Tuyển dụng và đào tạo nhân viên mới qua trực tuyến có thực sự hiệu quả?

"Công nghệ là tương lai, nhưng sự tiếp xúc giữa con người và trải nghiệm thực tế là không thể thay thế và vẫn sẽ là mấu chốt quan trọng trong tuyển dụng".
Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.

Khảo sát của Adecco Việt Nam với chủ đề "Tuyển dụng và đào tạo nhập môn trực tuyến trong bình thường mới" vừa công bố cho biết đại dịch COVID-19 khiến tuyển dụng và đào tạo ban đầu trực tuyến trở thành giải pháp hàng đầu. Nhưng đây có phải là kênh thực sự hiệu quả và lấn át hình thức truyền thống - tương tác và tiếp xúc trực tiếp?

Tham khảo kết quả khảo sát trên, gần 40% nhà tuyển dụng bắt đầu sắp xếp các cuộc phỏng vấn trực tuyến từ sau COVID-19. 43% đã thực hiện một vài cuộc phỏng vấn trực tuyến trước dịch, và hiện tại đang dùng hình thức này nhiều hơn.

14% cho biết dù trước hay sau dịch COVID-19 thì tỷ lệ sử dụng phỏng vấn trực tuyến vẫn không đổi. Chỉ 2% nhà tuyển dụng hoàn toàn không tham gia vào xu hướng này.

Với đào tạo nhập môn trực tuyến, số lượng người ủng hộ ít hơn một chút. Khoảng 27% nhà tuyển dụng không xây dựng chương trình đào tạo nhập môn trực tuyến. Tuy nhiên, số đông vẫn ưa chuộng phương thức này.

35% doanh nghiệp chia sẻ rằng họ không tiến hành đào tạo nhân viên mới trực tuyến trước dịch COVID-19, nhưng hiện tại họ đang áp dụng hình thức này. 23% doanh nghiệp đã làm quen với hình thức trực tuyến trước dịch và hiện thì áp dụng rộng rãi hơn. Còn lại 13% doanh nghiệp cho biết chiến lược đào tạo nhập môn trực tuyến của họ vẫn giữ nguyên.

Về phía ứng viên, 71% cho rằng hình thức trực tuyến thuận tiện hơn trong việc sắp xếp lịch trình. 67% xem đây là cách tốt tìm kiếm các công việc ở khu vực địa lý xa hơn, và hơn 61% tin rằng đây cũng là cách tìm việc nhanh hơn. Các lợi ích đáng chú ý khác bao gồm có thể chuẩn bị tốt hơn cho các cuộc phỏng vấn (45%) và có thể nhanh chóng truy cập các tài liệu cần thiết (40%).

Các câu hỏi đào sâu cho thấy hầu hết ứng viên đều có những trải nghiệm tích cực với các quy trình trực tuyến. Khoảng 65% hài lòng với quy trình tuyển dụng trực tuyến và gần 45% hài lòng với quy trình đào tạo nhập môn trực tuyến.

Tương tự, hơn 67% nhà tuyển dụng nhận thấy việc tuyển dụng trực tuyến giúp dễ sắp xếp các buổi phỏng vấn và gặp mặt hơn. 60% nhà tuyển dụng xem việc chuyển đổi sang quy trình trực tuyến là cách tiết kiệm thời gian, 43% cho rằng cách này cũng giúp tiết kiệm chi phí tuyển dụng.

Việc áp dụng số hóa cũng giúp giảm bớt gánh nặng thủ tục giấy tờ và cho phép họ tiếp cận với nguồn ứng viên đa dạng hơn (tỷ lệ trả lời lần lượt là 43% và 36%).

Nguồn: Adecco

Tuy nhiên, khảo sát của Adecco cho thấy, tuyển dụng và đào tạo nhân viên mới trực tuyến thực sự mang lại nhiều lợi ích, nhưng không phải là giải pháp hoàn hảo cho mọi doanh nghiệp.

Khi được hỏi về chất lượng nhân sự khi áp dụng mô hình này, 24% doanh nghiệp ghi nhận chất lượng ứng viên tốt hơn, 60% nói rằng không có khác biệt so với phương pháp truyền thống, và 16% phản hồi có sự giảm nhẹ về chất lượng ứng viên.

