Trăn trở với sự nghiệp phát triển đội ngũ nữ doanh nhân Việt Nam

Các nữ doanh nhân của Việt Nam không chỉ thể hiện vai trò là người phụ nữ trong gia đình mà còn khẳng định vị thế của những người chiến sĩ quả cảm trên thương trường đầy thử thách...
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Thường trực với các nữ doanh nhân, đó là những thử thách trong các bài toán tài chính, tiếp cận vốn, quản lý chất lượng tài sản, nắm bắt thị trường không chỉ trong nước mà còn khu vực và toàn cầu. Đặc biệt, những năm gần đây và phía trước, bối cảnh kinh tế trong và ngoài nước lại đầy thử thách khắc nghiệt hơn, về áp lực lạm phát, lãi suất và tỷ giá biến động, chuỗi cung ứng toàn cầu chưa thể hàn gắn những vết thương...

Vậy làm thế nào để có nhiều hơn những cái tên nữ tỷ phú Việt Nam trên thương trường khu vực và quốc tế?

Đây là trăn trở của bà Nguyễn Thị Tuyết Minh - Chủ tịch Hội đồng Doanh nhân nữ Việt Nam (VWEC).

Là người có nhiều năm gắn bó với cộng đồng doanh nghiệp, bà đánh giá như thế nào về sự lớn mạnh của đội ngũ nữ doanh nhân Việt Nam hiện nay?

Với sự hỗ trợ của các chính sách, cũng như tạo cơ hội cho các hành lang pháp lý của Đảng và Nhà nước thì đội ngũ nữ doanh nhân Việt Nam ngày càng lớn mạnh.

Cụ thể, giai đoạn đầu năm 2009, theo báo cáo của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (nay là Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam - VCCI) doanh nghiệp do nữ làm chủ tại Việt Nam chỉ chiếm 4%, nhưng con số này đã tăng lên 21% trong năm 2011 và 24% trong năm 2019.

Đặc biệt, trong giai đoạn COVID-19, dù ảnh hưởng rất nặng nề bởi vì đứt gẫy chuỗi cung ứng, thiết hụt lao động, nhiều thị trường truyền thống bị đóng hẹp lại bởi chính sách phòng chống COVID-19, nhưng nữ doanh nhân vẫn bền bỉ tìm ra những lối thoát bằng cách áp dụng chuyển đổi số. Nhờ đó khai thác và mở ra nhiều thị trường tiềm năng mới và quay trở lại thị trường rất tiềm năng là thị trường nội địa.

Báo cáo Chỉ số Nữ doanh nhân của Mastercard (MIWE) 2021 vừa được công bố cũng nhận định, nữ doanh nhân Việt Nam đã thể hiện sự kiên cường và mạnh mẽ, thành công trong việc duy trì và phát triển hoạt động kinh doanh, ngay cả khi phải đối mặt với những thách thức khổng lồ từ khủng hoảng đại dịch toàn cầu.

Tốc độ tham gia vào các hoạt động kinh doanh của phụ nữ tại Việt Nam không chỉ ngang bằng mà còn nhanh hơn nhiều so với nam giới, với tốc độ tăng trưởng chạm ngưỡng hơn 20%. Tỷ lệ tham gia lực lượng lao động của phụ nữ Việt Nam đạt 69,3%, là một trong các nước có tỷ lệ cao nhất trên thế giới. Trong lĩnh vực kinh tế, phụ nữ điều hành 26,5% số doanh nghiệp trên cả nước, tạo ra doanh thu trung bình hàng năm tương đương với nam giới.

Nữ doanh nhân không chỉ lớn mạnh về mặt số lượng mà về quy mô và tầm ảnh hưởng đã có nhiều cải thiện. Việt Nam đã có Nữ doanh nhân đứng trong Top 100 tỷ phú thế giới, rất nhiều nữ doanh nhân liên tục góp mặt trong danh sách 50 nữ doanh nhân quyền lực nhất châu Á do Forbes bình chọn, giải doanh nhân nữ ASEAN tiêu biểu và doanh nhân Việt Nam tiêu biểu.

