Phiên giao dịch ngày thứ Sáu, giá dầu tăng hơn 1USD/thùng và như vậy có tuần tăng giá mạnh nhất tính từ tháng 10/2022 khi mà đồng USD rớt xuống ngưỡng thấp nhất trong 7 tháng, ngoài ra xuất hiện thêm nhiều chỉ báo cho thấy nhu cầu dầu từ nước nhập khẩu dầu lớn nhất thế giới Trung Quốc tăng cao.
Đóng cửa phiên giao dịch, giá dầu Brent giao hợp đồng tương lai ở mức 85,28USD/thùng, tăng 1,25USD/thùng tương đương 1,5% trên thị trường London. Thị trường New York, giá dầu thô ngọt nhẹ WTI tăng phiên thứ 7 liên tiếp và đóng cửa ở mức 79,86USD/thùng, mức tăng ghi nhận 1,47USD tương đương 1,9%.
Giá dầu Brent tăng 8,6% trong tuần này còn giá dầu WTI tăng 8,4% trong cùng thời gian trên, như vậy cả hai loại giá dầu đã lấy lại phần lớn mức sụt giảm của các tuần trước đó.
Chỉ số đồng USD giảm xuống mức thấp bởi những kỳ vọng vào khả năng Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) sẽ hãm tốc độ nâng lãi suất.
Đồng USD yếu thường khiến cho nhu cầu dầu tăng cao hơn, chính vì vậy người mua sở hữu các loại tiền tệ khác thường được mua dầu rẻ hơn.
Các đợt mua vào dầu gần đây của Trung Quốc và việc người dân nước này sử dụng các phương tiện giao thông công cộng nhiều hơn đang khiến cho nhiều người tin rằng sự phục hồi của nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới sẽ diễn ra mạnh hơn sau khi giới chức mở cửa biên giới và nới lỏng các biện pháp kiểm soát kinh tế sau các cuộc biểu tình vào năm ngoái.
“Mọi người đều đang nhìn vào các chỉ số đi lại của người dân Trung Quốc và rõ ràng đang định hướng tăng lên, nó phát đi thông điệp rằng nhu cầu dầu hồi phục và vì vậy hỗ trợ cho giá cả”, chuyên gia tại ngân hàng UBS - ông Giovanni Staunovo khẳng định.
“Yếu tố tiếp theo cần phải quan sát chính là nếu sự mở cửa của Trung Quốc dẫn đến nhập khẩu dầu Trung Quốc tăng lên và nếu các cơ quan năng lượng như IEA hay OPEC điều chỉnh dự báo về nhu cầu dầu của nước này”, ông Staunovo nói.
Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) và các nước đồng minh trong đó có Nga sẽ có cuộc họp vào tháng 2/2023 để đánh giá về điều kiện thị trường, ngoài ra hiện có những lo lắng về khả năng nhóm này sẽ có thể tiếp tục cắt giảm sản lượng để nâng giá sau nhiều đợt suy giảm gần đây.
“Chúng ta đã có 7 phiên tăng của giá dầu, tuy nhiên chúng ta vẫn không đạt đến mức giá mà sau đợt OPEC+ cắt giảm sản lượng lần gần nhất”, chuyên gia phân tích thuộc ngân hàng Mizuho – ông Robert Yawger chỉ ra.
Vào tháng 10/2022, OPEC+ đã thông báo đợt cắt giảm sản lượng 2 triệu thùng dầu/ngày khi mà giá dầu toàn cầu rơi xuống dưới ngưỡng 90USD/thùng.
Tiêu thụ dầu của Trung Quốc dự kiến lập kỷ lục trong năm nay khi mà nước nhập khẩu dầu lớn nhất thế giới này thực sự thoát khỏi chính sách không COVID-19, nó khiến cho triển vọng nhu cầu dầu toàn cầu cải thiện và hỗ trợ cho giá cả.
Nhu cầu hàng ngày, sau khi giảm trong năm ngoái, sẽ tăng khoảng 800.000 thùng/ngày trong năm 2023, theo tính toán của nhiều chuyên gia tham gia khảo sát của Bloomberg. Như vậy tiêu thụ dầu của Trung Quốc sẽ ở ngưỡng cao kỷ lục khoảng 16 triệu thùng dầu/ngày, kết quả khảo sát cho hay.
Diễn biến của giá dầu thô trong năm vừa qua chịu ảnh hưởng nhiều từ Trung Quốc cũng như những quyết định của nhóm liên minh sản xuất dầu OPEC+, các biện pháp trừng phạt với Nga và chính sách tiền tệ của các nước lớn trên thế giới. Nhiều thành viên trên thị trường năng lượng tính toán về dự báo của họ dựa trên tăng trưởng nhu cầu từ Trung Quốc.
“Sự phục hồi về nhu cầu dầu của Trung Quốc dự kiến sẽ tăng lên từ quý 2/2023 khi mà hoạt động đi lại phục hồi và số lượng chuyến bay tăng lên, đặc biệt những chuyến bay quốc tế, đang phục hồi”, chuyên gia tại Wood Mackenzie – ông Yitian Lin dự báo nhu cầu hàng ngày sẽ tăng ước tính khoảng 970.000 thùng.
Một số thành viên thị trường khác cũng đang kỳ vọng về khả năng tiêu thụ dầu hồi phục. Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA), tổ chức tư vấn cho nhiều nền kinh tế lớn trên thế giới, dự báo rằng nhu cầu dầu toàn cầu sẽ tăng khoảng 1,7 triệu thùng/ngày trong năm 2023 bởi viện dẫn đến yếu tố Trung Quốc và Ấn Độ trong báo cáo triển vọng tháng 12/2022 của tổ chức này.