Định vị thị trường
So với phiên đầu tuần, sắc xanh xuất hiện đồng đều hơn ở thị trường chứng khoán châu Á với hàng loạt chỉ số tăng như NIKKEI 225 (+0,95%), KOSPI (+0,35%), TWSE (+0,27%), SET (+0,19%), HSI (+0,25%).
VN-Index cũng tăng điểm theo vận động chung nhưng còn khá "gượng gạo" sau một phiên giảm tới 28 điểm. Các nỗ lực kéo lên từ các cổ phiếu lớn chưa được thể hiện rõ ràng khiến cho chỉ số có nhiều thời điểm dao động quanh tham chiếu.
Chất xúc tác
Mức khớp lệnh của HOSE cũng sụt giảm nhanh chóng dù ở phiên hôm qua đã có tới hơn 1 tỷ đơn vị giao dịch. Khối lượng khớp giảm hơn 50% xuống 547 triệu đơn vị cho thấy tâm lý trì hoãn giao dịch sau khi thị trường xuất hiện biến động mạnh. Điều này có thể sẽ có tiếp diễn trong phiên tới bởi nhà đầu tư sẽ còn phải đánh giá cung cầu trên thị trường khi chiều mai cung tiềm năng của cổ phiếu mới về tài khoản.
Hệ quả từ việc dòng tiền co lại là tỷ trọng giao dịch của khối ngoại đã nhảy vọt, chiếm 14,58% tổng giao dịch 2 chiều trên HOSE. Khối này vẫn tiếp tục thói quen bán ra với giá trị lớn, rút ròng 705 tỷ đồng trong đó FUEVFVND (-565 tỷ đồng) đã vượt qua FPT (-264 tỷ đồng).
Hiện các biến số tác động tới dòng tiền vẫn chưa xuất hiện những biến động mới. Tỷ giá tự do vẫn neo sát mốc 26.000 VND/USD ở chiều bán ra còn lãi suất liên ngân hàng tiếp tục hạ nhiệt: kỳ hạn qua đêm đã giảm xuống 3,4%.
Vận động thị trường
Tính chất của thị trường hôm nay là phiên T+1 sau khi xuất hiện giao dịch đột biến. Nhà đầu tư thường sẽ không vội vàng bắt đáy thêm, thay vào đó sẽ chờ những tín hiệu rõ ràng từ sau phiên T+2.
Tuy nhiên, vẫn có một số cổ phiếu giao dịch nổi bật như VRE (+6,77%), HAH (+6,89%), VSC (+3,33%), VOS (+4,59%), HSG (+4,17%), NKG (+2,1%).
Trong đó, VRE đã tăng trần với quy mô giao dịch trên 500 tỷ đồng. Trước đó, VRE đã rơi xuống vùng đáy 4 năm và phiên tăng trần chỉ xuất hiện sau 3 tháng. Lần gần nhất, VRE có một phiên tăng trần là vào ngày 18/3.
Trong khi đó, HAH cũng tăng trần nhưng lại đóng cửa ở mức cao nhất trong vòng 2 năm trở lại đây. Việc các cổ phiếu như VSC, VOS cũng tốt cho thấy nhà đầu tư đang có kỳ vọng lớn vào nhóm cổ phiếu Vận tải biển và Cảng biển bất chấp thị trường đang thể hiện kém tích cực.
Còn với HSG và NKG, trạng thái chưa ấn tượng bằng nhưng cũng giúp phủ nhận một phần phiên bị "đạp" sâu. Dù vậy, với lượng tiền bị "bóp" lại, hầu hết các cổ phiếu trên thị trường đã không thể có sự hồi phục tương tự.
Tại VN30, các mã BID (-1,8%), FPT (-1,6%), SAB (-1,5%), HPG (0%), POW (0%) đều chỉ dao động trong biên độ hẹp. Còn tại Midcap và Penny, DGC (0%), VIX (+0,6%), PC1 (+0,53%), DBC (-0,43%), SZC (-0,37%), TCM (0%), FRT (0%), DXG (-0,31%).. cũng dao động nhẹ.
Chốt phiên, VN-Index tăng 2,44 điểm lên 1.256,56 điểm (+0,19%). Thanh khoản sàn đạt 835,3 triệu đơn vị, tương đương 21.546 tỷ đồng.
2 chỉ số còn lại chủ yếu biến động trái chiều. Chỉ số HNX-Index tăng 0,19% lên 240,19 điểm với giá trị giao dịch đạt 51,06 triệu đơn vị, tương đương 1.034 tỷ đồng.
Còn UPCoM-Index giảm 0,23% xuống 98,83 điểm. Thanh khoản sàn đạt 72,94 triệu đơn vị, tương đương 1.447 tỷ đồng.