Thị trường chưa vội nghĩ đến mốc 1.300 điểm
Thị trường hồi phục tích cực cùng với sự xuất hiện của nhóm ngành dẫn sóng nhưng các chuyên gia đều cho rằng động lực bứt phá vẫn chưa xuất hiện.
Thị trường hồi phục tích cực sau 2 tuần giảm điểm
Ông Bùi Văn Huy
Đánh giá về tuần tăng điểm của thị trường chứng khoán, ông Bùi Văn Huy, Giám đốc Chi nhánh TP. HCM của Công ty Chứng khoán DSC cho rằng, sự hồi phục đã diễn ra sau hai tuần liên tiếp điều chỉnh, phản ánh một phần tâm lý tích cực hơn của nhà đầu tư trong bối cảnh thị trường tiến vào giai đoạn cuối năm. Đây thường là thời điểm dòng tiền được kích hoạt nhờ nhiều yếu tố như kỳ vọng vào kết quả kinh doanh quý IV/2024, chính sách hỗ trợ kinh tế. Đặc biệt là định giá hợp lý sau giai đoạn điều chỉnh mạnh trong quý III, nhiều cổ phiếu đã quay về vùng giá hấp dẫn, thu hút dòng tiền mới.
Tuy nhiên, cũng không thể bỏ qua những yếu tố bất định có thể ảnh hưởng đến đà tăng, như động thái của khối ngoại trước áp lực lãi suất đồng USD, biến động địa chính trị toàn cầu, và diễn biến của giá dầu. Nhìn chung, thị trường cuối năm 2024 có thể tiếp tục biến động trong biên độ nhất định, nhưng xu hướng chủ đạo vẫn là tích cực nếu không có sự kiện lớn bất ngờ.
Trong khi đó, ông Đoàn Minh Tuấn, Trưởng phòng phân tích FIDT lưu ý về vận động thị trường trong bối cảnh tỷ giá vẫn còn nóng. Cụ thể, trong hơn 10 ngày qua, mặc dù tỷ giá vẫn duy trì ở ngưỡng tiệm cận mức trần, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã tạm dừng việc bán USD. Động thái này không chỉ thể hiện sự thận trọng trong việc bảo vệ nguồn dự trữ ngoại hối mà còn phản ánh dấu hiệu giảm nhiệt của nhu cầu thanh khoản USD trên thị trường. Trong bối cảnh đó, VN-Index vẫn ghi nhận một số tín hiệu tích cực từ nhóm Ngân hàng.
Cổ phiếu Ngân hàng nổi lại "sóng" trong những phiên cuối năm
Ông Đinh Quang Hinh, Trưởng bộ phận vĩ mô và chiến lược thị trường, Công ty cổ phần chứng khoán VNDIRECT lưu ý đà tăng giá chỉ diễn ra “cục bộ” ở một số nhóm ngành như Ngân hàng và Đầu tư công trong khi mức độ lan tỏa chưa cao khi dòng tiền trên thị trường vẫn chưa có dấu hiệu nhập cuộc một cách mạnh mẽ.
Ông Đinh Quang Hinh
Trong đó, nhóm Ngân hàng đang “nỗ lực về đích tăng trưởng tín dụng trong những ngày cuối năm”. Diễn biến đồng đô la (DXY) đã chững lại trong tuần qua giúp tỷ giá USD/VND liên ngân hàng “tạm thời hạ nhiệt” và giảm xuống dưới ngưỡng can thiệp của NHNN. Điều này tạo điều kiện để NHNN bơm trở lại lượng lớn thanh khoản (khoảng hơn 70.000 tỷ đồng) cho hệ thống ngân hàng trong phiên 23/12/-26/12, đảo ngược lại gần như hoàn toàn mức hút ròng gần 71.500 tỷ đồng trong tuần trước đó. Nhiều cổ phiếu ngân hàng đã chứng kiến đà tăng giá ấn tượng và là động lực chính thúc đẩy xu hướng đi lên của các chỉ số chứng khoán.
