Tín dụng bất động sản tiếp tục có tốc độ tăng trưởng cao so với bình quân, trong khi cho vay chứng khoán lại giảm rất mạnh, theo thông tin từ Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Nguyễn Thị Hồng trong báo cáo vừa gửi Quốc hội.
Đây là báo cáo về kết quả thực hiện Nghị quyết số 62/2022/QH15 về hoạt động chất vấn, Nghị quyết số 63/2022/QH15 về Kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XV.
Báo cáo nêu rõ, căn cứ định hướng tăng trưởng tín dụng toàn hệ thống năm 2022 khoảng 14% có điều chỉnh phù hợp với diễn biến tình hình thực tế, NHNN điều hành tín dụng hỗ trợ phục hồi kinh tế, đáp ứng đủ, kịp thời vốn cho sản xuất kinh doanh nhưng không chủ quan với rủi ro lạm phát; chỉ đạo các tổ chức tín dụng (TCTD) tăng trưởng tín dụng an toàn, hiệu quả, hướng tín dụng vào các lĩnh vực sản xuất kinh doanh, lĩnh vực ưu tiên theo chủ trương của Chính phủ; kiểm soát chặt tín dụng đối với lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro; tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp, người dân tiếp cận tín dụng ngân hàng.
Đến ngày 26/9/2022, tín dụng toàn nền kinh tế đạt khoảng 11,58 triệu tỷ đồng, tăng 10,83% so với cuối năm 2021 - là mức tăng cao so với cùng kỳ nhiều năm gần đây, phù hợp với diễn biến phục hồi của nền kinh tế.
Trong đó, cơ cấu tín dụng tiếp tục tập trung vốn cho lĩnh vực sản xuất kinh doanh, phù hợp với đóng góp và tăng trưởng của các ngành kinh tế trong GDP; tín dụng đối với các lĩnh vực ưu tiên tăng trưởng tốt, cao hơn cùng kỳ năm trước, một số lĩnh vực có mức tăng trưởng cao hơn mức tăng trưởng tín dụng chung; tín dụng đối với các lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro được kiểm soát chặt chẽ.
Cụ thể, tạm tính đến cuối tháng 8/2022, tín dụng ngành nông, lâm, thủy sản tăng 7,56%; tín dụng ngành công nghiệp - xây dựng tăng 7,37%; tín dụng ngành thương mại-dịch vụ tăng 11,34%.
Cũng ở thời điểm này, tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn tăng 9,26%; doanh nghiệp nhỏ và vừa tăng 10,54%; xuất khẩu tăng 2,68%; công nghiệp hỗ trợ tăng 11,6%; doanh nghiệp ứng dụng công nghệ cao giảm 0,28%.
Thống đốc cũng cho biết, đến tháng 8/2022, tín dụng đối với lĩnh vực bất động sản tăng 15,68% so với cuối năm 2021, chiếm 20,92% tổng dư nợ tín dụng toàn hệ thống, trong đó kinh doanh bất động sản tăng 7,35%; phục vụ mục đích tự sử dụng tăng 20,14%; tín dụng để đầu tư, kinh doanh chứng khoán giảm 35,07%, chiếm 0,32%.
Đến 30/6/2022, tín dụng đối với các dự án BOT, BT giao thông giảm 1,72% so với cuối năm 2021, chiếm 0,88%.
Thống đốc cũng cho biết đã triển khai quyết liệt Nghị quyết số 43/2022/QH15 của Quốc hội về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, Nghị quyết số 11/NQ-CP của Chính phủ về chính sách tiền tệ, tài khóa hỗ trợ phục hồi kinh tế. Nhưng kết quả còn khiêm tốn.
Đến cuối tháng 8/2022, doanh số cho vay được hỗ trợ lãi suất đạt hơn 10.700 tỷ đối với gần khoảng 580 khách hàng, dư nợ được hỗ trợ lãi suất đạt khoảng 9.800 tỷ đồng.
Hiện các ngân hàng đang tiếp tục rà soát danh mục khách hàng đáp ứng điều kiện được hỗ trợ lãi suất để đẩy mạnh công tác hướng dẫn khách hàng hoàn thiện thủ tục hỗ trợ lãi suất - Thống đốc báo cáo.
Theo Thống đốc thì vẫn còn tâm lý e ngại của các NHTM khi triển khai thực hiện do một số chương trình hỗ trợ lãi suất (gồm chương trình năm 2009 và một số chương trình hỗ trợ lãi suất từ ngân sách nhà nước) vẫn chưa được quyết toán số tiền đã hỗ trợ cho khách hàng.
Về giải pháp, Thống đốc cho biết sẽ phối hợp các bộ, ngành để chỉnh sửa, giải thích rõ vướng mắc về điều kiện và đối tượng được hưởng chính sách hỗ trợ lãi suất 2%/năm.
Cuối năm 2022, NHNN sẽ đánh giá sơ kết việc thực hiện chính sách này và sẽ đề xuất, báo cáo cấp có thẩm quyền về việc tiếp tục hoặc điều chỉnh chính sách cho phù hợp thực tiễn trong từng giai đoạn.