Những nỗ lực của các nữ doanh nhân không chỉ giúp doanh nghiệp của họ duy trì hoạt động và gặt hái được nhiều thành công mà còn góp phần giải quyết nhiều vấn đề thách thức trong xã hội. Nhiều nữ doanh nhân làm công tác chia sẻ với cộng đồng với xã hội là lên tuyến đầu để hỗ trợ phòng chống dịch. Đây là những nỗ lực đáng được xã hội ghi nhận.

Đạt được những kết quả đó, họ đã và đang trải qua nhiều khó khăn, thử thách, thưa bà...

Theo Báo cáo nghiên cứu “Kinh doanh tại Việt Nam: đánh giá của các doanh nghiệp do phụ nữ làm chủ” của VCCI, phụ nữ làm kinh doanh tại Việt Nam luôn thiệt thòi hơn nam giới, bởi cơ hội kinh doanh thường lệ thuộc vào các mối quan hệ.

Như sau giờ làm việc, nam giới vẫn có thể giao tiếp ngoài xã hội để tìm kiếm cơ hội kinh doanh thì trái lại phần lớn phụ nữ sẽ trở về nhà chăm sóc cho gia đình – đã thu hẹp khả năng họ tiếp cận với nhiều cơ hội.

Cùng với đó, phụ nữ Việt Nam còn nhiều rào cản trong quá trình khởi nghiệp cũng như vận hành doanh nghiệp, vì vai trò của người phụ nữ Á Đông cũng chưa thực sự được bình đẳng so với nam giới cả trong gia đình và ngoài xã hội.

Điều này dẫn đến những khó khăn đối với phụ nữ khi tham gia kinh doanh như quyết định thành lập doanh nghiệp, huy động vốn, điều hành doanh nghiệp, mở rộng quan hệ đối tác, giao lưu tìm hiểu thị trường và tiếp cận các chương trình trợ giúp.

Cùng với đó, nữ doanh nhân còn gánh chịu thiệt thòi và gặp nhiều trở ngại trong quá trình khởi sự và điều hành doanh nghiệp như không được đào tạo bài bản, chính quy, thiếu kỹ năng kinh doanh, trình độ ngoại ngữ và khả năng áp dụng tin học hóa cũng chưa đáp ứng được yêu cầu hội nhập.

Với những khó khăn này, theo bà làm thế nào để phát triển đội ngũ nữ doanh nhân về cả về số lượng và chất lượng thời gian tới?

Cũng theo Báo cáo nghiên cứu “Kinh doanh tại Việt Nam: Đánh giá của các doanh nghiệp do phụ nữ làm chủ”, tỷ lệ phụ nữ mong muốn khởi nghiệp cao hơn nam giới 4%. Một nghiên cứu khác của Facebook cũng cho thấy, trung bình cứ 5 phụ nữ thì 4 người có mong muốn khởi nghiệp, thành lập doanh nghiệp. Điều này cho thấy, phụ nữ Việt Nam có tinh thần khởi nghiệp rất cao.

Tuy nhiên, nếu chỉ có sự nỗ lực của phụ nữ là chưa đủ, mà cần có sự “nỗ lực” của chính sách. Để trao quyền cho phụ nữ thực chất hơn, cần có chính sách hỗ trợ doanh nghiệp nữ tăng quy mô, tăng tính đại diện của doanh nghiệp nữ trong đó có việc tăng tỷ lệ doanh nghiệp nữ trong tổng số doanh nghiệp.

Đồng thời, cần có chính sách tăng cường vai trò của các nữ doanh nhân trong các hiệp hội kinh doanh nhằm làm cho hoạt động của các hiệp hội này phù hợp hơn với phụ nữ. Từ đó, tạo sự tự tin bước vào thị trường cạnh tranh quốc tế và phát triển doanh nghiệp một cách bền vững.

