Trong năm 2024, tỷ giá trong nước đã có biến động khó lường với xu hướng chủ đạo là đồng USD lên giá so với VND, tuy nhiên mức mất giá của tiền đồng đã được thu hẹp vào cuối năm. Ông bình luận như thế nào về tính chất khó lường của tỷ giá? Theo ông, đâu là yếu tố đã hỗ trợ đồng VND trong thời gian qua?
Thời gian vừa qua tỷ giá VND đã có những biến động mạnh so với thời gian trước đây, tuy nhiên chúng ta cũng thấy tỷ giá VND biến động ít hơn nhiều so với tỷ giá của các đồng tiền khác.
Trong thời gian vừa qua có những lúc đồng VND biến động tới 7- 8% so với đồng USD, nhưng tới cuối năm thì thu hẹp còn khoảng 3%, rõ ràng ở đây việc điều hành tỷ giá rất quan trọng, khi giúp nâng vị thế của VND và tăng thu hút đầu tư nước ngoài, cũng như đẩy mạnh hoạt động xuất, nhập khẩu một cách chủ động.
Tới thời điểm này, có thể nói, Ngân hàng Nhà nước đã thực hiện tương đối hiệu quả các biện pháp để vừa ghìm cương tỷ giá, vừa đảm bảo mặt bằng lãi suất hợp lý, hỗ trợ doanh nghiệp phục hồi sản xuất kinh doanh. Theo ông, các cân đối vĩ mô khác như thặng dư thương mại, lạm phát... hỗ trợ các biện pháp điều hành của Ngân hàng Nhà nước như thế nào? Và chúng ta có còn nhiều dư địa áp dụng hiệu quả các biện pháp tương tự trong thời gian sắp tới?
Chúng ta biết rằng từ năm 2022 đến nay, Ngân hàng Nhà nước đã điều hành một cách rất chủ động, tích cực tỷ giá hối đoái, lãi suất, từ đó làm cho tỷ giá hối đoái cũng như lãi suất phù hợp, hỗ trợ quá trình hồi phục và phát triển của các doanh nghiệp, và trên cơ sở đó hỗ trợ quá trình phục hồi, ổn định kinh tế vĩ mô.
Ngân hàng Nhà nước đã điều hành tỷ giá hối đoái bằng nhiều biện pháp, từ việc năm 2022 chúng ta nâng lãi suất lên theo yêu cầu để giảm áp lực tỷ giá, cho đến việc chúng ta cho vay qua đêm với giá rẻ để các ngân hàng có khả năng điều tiết, hay việc nâng ngưỡng định mức dao động giữa các đồng tiền từ 3 - 5%, rồi đến việc bán ngoại tệ ra thị trường để ổn định tỷ giá hối đoái… Rõ ràng với các biện pháp như vậy đã tác động tốt đến kinh tế vĩ mô.
Và suốt từ những năm trước đây, kể cả trong giai đoạn nền kinh tế gặp khó khăn do COVID-19, hay khó khăn do Mỹ tăng lãi suất để giảm lạm phát, thì rõ ràng qua việc điều hành tỷ giá hối đoái nêu trên, giải ngân vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài vào Việt Nam thời gian qua vẫn tăng mạnh.
Trong năm 2024, việc bình ổn thị trường vàng, ngăn chặn vàng nhập lậu qua biên giới được đánh giá đã giảm áp lực về nhu cầu đô la Mỹ tại thị trường phi chính thức trong nước. Việc quản lý tốt thị trường đô la Mỹ phi chính thức có tác động như thế nào tới việc ổn định tỷ giá đô la Mỹ/tiền đồng, thưa ông?
Luôn có một mối quan hệ rất chặt chẽ giữa thị trường Đôla Mỹ chính thức và phi chính thức. Rõ ràng khi áp lực ngoại hối lớn thì việc đầu cơ mua - bán USD sẽ gây áp lực lên thị trường chính thống.
Với sự điều chỉnh phù hợp của Ngân hàng Nhà nước bằng việc thả tỷ giá trung tâm gần với tỷ giá thị trường thì lập tức hết ngay việc mua bán ngoại hối của các nhà nhà đầu cơ, từ đó chúng ta điều chỉnh được tỷ giá ổn định. Rõ ràng việc quản lý tốt thị trường vàng và thị trường phi chính thức cũng là một trong những tác nhân giúp việc quản lý thị trường tỷ giá hối đoái ổn định hơn và tốt hơn.
Theo ông, thị trường tiền tệ Việt Nam năm 2025 sẽ phải chịu những lực cản nào? Đâu sẽ là yếu tố tạo áp lực điều hành lên Ngân hàng Nhà nước?
Năm 2025, tôi nghĩ áp lực lên tỷ giá đồng USD vẫn sẽ còn kéo dài với việc chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump có thể sẽ thực hiện tăng thuế với hàng hóa nhập khẩu, từ đó giá trị của đồng USD sẽ tăng lên so với đồng tiền khác trên thế giới. USD lên giá sẽ tạo ra áp lực về tỷ giá với đồng VND.
Chúng ta đã có nhiều kinh nghiệm, nên tôi cho rằng trong năm 2025 Ngân hàng Nhà nước vẫn sẽ chủ động thực hiện việc điều hành tỷ giá hối đoái một cách linh hoạt, với các công cụ đa dạng, để từ đó giảm thiểu những biến động đột biến có thể tác động đến thị trường
Ông dự báo ra sao về mức biến động của tỷ giá trong năm 2025? Những yếu tố nào sẽ chi phối tỷ giá năm 2025? Áp lực tỷ giá sẽ tác động tới lãi suất như thế nào?
Theo tôi, biến động tỷ giá năm 2025 cũng chỉ nằm trong khoảng 2-3% so với đồng USD, nếu ta vẫn tiếp tục thực hiện những chính sách như hiện nay.
Chúng ta biết rằng cùng với việc tăng trưởng sản xuất kinh doanh và tỷ giá thì hiện nay lãi suất của chúng ta đang có sức ép phải tăng. Hy vọng trong năm 2025, lãi suất có thể chỉ tăng nhẹ trong khoảng 0,5% đến 0,75%.
Cảm ơn ông về những chia sẻ!