Theo số liệu từ Cơ quan Hải quan Trung Quốc, tháng 9/2024, nước này đã nhập khẩu 228 ngàn tấn sầu riêng, trị giá 894,58 triệu USD, tăng 58,4% về lượng và tăng 39% về trị giá so với cùng kỳ năm 2023.
Tính chung 9 tháng đầu năm nay, Trung Quốc nhập khẩu sầu riêng đạt gần 1,38 triệu tấn, trị giá 6,2 tỷ USD, tăng 11,2% về lượng và tăng 5,6% về trị giá so với cùng kỳ năm 2023.
Giá nhập khẩu bình quân sầu riêng vào nước này đạt 4.497 USD/tấn, giảm 5% so với cùng kỳ. Trong đó, giá bình quân nhập khẩu sầu riêng từ Thái Lan đạt mức 4.947 USD/tấn, tăng 0,9%. Ngược lại, giá bình quân nhập khẩu từ Việt Nam đạt 3.962 USD/tấn, giảm 8,7%.
Tháng 9/2024, Việt Nam trở thành nguồn cung sầu riêng lớn nhất cho Trung Quốc, lượng đạt gần 177 nghìn tấn, trị giá 640,72 triệu USD, tăng 90% về lượng và tăng 71,5% về trị giá so với tháng 9/2023.
Lũy kế, 9 tháng đầu năm nay, thị trường tỷ dân này đã nhập khẩu gần 618 nghìn tấn sầu riêng từ Việt Nam, trị giá 2,45 tỷ USD, tăng 72,2% về lượng và tăng 57,3% về trị giá so với cùng kỳ.
Tuy nhiên, tính chung 9 tháng đầu năm, Thái Lan vẫn là nguồn cung sầu riêng lớn nhất cho Trung Quốc, đạt gần 755 nghìn tấn, trị giá 3,73 tỷ USD, giảm 14,1% về lượng và giảm 13,3% về trị giá so với cùng kỳ.
Lý giải về việc giá sầu riêng Việt Nam xuất khẩu sang Trung Quốc thấp gần 1.000 USD/tấn so với Thái Lan, ông Đặng Phúc Nguyên, Tổng Thư ký Hiệp hội Rau quả Việt Nam (Vinafruite) cho biết, sầu riêng Việt Nam xuất khẩu sang Trung Quốc chủ yếu là sầu riêng RI6 có màu vàng đẹp mắt, có độ ngọt cao. Còn giống Monthong Thái Lan có màu nhạt, độ ngọt thấp hơn nhưng có độ béo, trọng lượng cơm nhiều hơn RI6 nên được người tiêu dùng Trung Quốc ưa chuộng.
Mặt khác, sầu riêng Monthong Thái Lan đã có thương hiệu quốc gia vì đã vào Trung Quốc khá lâu. Trong khi đó, sầu riêng RI6 của Việt Nam còn mới nên người tiêu dùng nước này chưa biết đến nhiều.
Tuy nhiên, sầu riêng Việt Nam có lợi thế đặc biệt là thu hoạch quanh năm. "Lợi thế này không có quốc gia trồng sầu riêng nào có được", ông Nguyên cho hay.
Theo Tổng Thư ký Vinafruite, vào tháng 11 hàng năm, sau khi vụ sầu riêng ở Tây Nguyên kết thúc thì sầu riêng nghịch vụ ở miền Tây bắt đầu thu hoạch và kéo dài cho đến hết tháng 3 năm sau, nhưng vụ này cho sản lượng khá ít nên bán được giá cao. Hiện sầu riêng RI6 có giá từ 150.000-160.000 đồng/kg, sầu riêng Dona (lai tạo từ giống Monthong) giá từ 190.000-200.000 đồng/kg.
Sầu riêng vụ nghịch kết thúc vào tháng 3, qua tháng 4, 5 thì thu hoạch sầu riêng chính vụ, cho nên miền Tây có thời gian thu hoạch sầu riêng rất dài, từ tháng 11 cho đến tháng 5 năm sau (nghịch vụ và chính vụ).
Qua tháng 6,7 và 8 thì miền Đông vào vụ, đến tháng 9, 10 thì khu vực Tây Nguyên vào vụ. Tháng 11 quay lại vụ nghịch ở miền Tây, cứ thế xoay vòng cho nên Việt Nam tháng nào cũng có thể xuất khẩu sầu riêng, sản lượng cao hay thấp tùy vào mùa vụ.
“Kim ngạch xuất khẩu sầu riêng trong tháng 9, 10 'hụt hơi' so với dự kiến do khu vực này bị hạn hán khiến sầu riêng Tây Nguyên bị mất mùa, kéo tụt kim ngạch xuất khẩu. Ước tháng 11, 12 xuất khẩu sầu riêng đạt khoảng 150 triệu USD. Năm 2024, xuất khẩu sầu riêng chỉ đạt khoảng 3,2 - 3,3 tỷ USD, thấp hơn dự kiến ban đầu 3,5 tỷ USD, và kim ngạch xuất khẩu toàn ngành rau quả có thể chỉ đạt khoảng 7,2 tỷ USD”, ông Nguyên nói.
Cũng theo số liệu từ Tổng cục Hải quan, 10 tháng đầu năm 2024, kim ngạch xuất khẩu rau quả đạt 6,16 tỷ USD, tăng 27,8% so với cùng kỳ năm ngoái. Đóng góp phần lớn vào tốc độ tăng trưởng chung toàn ngành là mặt hàng sầu riêng, tỷ trọng chiếm 49,86% tổng kim ngạch xuất khẩu của cả nước.