Vàng tăng giá nhờ khả năng Fed hạ lãi suất sâu hơn

Giá vàng đi lên trong chiều 5/9 sau khi các số liệu gần đây làm tăng thêm khả năng Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) sẽ tiến hành một đợt cắt giảm lãi suất lớn trong tháng Chín này.

* Giá vàng tăng nhờ khả năng Fed “mạnh tay” hạ lãi suất

110040-chi-so-dow-jones-lap-dinh-moi-gia-vang-cham-muc-cao-nhat-lich-su.jpg
Trang sức vàng được bày bán tại tiệm kim hoàn ở Istanbul, Thổ Nhĩ Kỳ. Ảnh: THX/TTXVN 

 

Giá vàng đi lên trong chiều 5/9 sau khi các số liệu gần đây làm tăng thêm khả năng Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) sẽ tiến hành một đợt cắt giảm lãi suất lớn trong tháng Chín này.

Theo đó, giá vàng giao ngay tăng 0,5% lên 2.506,00 USD/ounce vào lúc 14 giờ 30 phút (giờ Việt Nam). Giá vàng Mỹ giao kỳ hạn tăng 0,4% lên 2.536,10 USD/ounce.

Các số liệu mới công bố cho thấy số lượng việc làm tại Mỹ đã giảm xuống mức thấp nhất trong 3 năm rưỡi vào tháng 7/2024 và làm dấy lên lo ngại về tình hình sức khỏe kinh tế Mỹ. Nhưng mức giảm này có thể không đủ để đảm bảo Fed cắt giảm lãi suất tới 0,5 điểm phần trăm.

Trọng tâm chú ý của thị trường sẽ là báo cáo việc làm phi nông nghiệp dự kiến được công bố vào thứ Sáu (6/9 theo giờ địa phương). Trước đó, Chủ tịch Fed chi nhánh San Francisco, bà Mary Daly cho biết cần phải cắt giảm lãi suất để duy trì thị trường lao động lành mạnh.

Ông Tim Waterer, chuyên gia phân tích thị trường của công ty dịch vụ tài chính KCM Trade, cho biết các nhà đầu tư đang thận trọng chờ đợi báo cáo việc làm phi nông nghiệp của Mỹ. Nếu các con số không đạt kỳ vọng, điều này sẽ làm tăng khả năng về 1 đợt cắt giảm lãi suất 50 điểm cơ bản và giúp giá vàng đi lên.

Vị chuyên gia nói thêm rằng giá vàng có thể vẫn chưa đạt mức cao nhất năm 2024. Ông nhận định ngưỡng 2.600 USD/ounce là mục tiêu khả thi nếu Fed thực hiện một loạt các đợt cắt giảm lãi suất nhanh chóng trước khi năm 2024 kết thúc.

Giá vàng luôn nhạy cảm với các động thái điều chỉnh lãi suất của Mỹ. Bởi lãi suất hạ sẽ khiến đồng USD yếu đi, song lại gia tăng đáng kể sức hấp dẫn của các tài sản không sinh lời như vàng.

Trên thị trường các kim loại quý khác, giá bạc giao ngay tăng 0,3% lên 28,37 USD/ounce. Giá bạch kim tăng 1% lên 911,58 USD/ounce.

Tại thị trường trong nước, khép phiên 5/9, Công ty Vàng Bạc Đá quý Sài Gòn niêm yết giá vàng SJC tại thị trường Hà Nội ở mức 78,50 - 80,50 triệu đồng/lượng (mua vào-bán ra)./.

* Giá dầu phục hồi khi nguồn cung dự kiến bị hạn chế

200838-gia-dau-the-gioi-tang-nhe-truoc-them-cuoc-hop-cua-opec-.jpg
Một cơ sở lọc dầu trên đảo Khark ở ngoài khơi vùng Vịnh. Ảnh: AFP/ TTXVN

 

Giá dầu phiên 5/9 tăng nhẹ sau khi giảm xuống mức thấp nhất trong nhiều tháng trước đó, khi các nhà sản xuất lớn có thể trì hoãn việc tăng sản lượng theo kế hoạch vào tháng tới.

