Đường hầm Tây Thiên Sơn (Tianshan), dài 15,7 km, là một phần của tuyến cao tốc chính nối các khu vực phía Nam với phía Bắc của vùng Tân Cương (Xinjiang) rộng lớn ở miền Tây Trung Quốc. Dự án được kỳ vọng thúc đẩy thương mại và du lịch.
Theo Tân Hoa xã, đội xây dựng đã bắt đầu dùng máy khoan đường hầm (TBM) để khoan dưới dòng sông băng khổng lồ nhằm tạo lối đi chính cho đường hầm. Máy khoan đường hầm, mang tên Ôn Túc (Wensu), do Trung Quốc sản xuất, nặng 1.800 m, dài 235 mét, có đường kính 8,83 m. Đây là một trong những máy đào hầm rộng nhất hiện đang được sử dụng trong các dự án đào hầm ở Thiên Sơn.
Đường hầm Tây Thiên Sơn sẽ là tuyến đường đầu tiên của Trung Quốc chạy thẳng dưới sông băng. Hơn 3/4 quãng đường, khoảng gần 12 km, nằm dưới lớp băng dày 1 km, một số đoạn có thể lên tới 2,4 km.
Việc xây dựng đường hầm bắt đầu từ tháng 9/2023 và dự kiến hoàn thành vào năm 2026. Dự án là đoạn quan trọng nhất của tuyến cao tốc Chiêu Tô (Zhaosu) - Ôn Túc (hay còn được gọi là đường cao tốc G219 dài 237 km, nối huyện Chiêu Tô ở phía Bắc Tân Cương với huyện Ôn Túc ở phía Nam Tân Cương.
Dự kiến thông xe vào năm 2027, hầm cao tốc nói trên sẽ trở thành một phần của tuyến vận tải chính nối Trung Quốc với Nga, Kazakhstan, Tajikistan, Kyrgyzstan và Pakistan, đồng thời là tuyến kết nối quan trọng giữa Tân Cương và Tây Tạng.
Trong những năm gần đây, Trung Quốc đã bắt đầu xây dựng một số đường cao tốc và đường hầm ở Tân Cương, trong đó có đường hầm cao tốc Thiên Sơn Thắng Lợi - một phần quan trọng trong tuyến cao tốc Urumqi - Úy Lê (Yuli), dài 1.300 km. Đoạn đường dài 22,1 km sẽ là đường hầm dài nhất thế giới khi tuyến cao tốc thông xe vào cuối năm sau.