Cổ phiếu VND của CTCK VNDIRECT kết thúc tuần giao dịch với mức giảm 6,35% và có 2 tuần liên tiếp giảm giá. Trong tuần giao dịch vừa qua, VND có 4/5 phiên giảm giá trong đó riêng phiên ngày thứ Năm, VND đã giảm mất 6,48% đi với kèm với khối lượng giao dịch kỷ lục, đạt gần 8,6% lượng cổ phiếu đang lưu hành.
Những diễn biến này cũng phần nào gợi nhớ tới giai đoạn cuối tháng 10/2022 khi VND có tới 4 phiên giảm sàn liên tiếp. Nguyên nhân đến từ việc nhà đầu tư phản ứng tiêu cực sau khi có tin đồn về VNDIRECT gặp vấn đề thanh khoản với trái phiếu của Trung Nam.
Tới phiên giảm sàn thứ 4 là ngày 26/10/2022, bà Phạm Minh Hương, Tổng Giám Đốc của VND và ông Nguyễn Tâm Thịnh, Chủ tịch Trung Nam Group cùng xuất hiện trước truyền thông và nhà đầu tư để đính chính thông tin. Và sau gần nửa tháng, VND mới chạm đáy để bắt đầu quá trình hồi phục đi lên.
Cho đến nay, khoản đầu tư vào trái phiếu Trung Nam vẫn là trăn trở lớn nhất của nhà đầu tư đang nắm giữ cổ phiếu VND. Theo thống kê tới quý 1/2023, VND nắm giữ tới gần 10.000 tỷ đồng trái phiếu doanh nghiệp.
Giá trị đầu tư vào trái phiếu doanh nghiệp hiện chiếm 26,5% tổng tài sản của VNDIRECT.Theo lý giải của bà Hương tại ĐHĐCĐ thường niên vào giữa tháng 6, sau khi vụ Vạn Thịnh Phát xảy ra, Công ty đã mua lại lượng lớn trái phiếu, bao gồm lượng lớn trái phiếu Trung Nam để bảo vệ quyền lợi nhà đầu tư. Điều này cũng được phản ánh trên số liệu tài chính của quý 4/2022 và quý 1/2023 khi giá trị đầu tư vào trái phiếu doanh nghiệp tăng lần lượt khoảng 1.000 và 2.000 tỷ đồng.
Với việc Trung Nam xuất hiện thêm những tin đồn chưa được kiểm chứng và việc CTCP Năng lượng Tái tạo Trung Nam, một công ty thành viên của Trung Nam Group phải lùi thời gian trả lãi và đáo hạn cho lô trái phiếu TRECB2223001 với tổng số tiền 1.586 tỷ đồng đã khiến cho hiệu ứng hoảng loạn một lần nữa xuất hiện.
Về mặt sổ sách, lo ngại của nhà đầu tư là có cơ sở bởi các khoản đầu tư trái phiếu của VND sẽ tiếp tục bị "treo" lại trên BCTC quý 2/2023.
Ngay trên BCTC quý 1/2023, VND cũng không ghi nhận lỗ của trái phiếu doanh nghiệp theo cơ chế phương pháp điều chỉnh theo giá thị trường (mark-to-market). Toàn bộ gần 10.000 tỷ đồng trái phiếu đều có giá trị hợp lý bằng giá gốc. Trong khi đó, vào cuối năm ngoái, bất chấp sự rối loạn trên thị trường trái phiếu, nhiều quỹ đầu tư trái phiếu điển hình như TCBF đã phản ánh biến động hàng ngày vào giá trị tài sản quỹ.
Tất nhiên, cũng cần lưu ý rằng Nghị định 08/2023 đã ban hành đầu năm nay cho phép doanh nghiệp nếu gặp khó khăn về dòng tiền có thể thương lượng với trái chủ gia hạn thêm 2 năm. Ngoài ra, trái chủ cũng có thể nhận thanh toán bằng tài sản khác.
Vì vậy, sự kiện lô TRECB2223001 lùi thời hạn thanh toán gốc và lãi tới ngày 4/8 tới đây có thể đã nhận được sự đồng thuận từ phía trái chủ.
Một loạt các lô trái phiếu của Trung Nam cũng đã chậm chi trả từ cuối năm 2022 do vấn đề về dòng tiền như các lô TNGCH2223004, TNLCB2025001.
Kết quả tài chính năm 2022 đã phản ánh rõ những khó khăn mà Trung Nam Group gặp phải khi lợi nhuận hợp nhất giảm tới 85% xuống 254 tỷ đồng trong khi dư nợ lên tới hơn 24.286 tỷ đồng, tương đương 0,87 lần vốn chủ sở hữu.
Những khó khăn về dòng tiền của Trung Nam có thể vẫn sẽ chưa hoàn toàn đi qua bởi nhiều dự án năng lượng tái tạo đang được Bộ Công an xác minh làm rõ theo đề nghị của Thanh tra Chính phủ trong thời gian gần đây.
Với việc các lô trái phiếu chưa được đáo hạn hết và không được hạch toán để phản ánh kịp thời những rủi ro trên thị trường, cổ đông của VNDIRECT vẫn phải học cách chấp nhận những phiên giao dịch bất thường như ngày 6/7 và chuẩn bị cho kịch bản bị pha loãng cổ phiếu khi VNDIRECT ấp ủ mục tiêu tăng vốn lên 18.000 tỷ đồng.