Tâm điểm chứng khoán: Câu chuyện đi bằng một chân rưỡi của doanh nghiệp

Chuyên gia cho rằng, bên cạnh cổ phiếu được quan tâm thì thị trường trái phiếu cũng cần phải được chú trọng phát triển.
Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Mới đây, tại tọa đàm về thị trường chứng khoán được tổ chức đã ghi nhận nhiều nhận định về thị trường chứng khoán, giải pháp đề xuất được các chuyên gia nêu lên nhằm phát triển thị trường bền vững…

Doanh nghiệp Việt đang đi trên một chân rưỡi

Ông Lê Quang Minh, Giám đốc Phân tích đầu tư, CTCK Mirae Asset (MAS)

Trước 2020, thị trường chứng khoán một số nước chưa có tính liên kết, tương quan mạnh mẽ. Từ năm 2020 đến nay, chứng khoán thế giới và Việt Nam vận động tương đồng trong một xu thế.

Chứng khoán thế giới ảnh hưởng tới Việt Nam hay không? Tôi cho là có, là chỉ báo sớm cho sự vận động của chứng khoán Việt Nam dù sự tương quan giữa các thị trường không phải lúc nào cũng liền mạch.

Tại sao chứng khoán Việt Nam giảm sốc? Một phần do các chính sách lành mạnh hoá thị trường, nhưng nếu không có các sự kiện đó thì khả năng chứng khoán vẫn giảm theo xu thế chung. Giai đoạn bước vào COVID, thời kỳ GDP tăng trưởng âm nhưng chứng khoán được bệ đỡ lớn, từ chính sách nhà nước. Khi COVID đi qua, những tháng đầu năm bắt đầu thấy hậu quả, GDP phục hồi, kinh tế phục hồi và chứng khoán bắt đầu đi xuống.

Cách đây 2 năm, tôi đã dự báo chứng khoán nhờ COVID-19 đi lên thế nào thì COVID ra đi xuống như thế đó.

Sự sụp đổ nhận diện ở đâu? Đầu tiên là về thanh khoản. Có sự khác biệt lớn TTCK Mỹ, Hàn và Việt Nam. Trước tiên là về thanh khoản, thị trường chứng khoán Mỹ thanh khoản không giảm nhưng giá giảm; ở Việt Nam thanh khoản giảm và giá giảm mạnh. Theo quan sát, so với cùng kỳ tổng phương tiện thanh toán M2 tăng khoảng 1% nhưng tiền gửi khu dân cư tăng tới 3%, tức tiền rút đâu đó về tiết kiệm cất trữ. Những nhà đầu tư tinh tế theo dõi chính sách vĩ mô có thể thấy tiền đã được cất đi từ tháng 2. Đây là sự khác biệt trong thanh khoản giữa 2 thị trường, làm cho thị trường Việt Nam giảm sốc so với các thị trường khác.

Làm sao để đầu tư an toàn? Nhà đầu tư cần có tầm nhìn dài hạn, có thể là 12 tháng, nếu ngắn quá khi thị trường sập sẽ dễ hoảng loạn.

Nhà nước cần quản lý thông tin chặt chẽ hơn, tránh tin đồn làm ảnh hưởng thị trường đồng thời cung cấp thông tin rõ ràng, minh bạch cho nhà đầu tư biết.

Quy mô thị trường Thái Lan gần 100% GDP thì hiện Việt Nam cũng xấp xỉ đạt được mức này. Nhưng tại thị trường Việt, các doanh nghiệp niêm yết đang đi trên một chân rưỡi trên thị trường chứng khoán. Bởi chứng khoán có 2 chân là cổ phiếu và trái phiếu. Với cổ phiếu hiện tạm ổn nhưng trái phiếu quy mô tương ứng chỉ đạt khoảng 7% GDP, là mức thấp, thậm chí kém phát triển nếu so sánh với Thái Lan đạt 24% GDP.

Như vậy quy mô, room cho sự phát triển thị trường tài chính còn lớn. Điểm tích cực là việc nhà nước thực hiện lành mạnh thị trường trái phiếu sớm như hiện nay. Năm 2021, Trung Quốc có sự kiện đổ vỡ của Evergrande. Chúng ta làm sớm khi thị trường còn nhỏ sẽ giúp tránh hậu quả khi thị trường phát triển lớn hơn, giúp doanh nghiệp thực sự đi trên hai chân để huy động vốn.

Nhà đầu tư lớn có kinh nghiệm đã thoát nhanh

Ông Nguyễn Thế Minh, Giám đốc Khối phân tích khách hàng cá nhân, CTCK Yuanta Việt Nam

Từ đầu năm 2021, chúng tôi đã nhìn được vấn đề tồn tại của thị trường chứng khoán, đã có trao đổi với công ty mẹ ở Đài Loan. Về nguyên nhân thị trường sụt giảm, có 2 yếu tố tính chu kỳ của thị trường và tác động từ chứng khoán quốc tế.

