VDSC: Dư địa Ngân hàng Nhà nước tăng tiếp lãi suất sẽ tùy thuộc vào ba yếu tố

Theo VDSC, khả năng NHNN sẽ điều chỉnh tăng thêm lãi suất điều hành ít nhất 50-100 điểm cơ bản trong quý 4/2022-quý 1/2023.
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Nhận định về đường đi của lãi suất được Công ty Chứng khoán Rồng Việt (VDSC) nêu trong báo cáo vĩ mô vừa phát hành với nhìn nhận tháng 10 là tháng đầy biến động của thị trường tiền tệ.

VDSC đề cập, sự kiện Vạn Thịnh Phát (VTP) vào đầu tháng 10 vừa qua là một cú sốc tiếp nối đối với nhà đầu tư trái phiếu doanh nghiệp. Từ sau sự kiện Tân Hoàng Minh (THM), việc mua lại trái phiếu doanh nghiệp (TPDN) trước hạn đã diễn ra mạnh mẽ, quy mô mua lại TPDN 9 tháng ước đạt 142.200 tỷ đồng, tăng 67% so với cùng kỳ năm 2021. Nếu tính cả lượng TPDN mua lại, dư nợ trái phiếu doanh nghiệp tính đến cuối tháng 9/2022 ước đạt 1,1 triệu tỷ đồng, tương đương 13,4% GDP năm 2021 và 9,8% tổng dư nợ tín dụng tại ngày 28/09/2022.

VDSC đánh giá, sau sự kiện THM, thì sự kiện VTP là một cú hích mạnh làm gia tăng khủng hoảng niềm tin đối với thị trường TPDN, dẫn đến làn sóng tháo chạy khỏi kênh đầu tư này, kể cả rút tiền khỏi các quỹ đầu tư trái phiếu chuyên nghiệp. Do sự phát triển nhanh và mạnh thị trường TPDN các năm qua đã bám rễ vào hệ thống tài chính và tiếp cận một lượng lớn nhà đầu tư cá nhân tại Việt Nam, niềm tin lung lay đang dẫn đến khá nhiều xáo trộn trên thị trường.

VDSC cho rằng, việc mua lại trước hạn phần nào giúp giảm bớt quy mô đáo hạn TDPN, tuy nhiên, áp lực thời gian và quy mô TPDN đáo hạn vẫn còn khá lớn. Giá trị TPDN đáo hạn từ quý 4/2022 đến quý 4/2024 ước khoảng 865.000 tỷ đồng, đỉnh điểm trước mắt sẽ rơi vào quý 2-quý 3/2023.

“Trong ngắn hạn, tâm lý rời bỏ kênh đầu tư TPDN có thể dần ổn định trở lại nhưng nếu như những nút thắt về pháp lý không được tháo gỡ, thiếu đi sự hỗ trợ và định hướng từ nhà điều hành thì nhiều khả năng sự khó khăn trên thị trường TPDN sẽ còn tiếp diễn”, VDSC nêu.

Theo VDSC, khác với sự kiện THM, sự kiện VTP không chỉ dừng lại ở vấn đề TPDN mà còn liên quan đến biến cố tại Ngân hàng TMCP Sài Gòn (SCB) do SCB nằm trong hệ sinh thái tài chính của tập đoàn này. Nhìn lại tháng 10, biến cố tại SCB có thể coi là một cú sốc thanh khoản trong ngắn hạn đối với hệ thống ngân hàng Việt Nam. Trên thị trường cho vay liên ngân hàng, đầu tháng 10, lãi suất cho vay qua đêm tăng vọt lên trên 8%/năm, mức cao nhất kể từ tháng 4/2012.

Tuy nhiên, bằng hành động bơm thanh khoản và đưa SCB vào diện kiểm soát đặc biệt của NHNN, lãi suất liên ngân hàng đã hạ nhiệt khá nhanh. Tại ngày 1/11/2022, lãi suất cho vay qua đêm cao hơn 1,68 điểm % so với cuối tháng 9/2022. Ngoài ra, mặc dù doanh số giao dịch ở các kỳ hạn còn lại không đáng kể, VDSC cho rằng vẫn nhận thấy có một số căng thẳng nhất định về thanh khoản ở các kỳ hạn 1-6 tháng. Từ đầu tháng 10 đến nay, NHNN đã bơm ròng hơn 95.000 tỷ đồng qua thị trường mở.

Theo quan sát của VDSC, tình hình căng thẳng về thanh khoản trong hệ thống phần nào dịu lại nhưng tác động kéo dài của sự kiện VTP-SCB vẫn còn âm ỉ. Điều này thể hiện qua số dư kênh mua kỳ hạn tăng mạnh chỉ từ hơn 4.700 tỷ đồng vào cuối tháng 9 lên xấp xỉ 90.000 tỷ đồng vào giữa tháng 10/2022, và suốt nửa tháng gần đây duy trì đều đặn ở quanh mức này. Đồng thời, số lượng thành viên tham gia vào các phiên đấu thầu ở kênh mua kỳ hạn duy trì ở mức cao, đa phần là hơn hẳn số thành viên tham gia nghiệp vụ mua tín phiếu NHNN. Ngoài ra, trong ba phiên gần đây, NHNN cũng đang bơm tiền với kỳ hạn dài hơn (14 ngày).