Cụ thể, giá dầu Brent giao tháng 11/2024 tăng 35 xu (tương đương 0,48%) lên 73,05 USD/thùng vào đầu giờ chiều, sau khi đã giảm tới 1,4% trong phiên trước đó và đóng cửa ở mức thấp nhất kể từ ngày 27/6/2023. Giá dầu thô ngọt nhẹ Mỹ (WTI) giao tháng 10/2024 cũng tăng 35 xu (0,51%) lên 69,55 USD/thùng sau khi giảm 1,6% trong ngày 4/9.

Quảng cáo

Tâm lý bi quan trên thị trường dầu mỏ dường như đã dịu đi sau khi có thông tin Tổ chức các Nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) và các nhà sản xuất lớn ngoài khối (nhóm OPEC+) xem xét lại việc tăng sản lượng.

Theo các nguồn tin, OPEC+ đang thảo luận về việc hoãn kế hoạch tăng sản lượng dầu dự kiến bắt đầu vào tháng 10 vì giá đã giảm mạnh.

Tuần trước, OPEC+ đã chuẩn bị tiến hành tăng sản lượng 180.000 thùng/ngày vào tháng 10 như một phần trong kế hoạch dần dần nới lỏng chương trình cắt giảm 2,2 triệu thùng dầu/ngày.

Nhưng khả năng kết thúc tranh chấp tại Trung Đông và nhu cầu yếu của Trung Quốc đã thúc đẩy nhóm này xem xét lại quyết định trên.

Một yếu tố khác hỗ trợ giá dầu là báo cáo từ Viện Dầu khí Mỹ (API) cho thấy lượng dầu thô dự trữ của nước này đã giảm 7,431 triệu thùng vào tuần trước. Con số này cao hơn kỳ vọng của các nhà phân tích về mức giảm 1 triệu thùng.

Báo cáo dự trữ dầu hàng tuần của Cơ quan Thông tin Năng lượng Mỹ (EIA) sẽ được công bố vào thứ Năm (giờ địa phương).

* Chứng khoán châu Á diễn biến trái chiều

a-nh-ma-n-hi-nh-2024-08-10-lu-c-14-07-32-20240810140835.png
Sở giao dịch Chứng khoán Tokyo. Ảnh: AFP/TTXVN

 

Các thị trường châu Á tăng giảm ngược chiều trong phiên 5/9 sau sự hỗn loạn của phiên trước, khi các nhà giao dịch thận trọng đánh giá triển vọng cắt giảm lãi suất của Mỹ.

Tại Nhật Bản, chỉ số Nikkei 225 tại Tokyo phiên này giảm 1,1% xuống 36.657,09 điểm.

Tại Trung Quốc, các chỉ số chủ chốt có sự phân hóa. Chỉ số Hang Seng tại Hong Kong giảm 0,1% xuống 17.444,30 điểm. Ngược lại, chỉ số Shanghai Composite tại Thượng Hải tiến 0,1% lên 2.788,31 điểm.

Các thị trường Seoul, Singapore và Mumbai cũng suy giảm. Ngược lại, chứng khoán Sydney, Wellington, Taiepi, Manila và Bangkok đi lên.

Chứng khoán thế giới đã trải qua phiên 4/9 đầy hỗn loạn sau khi hoạt động sản xuất yếu kém của Mỹ kết hợp với sự suy giảm của cổ phiếu công nghệ làm thị trường hoảng hốt.

Trong khi một số hoạt động bán tháo được cho là do chốt lời, tin tức rằng lĩnh vực chế tạo thu hẹp tháng thứ năm liên tiếp đã làm dấy lên lo ngại rằng nền kinh tế lớn nhất thế giới có thể rơi vào suy thoái.

Với Fed cắt giảm lãi suất tại cuộc họp tháng Chín gần như chắc chắn xảy ra, các nhà quan sát cho biết những số liệu gần đây đang ủng hộ khả năng Fed cắt giảm tới 50 điểm lãi suất cơ bản, trái ngược với mức 25 điểm được dự đoán trước đây.

