạnh mối quan hệ cá nhân còn vì mục đích bảo vệ thị trường P2P nói chung. Fiin Credit không phải là cổ đông và cũng không có mối quan hệ hợp tác với VO247 trước đây.

“Hiện tại, tổng số tiền VO247 cần trả các nhà đầu tư trên hệ thống (bao gồm gốc và lãi) ước tính lên đến 150 tỷ, trong khi tổng tất cả các tài sản hiện có của VO247 ước tính giá trị chỉ khoảng 120 tỷ”, ông Vĩnh thông tin.

VO247 được giải cứu trên bờ vực phá sản
Ông Trần Việt Vĩnh trả lời nhà đầu tư và truyền thông trong buổi họp chiều 30/11

Ông Vĩnh cho biết việc VO247 không cho khách hàng rút tiền đã tạo ra những ảnh hưởng lớn đến cả thị trường nói chung, gây ra khủng hoảng trong vòng 1 tuần qua. Nếu Fiin Credit không tham gia giúp đỡ, hiệu ứng trong việc VO247 không đủ khả năng thanh toán cho khách hàng ít nhiều ảnh hưởng đến góc nhìn của các nhà quản lý trong quá trình xây dựng hành lang pháp lý và có thể sẽ không được cấp phép tại Việt Nam. Điều này ảnh hưởng rất lớn đến khách hàng, nhà đầu tư và các doanh nghiệp tham gia mô hình kinh doanh tài chính này.

Từ khi sự việc VO247 xảy ra, rất nhiều NĐT trên hệ thống của Fiin Credit rút ròng liên tục, Fiin Credit đã phải bổ sung nguồn vốn bằng nhiều biện pháp để đảm bảo hoạt động của mình.

Về trách nhiệm cụ thể, Fiin Credit sẽ tham gia chịu trách nhiệm quản lý cùng VO247 tổ chức duy trì hoạt động thực hiện thu hồi nợ, thanh lý tài sản, hoàn trả tiền cho NĐT. Đại diện công ty Fiin Credit và VO247 đề nghị NĐT cho phép VO247 không trả lãi, không trả gốc và tạm dừng rút tiền trong thời gian 1 tuần để tra soát số liệu thực tế, rõ ràng về tiền lãi, gốc, tính thanh khoản của tài sản đảm bảo và cam kết công khai đến các NĐT.

Song song, Fiin Credit thực hiện lấy số liệu xác nhận số tiền vay với NĐT làm hợp đồng 3 bên cho phép VO247 hoặc/và Fiin Credit nhận nợ, VO247 hoặc/và Fiin chịu trách nhiệm với số nợ của các NĐT và thực hiện đòi nợ, thanh lý tài sản và cam kết trả tiền cho NĐT theo lộ trình 12 tháng.

Đại diện Fiin Credit đề xuất khoảng thời gian 12 tháng bắt đầu từ ngày 5/12/2022 để Fiin cùng VO247 tham gia giải quyết các vấn đề tài sản của công ty, vừa thực hiện thu hồi nợ, pháp lý liên quan thanh lý tài sản để hoàn trả tiền cho nhà đầu tư.

Sau khoảng thời gian 12 tháng, nếu VO247 hoặc CEO Tạ Thanh Long chưa hoàn trả hết toàn bộ số tiền cho các NĐT, Fiin Credit hoặc bản thân ông Việt Vĩnh cam kết sẽ chịu trách nhiệm thanh toán toàn bộ số tiền còn lại cho các NĐT của VO247 vào quý 1/2024.

Ông Vĩnh cho biết thêm phía công ty sẽ trả khách hàng tiền gốc và tiền lãi theo mức công bố hiện tại là 18,25%/năm (trả theo thực tế tính đến ngày vay). Tuy nhiên đại diện ban lãnh đạo Fiin Credit và VO247 cũng đề xuất giảm mức lãi suất xuống còn khoảng 15% để giảm mức áp lực cho các đơn vị liên quan.

Đại diện các NĐT trong buổi họp đưa ra ý kiến lãnh đạo Fiin Credit và VO247 cần có kế hoạch cụ thể gửi đến các nhà đầu tư sớm nhất, đồng thời đưa ra đề xuất chuyển khoản đầu tư (cả gốc lẫn lãi) từ VO247 sang đầu tư vào Fiin Credit. Đại diện Fiin Credit cho rằng điều này có thể làm được tuy nhiên để thực hiện cần thời gian, nghiên cứu giữa đội ngũ cũng như tham khảo ý kiến NĐT và sẽ đưa ra các phương án cụ thể, rõ ràng gửi đến NĐT.

Cuộc họp diễn ra sau khi VO247 có văn bản gửi đến NĐT thông báo cạn thanh khoản, dòng tiền biến động, tạm dừng cho khách hàng rút tiền, thông tin này gây hoang mang đến đông đảo NĐT của VO247 và ảnh hưởng đến thị trường P2P nói chung.

Trước đó, trong buổi họp trực tuyến ngày 29/11 với NĐT, ông Tạ Thanh Long - CEO của VO247 từng có ý định tạm dừng hoạt động công ty, đề xuất cho công ty phá sản, NĐT tự thanh lý tài sản đảm bảo của công ty.