Ngoài ra, VDSC cho rằng có sự tương quan giữa trục trặc trên thị trường TPDN, các sự kiện THM, VTP và thị trường bất động sản. Thị trường bất động sản đang đối diện với nhiều tác động tiêu cực mà theo đó sẽ lan tỏa đến tình hình sức khỏe của hệ thống ngân hàng nói riêng và triển vọng tăng trưởng kinh tế năm 2023 nói chung.

Như VDSC đã đề cập trước đó, sự kiện VTP-SCB đã kích hoạt vòng xoáy áp lực tỷ giá và lãi suất tại Việt Nam. Riêng trong tháng 10/2022, tiền đồng đã mất giá 4,1% so với đồng USD, gần xấp xỉ mức mất giá của tiền đồng trong suốt 9 tháng đầu năm. So với các đồng tiền khác, áp lực mất giá của tiền đồng là mạnh nhất trong tháng qua. Trước áp lực tỷ giá tăng cao, NHNN đã nâng lãi suất điều hành thêm 100 điểm cơ bản. Trong tuần cuối tháng 10, tỷ giá nhìn chung đã ổn định trở lại và tỷ giá USDVND cũng không phản ứng nhiều sau quyết định nâng lãi suất 75 điểm cơ bản của Fed vào ngày 2/11/2022.

Hiện tại, lãi suất điều hành đã trở lại mức trước đại dịch vào cuối năm 2019. VDSC nhận định, dư địa tăng tiếp lãi suất điều hành sẽ tùy thuộc vào 1) diễn biến áp lực các yếu tố bên ngoài (Fed, diễn biến chỉ số DXY, đồng NDT), 2) lạm phát trong nước và 3) áp lực mất giá của tiền đồng (cung-cầu ngoại tệ, triển vọng cán cân thanh toán, dự trữ ngoại hối, thanh khoản tiền đồng).

VDSC cho rằng cả ba yếu tố này đều đang hỗ trợ khả năng NHNN sẽ điều chỉnh tăng thêm lãi suất điều hành ít nhất 50-100 điểm cơ bản trong quý 4/2022-quý 1/2023. Cần lưu ý thêm là lãi suất huy động hiện đã cao hơn 1,7-1,9 điểm % so với đầu năm và cao hơn 20-50 điểm cơ bản so với đầu năm 2019.

Theo Nhịp sống Doanh nghiệp

Đọc tiếp

Ảnh minh họa.

Vàng đồng loạt tăng giá mạnh

Cùng chiều với diễn biến trên thị trường vàng thế giới, giá vàng trong nước đồng loạt tăng cao và giá bán tại SJC lại vượt lên trên 81 triệu đồng một lượng.

Ảnh minh họa

Giá vàng phục hồi nhẹ, tỷ giá trung tâm tăng

Giá vàng miếng SJC có thời điểm tuột mốc 80 triệu đồng/lượng ở chiều bán ra song đã nhanh chóng lấy lại mốc này. Trong khi giá USD niêm yết tại các ngân hàng thương mại cũng quay đầu tăng nhẹ.

Nhịp cầu doanh nghiệp

Tháo gỡ khó khăn cùng khách hàng, OCB tăng dự phòng rủi ro, giảm lợi nhuận, bảo đảm hoạt động

Tháo gỡ khó khăn cùng khách hàng, OCB tăng dự phòng rủi ro, giảm lợi nhuận, bảo đảm hoạt động

Ngân hàng TMCP Phương Đông (HOSE: OCB) vừa công bố báo cáo tài chính hợp nhất kiểm toán năm 2023. Theo đó, lợi nhuận trước thuế đạt 4.139 tỷ đồng. So với báo cáo quản trị, lợi nhuận trước thuế của OCB giảm 1.088 tỷ đồng đến từ việc chi phí dự phòng tăng 501 tỷ đồng và điều chỉnh một số khoản mục thu nhập đã thực thu từ khách hàng trong năm 2023 sẽ được hạch toán trong năm 2024.

VN-Index hướng tới ngưỡng 1.300 – 1.320 điểm

VN-Index hướng tới ngưỡng 1.300 – 1.320 điểm

Nhóm cổ phiếu ngân hàng là động lực chính kéo chỉ số VN-Index đã vượt ngưỡng 1.281 điểm trong tuần qua. Tuần tăng mạnh trên nền thanh khoản cao sẽ tiếp tục tạo động lực để thị trường hướng tới ngưỡng 1.300 – 1.320 điểm.

Hệ thống Công ty chứng khoánVNDIRECT bị tấn công

Hệ thống Công ty chứng khoánVNDIRECT bị tấn công

VNDIRECT cho biết, hệ thống của công ty chứng khoán bị tấn công từ 10h sáng chủ nhật ngày 24/3 và đã được khắc phục, đang trong quá trình kết nối trở lại tuy nhiên quá trình hồi phục dự kiến mất thời gian.

Chat với BizLIVE