Về những chính sách phát triển doanh nghiệp, quan trọng nhất vẫn là hỗ trợ về tài chính, kết nối thị trường, kết nối trong chuỗi cung ứng, trước hết là trong nước - sau đó sẽ vươn ra toàn cầu... Những việc làm như vậy sẽ thiết thực và mang tính chất khả thi cao hơn khi mà chúng ta muốn tăng tỷ lệ doanh nghiệp do nữ làm chủ tại Việt Nam.

Thời gian qua, Hội đồng Doanh nhân nữ Việt Nam đã có nhiều hoạt động để hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp như Chương trình nhằm tư vấn, chia sẻ thông tin về Khởi sự kinh doanh và khởi nghiệp, kỹ năng điều hành, quản trị doanh nghiệp; cập nhật thông tin về luật pháp, chính sách liên quan đến hỗ trợ phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa; tạo nền móng cho việc tiến tới xây dựng hệ thống mạng lưới chuyên gia tư vấn về khởi sự kinh doanh, khởi nghiệp và phát triển doanh nghiệp cho các doanh nghiệp do nữ làm chủ.

Nhân ngày 20/10 - ngày Phụ nữ Việt Nam, bà muốn gửi lời chúc gì đến đội nữ doanh nhân Việt?

Với cộng đồng doanh nhân - doanh nghiệp, tháng 10 về ngập tràn niềm vui và cảm xúc khi được sống trong không khí Ngày Doanh nhân Việt Nam (13/10). Với riêng những nữ doanh nhân, niềm vui được nhân đôi khi ý nghĩa và tinh thần của Ngày phụ nữ Việt Nam (20/10).

Nhân dịp này tôi xin tặng một bài thơ tới cộng đồng nữ doanh nhân Việt Nam

“Tự hào phụ nữ Việt Nam

Giỏi giang việc nước, đảm đang việc nhà

Thương trường chèo lái tài ba

Dịch bệnh thảm khốc, xông ra tuyến đầu

Tấm lòng nhân hậu đậm sâu

Nối vòng tay lớn, toàn cầu quan ca”

Xin chúc các nữ doanh nhân nhiều sức khỏe, nhiều niềm vui. Vững tay lái để chèo lái con thuyền doanh nghiệp của mình vững vàng.

Xin cảm ơn bà về những chia sẻ.

Theo Nhịp sống Doanh nghiệp

Đọc tiếp

Cảng Chu Lai phục vụ xuất khẩu nông sản với chi phí tối ưu

Cảng Chu Lai - kết nối nông sản Việt ra thị trường thế giới

Với mục tiêu đưa cảng Chu Lai trở thành trung tâm kết nối logistics, thúc đẩy tiêu thụ, xuất khẩu nông sản trong nước, Công ty Giao nhận Vận chuyển Quốc tế Trường Hải (THILOGI) đã triển khai nhiều giải pháp nhằm kết nối hoạt động giao nhận vận chuyển đường bộ - cảng biển - đường biển, tối ưu hóa chuỗi giá trị xuất khẩu nông sản.

ĐHĐCĐ thường niên năm 2024 của Tập đoàn Đất Xanh

ĐHĐCĐ Đất Xanh: Tập trung hoàn thiện pháp lý 8 dự án lớn, huy động 3.500 tỷ thông qua chào bán cổ phiếu

Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Đất Xanh – ông Lương Trí Thìn cho rằng, thị trường bất động sản năm 2024 đã xuất hiện nhiều tín hiệu tích cực, Đất Xanh dự kiến hoàn thiện pháp lý 8 dự án trọng điểm quy mô lớn, chuẩn bị nguồn 20.000 sản phẩm tại các khu vực đông dân cư như TP. Hồ Chí Minh, Bình Dương, Đồng Nai.

Nhịp cầu doanh nghiệp

Chat với BizLIVE