
Định vị thị trường
Rủi ro từ thị trường chứng khoán Mỹ vẫn gắn chặt với vận động các chỉ số chứng khoán châu Á. Phiên hôm qua, các chỉ số S&P 500 (-3,46%), Dow Jones (-2,5%), NASDAQ (-4,31%) dù đã thu hẹp đà giảm trong phiên nhưng kết quả điểm số vẫn phản ánh những áp lực lớn.
Điều này dẫn đến chứng khoán châu Á nhanh chóng xuất hiện phân hóa sau một phiên hồi phục ấn tượng. Các chỉ số NIKKEI 225 (-2,96%), KOSPI (-0,5%) quay đầu giảm điểm trong khi TWSE (+2,78%), NIFTY 50 (+2,04%) cùng tăng trên 2%.
Với thị trường chứng khoán Việt Nam, vận động từ chứng khoán quốc tế đã khiến sự hồi phục quyết liệt của phiên hôm qua không còn được duy trì trong phiên sáng. Chỉ tới phiên chiều, thị trường mới có lực kéo mạnh mẽ hơn giúp VN-Index tăng 4,63%, thành tích vượt xa các chỉ số khu vực.
Chất xúc tác
Lực mua dù vẫn đang mạnh nhưng bên bán ra đã xuất hiện trở lại giúp cho cung cầu trên thị trường có sự gặp nhau mạnh mẽ hơn so với phiên hôm qua. Khớp lệnh của HOSE đã tăng hơn 6 lần lên 1.698 triệu đơn vị - một trong những mức thanh khoản lịch sử của thị trường.

Đáng chú ý, nhà đầu tư nước ngoài cũng tích cực tham gia giải ngân vào thị trường với quy mô gần 1.000 tỷ đồng. Chiều mua vào, các mã HPG (+414,58 tỷ đồng), MBB (+246 tỷ đồng), VIC (+160 tỷ đồng), ACB (+152 tỷ đồng), FPT (+117 tỷ đồng), TCB (+112 tỷ đồng), MWG (+111 tỷ đồng) đều được phân bổ hơn 100 tỷ đồng.
Với hoạt động của nhà điều hành, các phiên bơm ròng đang diễn ra khá đều. Trong ngày hôm qua, Ngân hàng Nhà nước bơm ròng 6.733,51 tỷ đồng ra thị trường qua nghiệp vụ thị trường mở. Trạng thái giao dịch có 108.968,84 tỷ đồng lưu hành trên kênh cầm cố; không có tín phiếu lưu hành trên thị trường.
Hiện tỷ giá trong nước đang được hỗ trợ hạ nhiệt khi chỉ số DXY - đo lường sức mạnh của USD, giảm xuống dưới 100 điểm. Giá bán USD trên thị trường đang xuống gần 26.000 VND/USD.
Vận động thị trường
Như đã đề cập, cung cầu trên thị trường đã gặp nhau thay vì tình trạng "trắng bên bán" như phiên hôm qua. Tại VN30, các mã GAS, MWG, STB, VIC, HPG đóng cửa dư mua giá trần. Trong đó, HPG lọt Top 2 giao dịch của sàn, đạt 1.843 tỷ đồng.
Mã được giao dịch mạnh thị trường là FPT (+5,2%), lên tới 2.235 tỷ đồng. Trong khi đó, nhiều cổ phiếu Ngân hàng cũng ghi nhận giá trị hơn 1.000 tỷ đồng như MBB (+6,35%) giao dịch 1.808 tỷ đồng, STB (+6,92%) giao dịch 1.649 tỷ đồng, TCB (+5,35%) giao dịch 1.254 tỷ đồng.
Trong khi đó, ở chiều ngược, BCM (-1,6%) và GVR (+1,6%) chỉ kịp triệt tiêu áp lực bán để thoát giá sàn. Theo thống kê, quy mô giao dịch của các cổ phiếu VN30 chiếm 57% tổng giá trị giao dịch của toàn HOSE.
Ở nhóm Midcap và Penny, dòng tiền kéo vào mạnh nhất các mã Đầu tư công, Bất động sản . Trong đó, các cổ phiếu Đầu tư công như VCG, HHV, LCG thể hiện được những phản ứng tích cực sau khi có thông tin Ngân hàng Nhà nước tổ chức cuộc họp triển khai gói tín dụng 500.000 tỷ đồng cho vay doanh nghiệp đầu tư hạ tầng và công nghệ số.
Điều này cũng giúp cho các cổ phiếu Bất động sản nhanh chóng đảo chiều tăng mạnh trong phiên chiều. HHS, NVL, NTL đóng cửa tăng trần còn DXG (+6,5%), DIG (+4,4%), HDC (+2,7%), NLG (+5,6%), KDH (+6,2%) đều bật lên mạnh.
Ngoài ra, các mã Chứng khoán, Bán lẻ, Phân bón, Hóa chất như HCM (+5,52%), VIX (+6,73%), VCI (+5,99%), DGW (+7%), FRT (+6,93%), DPM (+6,9%), DCM (+6,86%), DBC (+6,82%), DGC (+6,91%) cũng tăng trần.
Tổng cộng, toàn HOSE có 42 mã tăng trần trong khi sắc xanh phủ trên 60% số mã. Chỉ số VN-Index tăng 54,12 điểm lên 1.222 điểm (+4,63%). Tổng giá trị giao dịch toàn sàn đạt 38.161 tỷ đồng tương đương 1.734,9 triệu đơn vị.
HNX-Index tăng 2,41% còn UPCoM-Index tăng 0,44%. Tổng giá trị giao dịch 2 sàn đạt hơn 3.500 tỷ đồng.