Các doanh nghiệp năng lượng lớn nhất Trung Quốc đang tăng cường hoạt động khai thác tại nội địa và ký kết nhiều hợp đồng ở nước ngoài trong nỗ lực đảm bảo an ninh năng lượng, theo nội dung bài báo mới được Wall Street Journal đăng tải.
Nhu cầu dầu thô của Trung Quốc nhiều khả năng sẽ chạm mức 15,6 triệu thùng dầu/ngày trong năm nay, cao hơn khoảng 5% so với năm ngoái, theo dự báo của Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC).
Trung Quốc là nước tiêu thụ dầu lớn thứ 2 trên thế giới sau Mỹ, chính vì vậy bất kỳ thay đổi nào trong chính sách năng lượng của Trung Quốc có thể gây ra ảnh hưởng lớn lên giá dầu toàn cầu.
Quá trình mở cửa của kinh tế Trung Quốc diễn ra mạnh mẽ sau khoảng thời gian phong tỏa, ngoài ra các việc biện pháp hạn chế đi lại được gỡ bỏ đã giúp người dân đi lại được thuận lợi và nhiều nhà máy mở cửa trở lại, chính vì vậy nhu cầu dầu tăng cao.
Tuy nhiên, Bắc Kinh hiện đang tìm kiếm những lựa chọn thay thế trên thị trường dầu toàn cầu, trong đó có việc tăng cường hoạt động khai thác dầu tại nội địa đồng thời kỳ kết hợp đồng mua thêm dầu với nhiều nước trong đó có Brazil, Qatar và Afghanistan.
Các doanh nghiệp dầu nội địa Trung Quốc sản xuất ước tính 18,2 triệu thùng dầu thô trong tháng 3/2023, ngưỡng cao nhất tính từ tháng 12/2014, theo Cục Thống kê Trung Quốc (NBS).
Cũng trong tháng 3/2023, Cnooc – một trong những doanh nghiệp dầu nhà nước Trung Quốc cũng công bố đã phát hiện thêm mỏ dầu mới ở khu vực Đông Bắc Trung Quốc. Nguồn cung dầu của Trung Quốc vì vậy sẽ có thêm dự trữ ước tính khoảng hàng trăm triệu tấn.
Trung Quốc tính toán về sản lượng dầu xuất nhập khẩu theo đơn vị tấn, một đơn vị dùng để đo trọng lượng. Cách tính này của Trung Quốc khác hoàn toàn với phần còn lại của thế giới bởi các nước chủ yếu tính theo đơn vị thùng. Tuy nhiên, cách tính bằng đơn vị tấn khá khác biệt bởi nó còn tùy thuộc vào nhiều yếu tố ví như nồng độ đậm đặc hoặc các chất cất thành dầu.
Việc giới chức Trung Quốc tập trung vào sản xuất năng lượng nội địa phản ánh cho việc họ đang rất quan tâm đến an ninh năng lượng, mục tiêu này đã rất được quan tâm sau khi thị trường năng lượng thế giới chứng kiến nhiều diễn biến bất ngờ.
Vào giữa tháng 4/2023, người đứng đầu Cơ quan An ninh Năng lượng Trung Quốc, ông Zhang Jianhua, nói rằng hoạt động khai thác dầu và khí đốt của Trung Quốc vô cùng quan trọng với an ninh năng lượng của nước này.
Dự trữ xăng chiến lược của Trung Quốc là một phần trong nỗ lực tăng cường an ninh năng lượng này. Theo trưởng bộ phận đầu tư kiêm nhà sáng lập tại quỹ KLI Asset Management, ông Ricardo Leiman, Trung Quốc đã tăng cường bổ sung vào dự trữ trong thời kỳ đại dịch COVID-19 khi giá dầu ở mức thấp. Tuy nhiên, Trung Quốc chưa bao giờ công bố chi tiết về dự trữ năng lượng nước này.
“Trong một thế giới phân cực, an ninh nguồn cung dầu thô vô cùng quan trọng. Hoạt động sản xuất nội địa cũng có ảnh hưởng nhất định, thế nhưng sự thiếu hụt nhu cầu rất lớn”, chuyên gia giao dịch dầu tại quỹ Ocean Leonid Investments – ông Kelvin Yew phân tích.
Tháng 3/2023, Trung Quốc nhập khẩu ước tính 52,3 triệu thùng dầu, ngưỡng cao nhất tính từ tháng 6/2020, theo Hải quan Trung Quốc. Các chuyên gia phân tích dự báo nhập khẩu sẽ đáp ứng khoảng 70% nhu cầu dầu của Trung Quốc trong năm nay.
Vào đầu tháng 4/2023, OPEC+ bất ngờ thông báo cắt giảm sản lượng ước tính khoảng 1 triệu thùng dầu/ngày, còn Nga vẫn công bố hạ sản lượng ước tính 500.000 thùng/ngày đến giữa năm 2023.
Nhu cầu dầu toàn cầu nhiều khả năng sẽ lập kỷ lục trong năm nay, yếu tố này sẽ tạo ra những xáo trộn về giá dầu thô. Giá dầu thô hiện đang đương đầu với nhiều áp lực tăng giá từ các biện pháp giảm nguồn cung, theo Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) cảnh báo.
IEA dự báo nhu cầu dầu thô của thế giới sẽ tăng lên ngưỡng kỷ lục 101,9 triệu thùng dầu/ngày trong năm 2023, tăng khoảng 2 triệu thùng dầu/ngày so với năm ngoái.
Nhu cầu dầu của nhóm nền kinh tế mới nổi chiếm ước tính khoảng 87% tăng trưởng nhu cầu trong năm nay, theo IEA công bố. Trong khi đó chỉ riêng Trung Quốc đã chiếm khoảng nửa khi mà kinh tế Trung Quốc vẫn tiếp tục quá trình mở cửa mạnh mẽ.
Trong khi đó, nguồn cung dầu toàn cầu hiện vẫn đang chịu quá nhiều áp lực. OPEC+ vào đầu tháng bất ngờ giảm sản lượng.
“Các yếu tố cân bằng trên thị trường dầu đã bắt đầu thay đổi trong nửa sau năm 2023, hoàn toàn có khả năng sẽ xảy ra thâm hụt nguồn cung. Người tiêu dùng hiện vốn đang chịu áp lực từ lạm phát sẽ chịu ảnh hưởng nặng nề hơn từ giá dầu cao, đặc biệt người tiêu dùng tại nhóm các nền kinh tế phát triển và đang phát triển”, IEA nhấn mạnh.