*TTCK châu Á lao dốc
Cả ba chỉ số chính của chứng khoán Mỹ đều giảm mạnh trong phiên 3/9, trong đó chỉ số công nghệ Nasdaq giảm hơn 3%, khi các nhà giao dịch bán tháo cổ phiếu của các công ty công nghệ lớn như Apple, Alphabet và Amazon.
Đà bán tháo này đã lan sang các thị trường châu Á, nơi các công ty công nghệ và bán dẫn chịu mức giảm mạnh nhất. Đáng chú ý, công ty Advantest của Nhật Bản giảm 7,7%, Tokyo Electron giảm hơn 8%, trong khi Sony giảm 3%. Bên cạnh đó, cổ phiếu SK hynix ở Seoul giảm 8% và Samsung giảm hơn 3%.
Chuyên gia Randy Abrams của công ty quản lý tài sản UBS Global Asset Management cho biết giờ đây, giới đầu tư đang bắt đầu đặt câu hỏi liệu số vốn đầu tư vào AI có thực sự sinh lời hay không.
Trước sự sụt giảm của nhóm cổ phiếu công nghệ, thị trường châu Á chìm trong sắc đỏ. Kết thúc phiên này, chỉ số Nikkei 225 tại Tokyo giảm 4,2% xuống 37.047,61 điểm. Còn tại Trung Quốc, chỉ số Hang Seng ở Hong Kong để mất 1,1% xuống 17.457,34 điểm, và chỉ số Shanghai Composite ở Thượng Hải giảm 0,7% xuống 2.784,28 điểm
Thị trường Seoul giảm hơn 3%, trong khi thị trường Sydney và Singapore đều giảm hơn 1%. Sắc đỏ cũng được ghi nhận tại Bangkok và Mumbai.
Không nằm ngoài xu hướng chung của khu vực, tại Việt Nam, chỉ số VN-Index giảm 8,07 điểm, hay 0,63%, xuống 1.275,8 điểm, trong khi chỉ số HNX-Index giảm 1,42 điểm, hay 0,6%, xuống 236,14 điểm.
*Giá vàng ổn định
Giá vàng ổn định tại châu Á trong phiên chiều 4/9, khi các nhà đầu tư đang đón đợi báo cáo việc làm hàng tháng của Mỹ - số liệu có thể ảnh hưởng đến thời gian và mức độ hạ lãi suất của Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) trong năm nay.
Vào lúc 13 giờ 24 phút theo giờ Việt Nam, giá vàng giao ngay ổn định ở mức 2.491,01 USD/ounce, trong khi giá vàng kỳ hạn của Mỹ được giao dịch ở mức 2.522,20 USD/ounce.
Trước khi báo cáo việc làm trong lĩnh vực phi nông nghiệp được công bố vào ngày 6/9, thị trường sẽ dồn sự chú ý đến số liệu về cơ hội việc làm vào ngày 4/9, cũng như số liệu về hoạt động tuyển dụng của ADP và báo cáo về số đơn xin hưởng trợ cấp thất nghiệp vào ngày 5/9.
Theo Công cụ FedWatch của CME Group, thị trường đang dự đoán 41% khả năng Fed giảm lãi suất 0,5 điểm phần trăm vào ngày 18/9 và 59% khả năng giảm 0,25 điểm phần trăm.
Ông Kyle Rodda, chuyên gia phân tích thị trường tài chính tại Capital.com, cho biết dữ liệu việc làm yếu sẽ làm tăng khả năng Fed giảm 0,5 điểm phần trăm và làm gia tăng lo ngại về tăng trưởng giảm tốc, từ đó hỗ trợ giá vàng.
Trước đó, số liệu được công bố ngày 3/9 cho thấy lĩnh vực chế tạo của Mỹ đã giảm nhẹ trong tháng Tám, trong bối cảnh hoạt động tuyển dụng có cải thiện.
Vàng được coi là tài sản an toàn trong thời kỳ bất ổn về chính trị và kinh tế, và có xu hướng tăng giá trong môi trường lãi suất thấp. Từ đầu năm đến nay, giá vàng đã tăng 21%, và chạm mức cao nhất từ trước đến nay là 2.531,60 USD/ounce vào ngày 20/8.
Trên thị trường các kim loại quý khác, giá bạc giao ngay giảm 0,4% xuống 27,93 USD/ounce, còn giá bạch kim tăng 0,4% lên 906,40 USD.
Tại Việt Nam, vào lúc 15 giờ 46 phút ngày 4/9, Công ty Vàng bạc đá quý Sài Gòn công bố giá bán vàng miếng SJC ở mức 79 - 81 triệu đồng/lượng (mua vào - bán ra), giữ nguyên mức giá niêm yết ở cả hai chiều mua vào và bán ra so với chốt phiên ngày 30/8 (trước kỳ nghỉ Lễ 2/9).
*Giá dầu nối dài đà giảm
Giá dầu tại châu Á giảm trong phiên chiều 4/9, và dao động quanh mức thấp nhất kể từ tháng 12, trước dự đoán rằng xung đột chính trị khiến Libya ngừng xuất khẩu dầu có thể được giải quyết và lo ngại về sự giảm tốc trong nhu cầu toàn cầu.
Vào lúc 13 giờ 45 phút theo giờ Việt Nam, giá dầu Brent Biển Bắc giao tháng 11 giảm 43 xu Mỹ, hay 0,6%, xuống còn 73,32 USD/thùng. Trong khi đó, giá dầu thô ngọt nhẹ Mỹ (WTI) giao tháng 10 giảm 49 xu Mỹ, hay 0,7%, xuống còn 69,85 USD/thùng.
Giá cả hai loại dầu trên đều giảm xuống mức thấp nhất kể từ tháng 12 trước dấu hiệu sẽ có một thỏa thuận để giải quyết xung đột chính trị ở Libya, vốn đã khiến sản lượng dầu của nước nước này giảm khoảng một nửa và hạn chế hoạt động xuất khẩu.
Bên cạnh đó, ông Toshitaka Tazawa, chuyên gia phân tích của công ty chứng khoán Fujitomi Securities Co Ltd, cho biết thị trường tiếp tục chịu áp lực cũng do những lo ngại về nhu cầu nhiên liệu yếu sau các chỉ số kinh tế kém khả quan từ Trung Quốc và Mỹ.
Tâm lý thị trường suy yếu sau khi dữ liệu của Viện Quản lý Nguồn cung Mỹ vào ngày 3/9 cho thấy lĩnh vực chế tạo của Mỹ vẫn ảm đạm, dù có cải thiện trong tháng Tám từ mức thấp nhất trong tám tháng được ghi nhận trong tháng Bảy.
Còn tại Trung Quốc, nước nhập khẩu dầu thô lớn nhất thế giới, số liệu gần đây cho thấy hoạt động chế tạo đã giảm xuống mức thấp nhất trong sáu tháng vào tháng Tám, khi giá nhà mới tăng chậm lại.