Định vị thị trường
Sự chờ đợi của nhà đầu tư chứng khoán trên các thị trường châu Á đã được đền đáp. Số liệu CPI tháng 4 của Mỹ chỉ tăng 0,3% so với tháng trước và 3,4% so với cùng kỳ năm trước, giảm tốc nhẹ so với mức 0,4% và 3,5% của tháng 3.
Các phản ứng tăng đồng loạt đã xuất hiện tại các chỉ số NIKKEI 225 (+1,39%), HSI (+1,36%), TWSE (+0,74%), KOSPI (+0,83%), SET (+0,69%). Tương tự, thị trường chứng khoán Việt Nam cũng hòa nhập với phiên tăng hơn 1% sau khi đã cân đối tốt các áp lực chốt lời quanh vùng 1.250 điểm.
Chất xúc tác
Phản ứng của chỉ số DXY cũng xuất hiện sau số liệu CPI tháng 4 của Mỹ với việc giảm về sát 104 điểm. Đây được xem là yếu tố có thể giúp làm hạ nhiệt tỷ giá trong nước nhanh hơn trong thời gian tới. Dù vậy, có thể sẽ cần thêm một số phiên giao dịch để kéo tỷ giá tự do giảm thêm. Theo ghi nhận, tỷ giá tự do đang đi ngang quanh mức 25.800 VND/USD.
Cùng với đó, lãi suất liên ngân hàng cũng cần tiếp tục được theo dõi thêm khi các phiên vừa qua mới chỉ giảm về 4,28% ở kỳ hạn qua đêm, 4,49% ở kỳ hạn một tuần.
Chuỗi bơm/rút đồng thời của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) vẫn liên tục được duy trì trong thời gian qua. Kênh cầm cố trong ngày hôm qua, có 2.791,17 tỷ đồng trúng thầu và 2.179,48 tỷ đồng đáo hạn. Cùng với đó, có 200 tỷ đồng tín phiếu trúng thầu với lãi suất giữ ở mức 3,75% và 5.500 tỷ đồng tín phiếu đáo hạn. Như vậy, NHNN bơm ròng 5.300 tỷ đồng ra thị trường, khối lượng tín phiếu lưu hành trên thị trường giảm xuống mức 61.990 tỷ đồng, khối lượng trên kênh cầm cố tăng lên 8.225,59 tỷ.
Điểm mấu chốt là HOSE đã có phiên thứ 2 liên tiếp giao dịch trên mức bình quân 20 phiên. Cần lưu ý rằng, hoạt động đáo hạn phái sinh tháng 5/2024 cũng diễn ra trong chiều nay nhưng việc thanh khoản duy trì được sự sôi động cũng đánh dấu trạng thái tâm lý tích cực.
So với phiên hôm qua, khớp lệnh của HOSE tăng 6,5% lên 808 triệu đơn vị. Vai trò của dòng tiền nội cũng được tăng cường với tỷ trọng giao dịch 2 chiều chiếm 91,5% của sàn.
Nhà đầu tư nước ngoài không chỉ giảm bớt ảnh hưởng mà đồng thời cũng không thể hiện sự mất cân bằng trong giao dịch. Khối này chỉ mua ròng 800 triệu đồng.
Vận động thị trường
Ngay từ đầu phiên, thị trường đã thể hiện sự tích cực về tâm lý. VN-Index đã "mở gap" dù đã vượt 1.250 điểm trong phiên hôm qua. Trong toàn bộ phần còn lại của phiên, đà tăng còn được nới rộng thêm để giúp chỉ số đóng cửa tăng 14,39 điểm lên 1.268,78 điểm (+1,15%). Tổng giá trị giao dịch toàn sàn đạt 22.694 tỷ đồng.
Vai trò của nhóm VN30 và một số cổ phiếu Ngân hàng được thể hiện rất rõ rệt. Đặc biệt, VN30 đã tăng 1,42% lên mức cao nhất trong vòng 21 tháng, có thể xem là một tín hiệu sớm giúp dọn đường cho VN-Index chinh phục mốc 1.300 điểm trong thời gian tới.
Một loạt cổ phiếu Ngân hàng đã tăng trên 2% như LPB (+6,8%), OCB(+4,7%), TCB (+3,7%), HDB (+3%), CTG (+2,6%), STB (+2,2%), MBB (+2,2%), TPB (+2,2%), SHB (+2,2%), BID (+2,1%), VIB (+2,1%), ACB (+2%) trong đó LPB tiếp tục phá kỷ lục giá thời đại còn TCB lên cao nhất 26 tháng.
Phần nào sự bung sức của Ngân hàng cũng làm lu mờ đi phần còn lại của thị trường bởi trong các phiên trước Ngân hàng thực tế gần như "án binh bất động".
Hiệu ứng tăng giá chỉ giúp kích thích dòng tiền ở một số cổ phiếu như NLG (+3,77%), TV2 (+6,95%), DCM (+2,5%), DPG (+3,42%), REE (+3%), PVD (+2,19%).
Hầu hết, các cổ phiếu tích cực trên thị trường đều chỉ tăng dưới 2% như SSI (+0,42%), HCM (+1,03%), VIX (+1,68%), HSG (+1,42%), NKG (+0,2%), PVT (+0,34%),LCG (+1,26%), GMD (+1,69%), CSV (+0,31%), IJC (+1,79%)… Tổng cộng, sắc xanh phủ 59% số mã trên HOSE.
Trên HNX và UPCoM, hiệu ứng tích cực cũng lan tỏa ở mức độ vừa phải. Các mã PVS (+4,6%), PVC (+4%), DTD (+3,4%), TNG (+2,9%), TIG (+2,1%), BSR (+2,6%), VGI (+7,5%), MCH (+6,8%), MSR (+10,2%), FOX (+3,3%) là những mã có kết quả khả quan nhất 2 sàn. HNX-Index tăng 0,52% còn UPCoM-Index tăng 0,65%, với tổng giá trị giao dịch 2 sàn đạt hơn 3.300 tỷ đồng.