Còn ông Bùi Văn Huy, Giám đốc Chi nhánh TP.HCM của Công ty Chứng khoán DSC cho rằng cổ phiếu Ngân hàng đang là tâm điểm của thị trường với nhiều mã phá kỷ lục giá trong thời gian qua. Đây không chỉ là kết quả của hiệu ứng "sóng ngành" mà còn xuất phát từ các yếu tố nội tại tích cực như tăng trưởng tín dụng ổn định, kiểm soát tốt nợ xấu, chất lượng tài sản của các ngân hàng cải thiện đáng kể khi nợ xấu được xử lý hiệu quả và dự phòng rủi ro được tăng cường.
Dù vậy, nhà đầu tư cũng cần lưu ý rằng mức định giá của nhiều cổ phiếu ngân hàng hiện đã tiệm cận vùng cao, làm tăng nguy cơ điều chỉnh trong ngắn hạn. Lựa chọn cổ phiếu cần dựa vào tiềm năng tăng trưởng dài hạn và sức khỏe tài chính thay vì chỉ chạy theo xu hướng tăng giá. Nhóm ngành ngân hàng cũng sẽ phân hóa theo chất lượng tài sản.
Với ông Đoàn Minh Tuấn, Trưởng phòng phân tích FIDT, thị trường có sự phân hóa giữa các ngành đang rõ nét, với chỉ Ngân hàng và Đầu tư công thể hiện tích cực, trong khi các ngành khác như Bất động sản, Chứng khoán, Thép, v.v. chịu áp lực điều chỉnh. Nhìn chung, điều kiện toàn cầu tiếp tục ảnh hưởng tiêu cực đến VNINDEX.
Tuần qua cũng được xem như một tuần "nghỉ ngơi" của khối ngoại, khi lực bán từ nhóm này gần như không xuất hiện, ngay cả trong bối cảnh áp lực tỷ giá vẫn duy trì ở mức cao. Điều này có thể phản ánh xu hướng "chốt NAV" cuối năm của các quỹ đầu tư, cả nội địa lẫn quốc tế, khi thị trường bước vào kỳ nghỉ lễ sớm.
Chưa tìm được động lực chinh phục 1.300 điểm
Thị trường hồi phục tích cực cùng với sự xuất hiện của nhóm ngành dẫn sóng nhưng các chuyên gia đều cho rằng động lực bứt phá vẫn chưa xuất hiện.
Ông Đoàn Minh Tuấn
Ông Đoàn Minh Tuấn, Trưởng phòng phân tích FIDT, cho rằng nhà đầu tư cá nhân trong nước vẫn còn tâm lý thận trọng, có phần tiêu cực trước các yếu tố rủi ro như thanh khoản thị trường và áp lực tỷ giá. Nhìn chung, để thị trường có thể chuyển sang xu hướng ổn định và tích cực hơn, cần chờ đợi một sự đảo chiều rõ rệt từ các yếu tố áp lực toàn cầu.
Ông Bùi Văn Huy, Giám đốc Chi nhánh TP.HCM của Công ty Chứng khoán DSC dự báo trong ngắn hạn, thị trường có thể tiếp tục dao động trong một vùng giá nhất định với sự phân hóa mạnh mẽ giữa các nhóm cổ phiếu. Cũng cần lưu ý một số rủi ro tiềm ẩn: áp lực chốt lời sau nhịp tăng điểm, Đồng USD tăng giá và chính sách lãi suất của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) vẫn là mối lo lớn. Nếu dòng vốn ngoại tiếp tục bị rút ra khỏi các thị trường mới nổi, trong đó có Việt Nam, thị trường sẽ chịu sức ép không nhỏ.
Ông Đinh Quang Hinh, Trưởng bộ phận vĩ mô và chiến lược thị trường, Công ty cổ phần chứng khoán VNDIRECT đánh giá xác suất thị trường sớm vượt qua được vùng kháng cự 1.300 điểm không cao, đặc biệt trong bối cảnh áp lực tỷ giá vẫn “chực chờ” và thị trường thiếu vắng thông tin hỗ trợ đủ mạnh. Do đó, nhà đầu tư nên tận dụng những phiên tăng điểm để giảm đòn bẩy và hạ bớt tỷ trọng cổ phiếu về ngưỡng an toàn, hạn chế giải ngân mới để giảm thiểu rủi ro.