Định vị thị trường
Thị trường chứng khoán Mỹ sau cuộc họp điều trần của chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) đang trong giai đoạn hấp thụ các thông tin về số liệu việc làm. Các nỗ lực cân bằng vẫn chưa đủ chặn lại nhịp điều chỉnh các chỉ số chứng khoán. Trong đêm qua, các chỉ số lại giảm điểm khá mạnh với Dow Jones giảm 1,65%, Nasdaq Composite giảm 2,05% còn S&P 500 giảm 1,84%.
Sắc đỏ vẫn đang là gam màu chính tại các thị trường chứng khoán châu Á trong đó các chỉ số chứng khoán tích cực nhất như TWSE, CSI 300, KOSPI còn áp lực giảm trên 1%. Chướng ngại của từ xu hướng chung đã được VN-Index vượt trong các phiên gần đây nhưng có thể sẽ khó khăn hơn khi lên các vùng điểm cao hơn. Từ khu vực 1.050 đến 1.010 điểm vẫn đang là một chặng đường gian nan.
Chất xúc tác
Đã có khoảng 180 tỷ đồng của nhà đầu tư ngoại đổ vào cả thị trường trong phiên giao dịch hôm qua, qua đó khối này có phiên mua ròng thứ 3 liên tiếp. Nhà đầu tư ngoại đã trở lại với thói quen giải ngân mạnh tay trong phiên chiều khiến cho các phiên sáng thường trở nên ít được chú ý hơn.
Tuy nhiên, ở sáng nay, đã có 120 tỷ đồng được đổ vào thị trường với điểm đến là các mã Bluechips như HPG, VHM, VNM, MSN, SSI nhận được trên 10 tỷ đồng. Quy mô khá đồng đều và lại là các cổ phiếu vốn hóa lớn nên đây có thể là dấu hiệu của tiền từ ETFs. Thực tế, trong 3 phiên có tiền ngoại vừa qua, các mã được mua vào không cho thấy rõ điều này.
Theo thống kê, các quỹ ETFs trong ngày hôm qua không nhận được tiền, thậm chí còn bị rút ròng nhẹ như các trường hợp của Ishare (-2,6 triệu USD), E1VFVN30 (-0,3 triệu USD) và FUESSVFL (-0,3 triệu USD).
Cùng với dòng tiền ngoại, tiền nội cũng cần phải duy trì được sự hứng khởi đã làm được trong 2 phiên vừa qua. Trong cả 2 phiên, thanh khoản của HOSE đều vượt bình quân 20 phiên. Tính đến cuối phiên sáng, giá trị giao dịch dù đang sụt giảm so với phiên hôm qua nhưng vẫn đang duy trì khá sát mức bình quân 1 tháng dựa trên cùng thời điểm.
Vận động nhóm ngành
Thị trường đã có thêm nhiều câu chuyện nhưng để vượt qua được bài toán T+ lại không phải điều dễ dàng. Nhóm cổ phiếu Du lịch, Hàng không và Bán lẻ đang đối mặt với áp lực chốt lời nhẹ như DGW (-0,7%), SKG (-0,3%), VJC (-2,2%) trong khi chỉ còn lại HVN (+4,1%) tăng giá.
Tương tự là các nhóm Bất động sản, Chứng khoán với DXG (-0,4%), DIG (-2,1%), GEX (-1,2%), NLG (-1,8%), SSI (-1,2%), VND (-1,7%), HCM (-2,2%). Kể cả nhóm Ngân hàng cũng đang có hàng loạt mã giảm giá như BID (-1%), CTG (-1,4%), CTG (-1,7%), TCB (-1,8%), SHB (-1,9%)…
Vận động của hầu hết các cổ phiếu đang theo chiều giảm có thể đến từ việc xu hướng chung của chứng khoán thế giới nhưng cũng còn lý do rung lắc trước kỳ đáo hạn phái sinh tháng 3. Tuần tới vào ngày 16/3, VN30F2303 sẽ đáo hạn.
Trước mắt, nhịp giảm của chỉ số đang mang tính kiểm tra lại tâm lý chung. VN-Index so với các chỉ số khu vực vẫn có mức điều chỉnh hẹp hơn, mất 0,75% xuống 1.047,98 điểm. Giá trị giao dịch sàn đạt 3.848 tỷ đồng.
Các chỉ số HNX-Index và UPCoM-Index đều giảm nhẹ cuối phiên sáng, lần lượt mất 0,71% và 0,04%. Tổng giá trị giao dịch 2 sàn đạt hơn 700 tỷ đồng.