Những câu chuyện có tính dẫn dắt tâm lý đã xuất hiện nhiều hơn. Phiên giao dịch hôm nay, thị trường tăng điểm với "chất liệu" là Trung Quốc cho phép các công ty du lịch tổ chức khách theo đoàn đến Việt Nam từ 15/3.
Cả phiên sáng, VN-Index đã có trạng thái tăng nhẹ nhưng thực chất vận động tăng điểm của chỉ số vẫn gắn chặt vào hành động của khối ngoại. Sau khi bán ròng nhẹ trong phiên sáng thì từ sau 13h, các nhà đầu tư nước ngoài mới bắt đầu vào lệnh dứt khoát hơn. Tới cuối phiên, họ đã mua ròng gần 200 tỷ đồng trên HOSE.
Giá trị mua ròng lũy kế của khối ngoại từ đầu năm 2023.
Các mã được khối ngoại mua ròng nhiều nhất là HSG (0%), SSI (0%), POW (+1,96%), HPG (+0%), VRE (-0,92%), VNM (0%) thực tế không biến động đáng kể.
Nhưng việc có tiền ngoại vào phiên thứ 3 liên tiếp lại giúp nhà đầu tư nội duy trì sự tự tin trong giao dịch các cổ phiếu khác.
Các mã GVR (+4,5%), STB (+4,5%), VJC (+3,6%), VIB (+2,4%), TPB (+2,3%) gần như đều đóng cửa ở mức cao nhất phiên. Rổ VN30 ghi nhận 19/30 mã đóng cửa trong sắc xanh. Qua đó, VN-Index đã lại có một lần nữa thoát được diễn biến chung của chứng khoán châu Á. Các chỉ số TWSE (-0,3%), KOSPI (-0,3%), CSI 300 (-0,22%) vẫn phải điều chỉnh ở phiên hôm nay.
Như vậy, trong tuần giao dịch hiện tại, trong cả 3 phiên có tiền ngoại, VN-Index đều tăng điểm. Phiên giao dịch đầu tuần, khối ngoại bán ròng và VN-Index có mức tăng nhẹ nhất.
Trạng thái của VN-Index sau phiên hôm nay đã khả quan hơn nhiều khi chỉ số lại vượt qua được đường MA20 với mức thanh khoản lên cao nhất trong vòng nửa tháng trở lại đây.
Gần 25% số mã trên HOSE đang có xu hướng tăng dài hạn.
Theo thống kê, số lượng các mã có xu hướng tăng dài hạn hiện đã chiếm tỷ trọng gần 25% số mã trên HOSE. Nếu con số này vẫn tiếp tục được cải thiện, chỉ số có thể trở lại nỗ lực chinh phục đường MA200 và khu vực 1.100 điểm trong giai đoạn tới. Kể từ tháng 12/2022, VN-Index đã có 3 lần thử sức không thành công.
Vai trò của các trụ lớn trong việc nâng đỡ thị trường cũng rất quan trọng. Theo thống kê của HOSE, cuối tháng 2/2023, thị trường còn 36 mã có quy mô vốn hóa trên 1 tỷ USD, trong đó VCB và BID đang là 2 cổ phiếu Ngân hàng đứng đầu về vốn hóa.
Cả 2 đều đã rất nỗ lực hỗ trợ thị trường sau giai đoạn hoảng loạn do giải chấp chéo vào tháng 11/2022. Hiện cổ phiếu duy nhất có vốn hóa trên 10 tỷ USD là VCB vẫn neo sát đỉnh thời đại còn BID cũng còn cách không quá xa đỉnh của chính mình. Để có thể trở lại với những vận động tích cực thì ngoài VCB và BID, các Bluechips khác sẽ cần phải có sự tham gia của dòng tiền để cải thiện trạng thái vốn hóa.