Chuyên gia Kelvin Wong tại nền tảng giao dịch tài chính OANDA cảnh báo rằng nỗi lo kinh tế Mỹ “hạ cánh cứng” lại trở thành tâm điểm của thị trường, khi nhiều nhà quan sát lo ngại rằng Fed đã chậm chân trong việc cắt giảm lãi suất.

Tại thị trường trong nước, kết thúc phiên 5/9, chỉ số VN - Index giảm 7,59 điểm (0,59%) xuống 1.268,21 điểm. Chỉ số HNX – Index cũng để mất 1,18 điểm (0,50%) xuống 234,96 điểm.

Theo bnews.vn Sao chép

Cùng chuyên mục Kinh tế - Đầu tư

“Siêu cảng” 5 tỷ USD tại cửa ngõ TP.HCM chỉ được đầu tư khi đáp ứng được yêu cầu này

Mới đây, Văn phòng Chính phủ vừa ban hành Thông báo số 418/TB-VPCP ngày 13/9/2024 kết luận của Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà tại cuộc họp về Hồ sơ chủ trương đầu tư Dự án Bến cảng trung chuyển quốc tế cửa ngõ Sài Gòn (tên theo Quy hoạch là bến cảng

TP. Hồ Chí Minh xin ý kiến Chính phủ về xác định nghĩa vụ tài chính các hồ sơ chuyển mục đích sử dụng đất sau 1/8 Cục Thuế TP. Hồ Chí Minh lần thứ 2 kiến nghị gỡ vướng hồ sơ đất đai bị ách tắc

"Phát triển bền vững và lợi nhuận không phải là hai mặt của một đồng xu"

Nhiều doanh nghiệp đang đẩy mạnh chuyển đổi xanh, giảm phát thải kính và lấy đó làm chiến lược, lợi thế cạnh tranh. Tuy nhiên, phát triển bền vững và lợi nhuận không phải là hai mặt của một đồng xu, mà là hai vế của một phép tính có kết quả bằng nhau, nếu thiếu vế bên này sẽ không thể có vế bên kia.

Thiếu vốn, doanh nghiệp xuất khẩu gạo luôn “bán trước, mua sau” Ấn Độ quay lại xuất khẩu gạo, thị trường gạo trong nước có bị ảnh hưởng?

Tháng sau sẽ có bước tiến quan trọng về đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam 70 tỷ USD

Chiều 12/9, tại Phiên họp thứ 37, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về Tổng kết Kỳ họp bất thường lần thứ 8 và cho ý kiến về việc chuẩn bị Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV. Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định điều hành Phiên họp.

Đường sắt Cát Linh - Hà Đông: Giá vé thấp không đủ bù chi phí, nhà nước đang phải trợ giá Kiến nghị đầu tư tuyến đường sắt nối Tp.HCM với sân bay Long Thành (Đồng Nai) hơn 40.000 tỉ đồng

Giá dầu, vàng đồng loạt giảm tại châu Á

Tại thị trường châu Á, giá dầu giảm do nhu cầu dầu của Trung Quốc yếu, còn giá vàng cũng giảm trước thềm báo cáo lạm phát của Mỹ. Ở chiều ngược lại, thị trường chứng khoán châu Á hầu hết tăng điểm.

Giá vàng bất ngờ giảm sâu sau dữ liệu việc làm trái chiều của Mỹ Trung Quốc không tăng dự trữ vàng 4 tháng liên tiếp

Bão Yagi: Một tỉnh miền Bắc đã ước tính thiệt hại 2.000 tỷ đồng

Do ảnh hưởng của cơn bão số 3, tại Thái Bình đã đo được gió mạnh cấp 9, cấp 10, giật cấp 12; lượng mưa trung bình toàn tỉnh từ ngày 6/9 đến 19h ngày 7/9 là 203,4mm, đặc biệt có nơi cao hơn như An Hiệp (Quỳnh Phụ) 419,4mm.

Đóng cửa 4 sân bay phòng siêu bão Yagi: Cập nhật ngay chuyến bay Vietjet Air, Bamboo Airways bị huỷ Không để chính quyền, người dân mất liên lạc: Nhà mạng “liên thông” sóng di động, ứng phó bão Yagi