VO247 cho biết hiện tại công ty ở trong thị trường khủng hoảng, biến động về dòng tiền. Tình hình tài chính trong nước và quốc tế căng thẳng, lòng tin của NĐT mất nhiều do trái phiếu cổ phiếu và nhiều kênh đầu tư khác dẫn đến tâm lý NĐT rút tiền về giữ an toàn.

Dòng tiền đầu tư đang được cho vay vào đối tượng khách hàng là chủ doanh nghiệp có tài sản như nhà hoặc xe. Thời điểm này khách hàng vay cũng gặp khó khăn và liên tục cần gia hạn các khoản vay. Điều này tạo nên tình trạng cầu vượt cung của nguồn tiền dự trữ của VO247.

Thông thường đây là một động thái tích cực giúp VO247 và các NĐT phát triển nguồn tiền, lợi nhuận mạnh mẽ hơn trong tương lai, ngược lại cũng khiến nguồn vốn lưu động của VO47 liên tục chạm mốc báo động trong 1 tháng thị trường biến động vừa qua dẫn tới tình trạng dòng vốn lưu động không đủ đáp ứng nhu cầu rút tiền của NĐT.

VO247 cho biết đang nỗ lực hết mình để phục hồi dòng vốn lưu động từ đó mở lại hoạt động thanh khoản với các NĐT của VO247 đồng thời cam kết chịu trách nhiệm pháp lý trước hợp đồng, thỏa thuận ký với NĐT theo quy định pháp luật.

VO247 hoạt động dưới mô hình P2P Lending (Peer-to-peer lending - cho vay ngang hàng) - người đi vay kết nối trực tiếp với người cho vay thông qua trung gian tài chính như tổ chức tín dụng. Tại Việt Nam, các công ty hoạt động giống mô hình P2P lending xuất hiện từ năm 2016. Tuy còn non trẻ nhưng Việt Nam có nhiều tiềm năng phát triển mô hình này dựa trên sự phát triển của công nghệ, Internet,... Các công ty P2P Lending đưa ra sản phẩm vay vốn đa dạng gồm: vay có tài sản đảm bảo và vay không có tài sản đảm bảo.

Hiện tại, hoạt động tài chính ngang hàng dưới hình thức P2P Lending chưa có cơ chế pháp lý quy định cụ thể. Vì vậy người cho vay sẽ phải đối mặt với rủi ro mất tài sản nếu công ty cho vay không uy tín, thực hiện đúng theo yêu cầu trong hợp đồng và dễ bị mất mát tài sản khi app giao dịch bảo mật kém.

Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã công bố lấy ý kiến về Dự thảo Nghị định quy định Cơ chế thử nghiệm có kiểm soát hoạt động công nghệ tài chính (Fintech) trong lĩnh vực ngân hàng. Cho vay ngang hàng (P2P Lending) là một trong những lĩnh vực được phép thử nghiệm. Trước mắt, Cơ chế thử nghiệm có kiểm soát sẽ có những quy định rõ ràng về điều kiện và tiêu chuẩn hoạt động P2P Lending, làm cơ sở cho cơ quan nhà nước thanh lọc thị trường, loại bỏ những đơn vị trá hình vận hành App cho vay theo kiểu tín dụng đen đang gây hệ lụy tiêu cực cho thị trường.

Fiin Credit hoạt động bắt đầu từ tháng 3/2018 - được sáng lập bởi ông Trần Việt Vĩnh.

Mục tiêu giúp khách hàng gia tăng thu nhập thụ động, thanh toán nhanh chóng và giảm bớt nỗi lo về tài chính, Fiin Credit đã ứng dụng công nghệ trí tuệ nhân tạo (AI) và dữ liệu lớn (Big Data), với nền tảng dịch vụ kết nối cho vay ngang hàng (P2P Lending) để cung cấp giải pháp tài chính số toàn diện, an toàn, minh bạch và tối ưu cho người dùng.

Fiin Credit cũng giới thiệu đến khách hàng về mô hình P2P với lãi suất cao từ 18-20%/năm và dễ dàng tham gia đầu tư. Sau 5 năm hoạt động, Fiin Credit có hơn 1 triệu người dùng; 6.000 cửa hàng, cộng tác viên/đại lý đối tác.

Ra đời sau Fiin Credit 1 năm, VO247 định hướng công ty trở thành công ty công nghệ tài chính đưa đến giải pháp tài chính cho khách hàng. Đây là nơi đầu tư cho khách hàng có nguồn tiền nhàn rỗi và giúp hỗ trợ nguồn vốn cho cá nhân/doanh nghiệp sản xuất kinh doanh chậm phát triển.

VO247 giới thiệu đến các NĐT có thể nhận lãi suất lên đến 20%/năm. Đối với người vay, hình thức vay của VO247 đó là thế chấp tài sản. Người vay có thể thế chấp các tài sản như xe máy, ô tô, bất động sản… Sau 2 năm hoạt động và phát triển, VO247 đã đạt được cột mốc 6.000 nhà đầu tư và gần 70.000 người vay.

Theo Nhịp sống Doanh nghiệp

Đọc tiếp

Nhịp cầu doanh nghiệp

Chat với BizLIVE