9 mã Ngân hàng đã phá kỷ lục tổng cộng 138 lần
Ở phiên giao dịch thứ 246 của thị trường chứng khoán Việt Nam trong năm 2024 (25/12), nhà đầu tư vừa được chứng kiến 4 mã đóng cửa ở mức giá kỷ lục trong cùng 1 ngày là CTG (+5,52%), HDB (+2,1%), LPB (+2,1%) và STB (+4,47%).
Sự chú ý đã tập trung cho các mã CTG và STB nhờ khả năng hút tiền ấn tượng. Giá trị giao dịch của CTG và STB cùng đứng đầu toàn thị trường, đạt 954 tỷ đồng và 873 tỷ đồng.
Tính riêng trong tháng 12/2024, nhóm cổ phiếu Ngân hàng đang có 8 lần phá kỷ lục giá đóng cửa. Tuy nhiên, 2 cổ phiếu có thành tích tăng chậm hơn trong phiên 25/12 là HDB và LPB mới đang có số lần lập kỷ lục nhiều nhất, đều là 3 lần.
Xét về thành tích tăng giá, LPB là mã vượt trội nhất ngành Ngân hàng với hiệu suất đạt 117,46%. Trong khi đó, HDB đang đứng thứ 3 trong danh sách về khả năng sinh lời (+47,1%).
Tuy nhiên, nếu chỉ xét riêng về số lần lập kỷ lục giá trong năm 2024, LPB và HDB vẫn ngang nhau với 32 lần.
Tổng cộng, các cổ phiếu Ngân hàng đang có 9 mã phá kỷ lục trong năm 2024 với tổng cộng 138 lần. Trong đó STB là gương mặt mới nhất vừa góp mặt vào danh sách.
Động lực hỗ trợ các cổ phiếu Ngân hàng tiếp tục đi lên
Với cổ phiếu LPB, Công ty chứng khoán BIDV (BSC) gần đây đã đánh giá LPB có đủ điều kiện lọt vào rổ chỉ số VN30 danh giá, có khả năng thay thế cổ phiếu POW trong kỳ đánh giá tháng 1/2025 nếu LPB duy trì mức vốn hóa hiện tại trong hơn 60 phiên giao dịch còn lại của quý IV/2024.
Còn HDB vừa chốt quyền trả cổ tức bằng cổ phiếu tỷ lệ 20% vào ngày giao dịch không hưởng quyền vào ngày 11/12. Trong khi đó, một lãnh đạo Ngân hàng là ông Phạm Quốc Thanh, Thành viên HĐQT kiêm Tổng Giám đốc HDBank cũng vừa mua vào thành công 959.800 cổ phiếu HDB.
Trong khi đó, STB hiện đang ở chặng cuối của quá trình tái cơ cấu. Để "về đích", STB cần giải quyết và xử lý khoản nợ xấu được bảo đảm bằng 32,5% vốn của nhóm ông Trầm Bê đang được VAMC nắm giữ. Hiện phương án đấu giá đã được trình lên Ngân hàng Nhà nước (NHNN).
Theo lộ trình đã được đặt ra, STB sẽ hoàn tất đề án tái cơ cấu trong năm 2025 do đó những vận động của giá cổ phiếu và các thông tin liên quan đến đấu giá 32,5% cổ phần STB sẽ luôn có sức hút với nhà đầu tư.
Cuối cùng là CTG - ngân hàng nằm trong nhóm ngân hàng Big 4 đã được Quốc hội thông qua chủ trương giữ lại lợi nhuận để bổ sung vào vốn điều lệ. CTG có thể sẽ triển khai sớm việc tăng vốn điều lệ lên khoảng 74,2 nghìn tỷ đồng trong giai đoạn tới.
Động thái của CTG cùng các ngân hàng lớn có thể khuấy động cuộc đua tăng vốn mới của ngành Ngân hàng. Tuy nhiên, đây là những diễn biến cần thiết để chuẩn bị cho việc đáp ứng Basel III và việc Ngân hàng Nhà nước sẽ sớm bỏ cơ chế room tín dụng.