Nếu để ý, thị trường có chu kỳ từ 2013 đến nay, đó là chu kỳ lạm phát dưới 5%. Trong giai đoạn này chia làm các giai đoạn từ 2013-2015, 2016-2019 và 2020 đến hiện tại. 3 giai đoạn này từng có thời điểm chứng kiến PE dưới mức 12 lần, lần này cũng tương tự. Tính chu kỳ cho thấy, cứ 2 năm thị trường tăng nóng thì có năm nguội, gồm giảm chỉ số và thanh khoản. Tính chu kỳ đang lặp lại trong 2022.

Về tác động từ chứng khoán quốc tế, 2 năm qua, Fed đã bơm một lượng lớn trên thị trường, tiền rẻ đã thúc đẩy tăng nóng thị trường. Chỉ số tăng mạnh nhất là Nasdaq. Nhưng khi Fed rút tiền về, tính thời điểm hiện nay, Nasdaq có mức tăng trưởng thấp nhất. Nếu 2021, Việt Nam là thị trường tăng trưởng mạnh nhất thì hiện là thấp ở Top 2, chỉ sau Nasdaq.

Nguyên nhân nội tại thị trường Việt đến từ tốc độ tăng trưởng nóng của thị trường. Tổng tài khoản giao dịch trên thị trường chiếm hơn 5% quy mô dân số, mục tiêu này đặt ra đến 2025 đã đạt được sớm. Ở Đài Loan, họ mất 5 năm để đạt được con số 5% dân số có tài khoản chứng khoán, từ 1987-1990, trước khi có đợt sụt mạnh năm 1990.

Có thể thấy 2020-2021 thị trường Việt tăng trưởng nóng. Nhà đầu mới tham gia thị trường chưa kịp trải nghiệm. Đỉnh điểm, tháng 11,12/2021 xảy ra hiện tượng fomo của nhiều nhà đầu tư F0. Họ đầu tư không theo lý do gì, doanh nghiệp bất động sản làm ăn lỗ nhưng cổ phiếu vẫn tăng mạnh. Họ lao vào như thiêu thân đến lúc rút ra chúng ta thấy bị thua lỗ như vừa qua.

Điểm hay của thị trường lao dốc vừa qua, nhà đầu tư lớn có kinh nghiệm đã thoát nhanh. Như đã đề cập, lượng tiền gửi từ tháng 2 đã rút ra khỏi TTCK. Tôi tạm gọi 20% nhà đầu tư đang chiến thắng, đang để tiền ở dạng tài khoản chưa đổ vào kênh đầu tư khác vì phần lớn kênh đầu tư chưa hấp dẫn. Thị trường sụt mạnh, họ nhìn thấy được cơ hội đến nhanh, đang chờ để quay trở lại.

Thị trường xảy ra hiệu ứng domino phần lớn đến từ sử dụng đòn bẩy lớn của F0. Nhiều nhà đầu tư F0 cưa chân bàn, mua bình quân giá xuống bằng tiền từ margin, điều này góp phần cho đà giảm của thị trường nhanh hơn.

Thống kê cho thấy, giai đoạn 2021 có khoảng 90% giá trị giao dịch trên thị trường từ nhà đầu tư cá nhân nhỏ lẻ, đầu 2022 con số có lúc gần 100% khi nhà đầu tư tổ chức gần như không giao dịch. Vậy có những giải pháp nào để giảm tỷ lệ này, theo hướng tích cực chứ không phải loại bỏ cá nhân ra khỏi cuộc chơi? Tôi cho rằng có một số giải pháp về ngắn và dài hạn.

Thứ nhất, cần đánh giá lại chất lượng hàng hóa niêm yết. Hiện quy mô của thị trường chứng khoán Việt Nam khoảng 220 tỷ USD vốn hóa và có 1.700 mã trên cả 3 sàn, chất lượng hàng hóa thật sự đang đi theo số lượng hơn là chất lượng, ảnh hưởng rất mạnh đối việc nâng hạng thị trường. Do đó, tính chất lượng của thị trường cần phải nâng lên để nâng hạng và ở lại thị trường mới nổi.

Vừa qua, trường hợp của thị trường Pakistan đã bị loại khỏi thị trường mới nổi vì nguyên nhân tối thiểu có 3 cổ phiếu có vốn hóa đạt chuẩn của thị trường mới nổi. Vậy, Việt Nam cần số lượng cổ phiếu có vốn hóa lớn, nói cách khác là tính chất lượng hàng hóa.

Giải pháp ở thị trường Đài Loan đã áp dụng hợp lý, đó là đẩy mạnh sản phẩm ETF. Nhà đầu tư Việt hiện chưa có ý thức đầu tư vào quỹ đầu tư. Nguyên nhân phần lớn chi phí quản lý ETF cao, hơn cả Mỹ, EU. Theo đó, cần chính sách khuyến khích, đưa ra mức phí ETF thấp để thu hút nhà đầu tư dịch chuyển. Cần tăng các quỹ chỉ số như Đài Loan đã làm, sở GDCK có thể liên kết các quỹ FTSE, MSCI, thay vì chỉ có một vài chỉ số như VN30. Việc đẩy mạnh sản phẩm ETF sẽ giảm quy mô giao dịch nhà đầu tư nhỏ lẻ tăng quy mô nhà đầu tư tổ chức, giúp giảm biến động mạnh trên thị trường.