Khảo sát cho thấy việc chuyển sang mô hình trực tuyến mang lại kết quả tích cực cho một số khía cạnh, chẳng hạn như rút ngắn thời gian tuyển dụng và tiết kiệm chi phí. Mặt khác, việc đánh giá ứng viên, đào tạo ban đầu, và khả năng thích nghi của nhân viên với doanh nghiệp mới lại gặp nhiều trở ngại.

Lý do đằng sau khá dễ hiểu, đó là phương pháp trực tuyến vẫn có các hạn chế nhất định.

Các e ngại chính của nhà tuyển dụng khi chuyển sang môi trường trực tuyến là thiếu các tương tác trực tiếp (67%), khó đánh giá tính cách ứng viên (52%) và khó xây dựng mối quan hệ với đồng nghiệp (49%). 43% nhà tuyển dụng nhận thấy sự thiếu gắn kết trong các buổi đào tạo ban đầu và những gián đoạn trong giao tiếp.

Đồng ý rằng tuyển dụng trực tuyến có cả ưu điểm và hạn chế, bà Cáp Thị Minh Trang, Giám đốc Nhân sự, Việt Nam & Campuchia và Secure Power Đông Á & Nhật Bản, Schneider Electric, chia sẻ: “Dù được trang bị công nghệ tiên tiến thì môi trường trực tuyến không thể thay thế hoàn toàn các tương tác trực tiếp tại nơi làm việc. Ví dụ, khi nhân viên mới có thể làm việc tại văn phòng, họ có nhiều cơ hội tình cờ gặp gỡ, tương tác và trò chuyện phiếm với đồng nghiệp. Những khoảnh khắc ngẫu nhiên và thoải mái này giúp họ có thể nhanh chóng tìm hiểu về đội ngũ và tạo nên các kết nối cá nhân. Nhưng trong thế giới ảo, mọi người đều cần đặt lịch hẹn từ trước để có thể cùng tham gia. Các sự kiện cần lên kế hoạch thế này hầu như khó có thể đạt được kết quả tương tự".

Trong bình thường mới, bà Trang chỉ ra rằng sự kết hợp giữa phương pháp trực tuyến và truyền thống sẽ giúp nâng cao hiệu quả tuyển dụng.

Đó là góc độ của nhà tuyển dụng, còn đối với ứng viên, họ cũng gặp phải những thử thách.

Các ứng viên cũng tỏ ra lo lắng về việc khó đánh giá văn hóa làm việc (61%), khó làm quen với đồng nghiệp mới (47%) và thiếu tương tác cá nhân (40%). Gần 36% cảm thấy phiền lòng vì phải phụ thuộc nhiều vào công nghệ.

Adecco đánh giá, từ những phát hiện này, có thể thấy rằng khi bước vào kỷ nguyên số hóa, các tương tác trực tiếp giữa con người vẫn là yếu tố then chốt trong quy trình tuyển dụng và đào tạo nhập môn.

Giám đốc Quốc gia của Adecco Việt Nam, bà Lê Nguyễn Ngọc Thanh, nhận xét: "Công nghệ sẽ tiếp tục phát triển, trở thành một lợi thế cạnh tranh và có tác động đáng kể đến cách chúng ta tìm kiếm, tuyển dụng và giữ chân nhân tài.

Tuy nhiên, từ cuộc khảo sát này, chúng ta đều thấy là các nhà tuyển dụng nên tìm ra sự cân bằng phù hợp giữa sự đổi mới công nghệ và sự tương tác trực tiếp của con người. Bởi vì dù chúng tôi gọi quy trình là "trực tuyến" và phát triển nó dựa trên các công cụ kỹ thuật số, nhưng nó vẫn hướng tới "con người". Công nghệ là tương lai, nhưng sự tiếp xúc giữa con người và trải nghiệm thực tế là không thể thay thế và vẫn sẽ là mấu chốt quan trọng trong tương lai".

Đọc tiếp

Nhịp cầu doanh nghiệp

Ảnh minh họa

Dòng vốn FDI thúc đẩy nhu cầu tuyển dụng tăng cao

Sự tăng trưởng của dòng vốn FDI và các chính sách thân thiện với nhà đầu tư dành cho khu công nghiệp đã tạo điều kiện cho nhu cầu tuyển dụng tăng cao trong lĩnh vực sản xuất, kỹ thuật và bất động sản công nghiệp.
Chat với BizLIVE