Cần tạo sự thông thoáng cho NĐTNN. Hiện chúng ta còn nợ thị trường về NVDR, mới chỉ được đưa vào Luật chứng khoán mà chưa có thông tư hướng dẫn cụ thể. Bài học từ Thái Lan được đưa lên thị trường mới nổi, tạo thông thoáng cho NĐTNN. Với nhà đầu tư tổ chức, đặc biệt Mỹ họ thích NVDR, bằng chứng từ thị trường Thái.

Chúng ta chưa hoàn thiện thị trường trái phiếu thứ cấp, chưa có tính thanh khoản cho thị trường, chứ có quy định chặt chẽ cho thị trường phát triển.

Bộ Tài chính, UBCK, Sở GDCK có thể đưa ra chỉ số xếp hạng quan hệ nhà đầu tư đối với doanh nghiệp niêm yết. Điều này giúp nhà đầu tư đánh giá tính minh bạch của doanh nghiệp.

Ngoài ra, cần có thêm các kênh đào tạo, bổ sung kiến thức về thị trường cho nhà đầu tư, giúp họ sau các vấp ngã…

Thị trường đang ở mức rất hấp dẫn, nhưng cần thời gian để ổn định

Ông Phan Quốc Bửu, Giám đốc phân tích Ngành BSC khu vực phía Nam, CTCK Ngân hàng Đầu Tư và Phát triển Việt Nam (BSC)

Tôi cho rằng có 3 yếu tố ảnh hưởng thị trường giảm. Theo thống kế tới cuối 2021, tổng dư nợ margin 6,4 tỷ USD, gấp 3 lần cuối 2019.

Nhóm nhà đầu tư F0 nhạy cảm trước những thông tin tích cực lẫn tiêu cực. Khi có thông tin tích cực họ fomo, khi tin xấu thì hoang mang, bán mạnh.

Yếu tố nữa là việc xử lý trên thị trường. Tuy nhiên việc xử lý minh bạch thông tin minh bạch giúp thị trường chứng khoán tăng bền vững trong dài hạn.

Bên cạnh các cơn gió lệch chiều trên, điểm tích cực lợi nhuận quý 1/2022 của doanh nghiệp niêm yết trên thị trường tăng khoảng 38% so với cùng kỳ. Thống kê của BSC với 80 cổ phiếu chiếm 70% vốn hóa thì tăng trưởng lợi nhuận năm nay khoảng 22%, là mức khả quan. Tôi cho rằng thị trường cần tương đối nhiều thời gian để ổn định tâm lý, dồn tiền trước khi đạt mục tiêu cao hơn.

Về khối ngoại, họ đóng vai trò quan trọng trong việc đưa ra sản phẩm, ý tưởng tài chính mới, hoạt động mua bán của khối ngoại là kim chỉ nam cho nhà đầu tư. Tuy nhiên hoạt động của khối ngoại có xu hướng lu mờ trong các năm gần đây. Nếu 2016 - 2018 nếu bình quân giao dịch của khối ngoại chiếm 15-16% thị trường thì đến cuối 2021, giao dịch khối ngoại chỉ chiếm 8-9% giao dịch toàn thị trường. Con số này có tăng trong vài tháng gần đây khi nhà đầu tư cá nhân suy giảm.

Xét về định giá thị trường, PE 2022 đang ở mức 10-11 lần, là mức rất hấp dẫn, đã thu hút khối ngoại quay lại mua ròng. Thực tế họ đã mua ròng khoảng 180-200 triệu USD trong thời gian qua.

Tôi tin rằng, với định giá, thị trường chứng khoán sẽ đi lên trong dài hạn tuy nhiên có sự thay đổi tương đối lớn về mặt bản chất của thị trường.

Thị trường cần tăng độ minh bạch, tính công bằng thông tin với hoạt động IR. Với những doanh nghiệp lớn Top 30, cổ phiếu vốn hóa lớn thì việc tiếp cận thông tin đầy đủ, báo cáo hàng tháng, quý. Nhưng ở cổ phiếu vốn hóa vừa, bé thì thông tin tiếp cận yếu. Đây là điều cần cải thiện.

Ngoài ra nâng cao giám sát chất lượng doanh nghiệp, qua kiểm tra giám sát việc tăng vốn, tránh cung ào ạt nhưng chất lượng kém hơn ở giai đoạn vừa qua. Cuối cùng, nâng cấp hệ thống giao dịch, đẩy nhanh phân loại cổ phiếu theo các chỉ số khác nhau…

Đọc tiếp

HOSE đã lên lịch chuyển đổi sang KRX

HOSE đã lên lịch chuyển đổi sang KRX

Sở Giao dịch chứng khoán TP.HCM (HoSE) đã gửi thông báo đến các CTCK về kế hoạch triển khai chính thức KRX, dự kiến ngày 2/5 sẽ chính thức vận hành hệ thống giao dịch mới.

Nhịp cầu doanh nghiệp

Chat với BizLIVE