Tuần giao dịch có nhiều sự kiện trong nước và quốc tế còn ghi nhận thêm câu chuyện về vụ sụp đổ của Ngân hàng Silicon Valley Bank (SVB) trong ngày cuối tuần. VN-Index dù hồi phục nhưng tâm lý đang có sự xáo trộn khi có thêm biến số mới.
Chúng tôi đã ghi nhận ý kiến một số ý kiến chuyên gia về xu hướng của thị trường và kỳ vọng của nhà đầu tư.
"Tác động của SVB là không quá lớn"
Ông Trần Trương Mạnh Hiếu, Trưởng phòng phân tích Công ty Chứng khoán KIS Việt Nam
Thị trường chứng khoán Mỹ có thể tiếp tục điều chỉnh trước những áp lực rõ ràng từ việc tăng lãi suất. Báo cáo việc làm của Mỹ tốt hơn dự kiến tạo ra một mức đệm giúp chính sách nâng lãi suất của Fed có thể tiếp tục. Chính sách này đặt trọng tâm vào việc giảm tỷ lệ lạm phát về mức mục tiêu 2%. Nếu nền kinh tế Mỹ vẫn tạo ra đủ việc làm thì Fed có thể “diều hâu” hơn trong việc giữ lập trường hiện tại của mình.
Việc SVB tuyên bố phá sản có thể ảnh hưởng đến thị trường tài chính của Mỹ tuy nhiên tác động có thể không quá lớn và khó có chuyện Fed sẽ giảm quá trình nâng lãi suất. Thứ nhất các khách hàng của SVB là các công ty khởi nghiệp những doanh nghiệp vốn hoạt động trong những lĩnh vực có rủi ro cao và thường xuyên phải đối mặt với nhiều vấn đề. Vì thế nếu các start up này gánh chịu những thiệt hại từ việc SVB phá sản thì phạm vi ảnh hưởng cũng không lớn.
Thứ hai, SVB hoạt động chủ yếu trong việc huy động và cho vay nên phải tuân thủ những quy định nghiêm ngặt của chính phủ, các quy định này vốn đã được siết chặt từ sau khủng hoảng tài chính ngân hàng 2007-2008. Vì thế, những tác động với thị trường sẽ tương đối thấp.
Thứ ba, việc phá sản ngân hàng là chuyện thường xuyên diễn ra ở Mỹ hay châu Âu, vì thế, việc một ngân hàng phá sản sẽ không ảnh hưởng nhiều đến hệ thống nhờ vào các quy định của cơ quan quản lý. Bên cạnh đó, để đảm bảo an toàn của hệ thống các nước cũng tạo ra các tổ chức bảo hiểm tiền gửi để xử lý nếu ngân hàng phá sản. Trong trường hợp SVB là Tổng công ty Bảo hiểm tiền gửi liên bang Mỹ (FDIC), FDIC sẽ đứng ra đảm bảo quyền và lợi ích của các bên trong đó có nghĩa vụ chi trả một phần cho các khoản tiền gửi tại SVB. Vì thế, tác động từ sự kiện này sẽ không quá lớn và khó tạo ra một phản ứng dây chuyền.
Với thị trường Việt Nam, trong tuần rồi thị trường đón nhận khá nhiều thông tin tích cực như Nghị định 08 tháo gỡ một số vấn đề của thị trường trái phiếu và dòng vốn ngoại quay trở lại. Những điều này tạo ra tâm lý lạc quan với nhà đầu tư qua đó giúp thị trường phục hồi ở hiện tại. Trong ngắn hạn thị trường có thể tiếp tục duy trì sự lạc quan và có thể đi lên khi dòng tiền ngoại đang chảy vào thị trường. Cụ thể, các quỹ Fubon ETF và VanEck sẽ giải ngân trong thời gian tới, đây sẽ là lực cầu quan trọng giúp hỗ trợ đà tăng hiện tại.
Tuy nhiên, trung hạn thị trường có thể chịu nhiều áp lực và khó duy trì được xu hướng phục hồi này. Theo đó, các vấn đề của thị trường trái phiếu chưa được giải quyết nên nhiều doanh nghiệp vẫn còn khó khăn khi huy động dòng vốn để trả nợ. Đỉnh điểm là giai đoạn từ tháng 06-09/2023, giá trị trái phiếu đáo hạn sẽ khá lớn. Điều này sẽ ảnh hưởng không nhỏ đến thị trường tài chính nói chung và thị trường chứng khoán nói riêng. Vì thế, xu hướng phục hồi hiện tại khó có thể được giữ trong trung hạn.
"Theo dõi Fed nhưng không quá sợ"
Ông Bùi Văn Huy, Giám đốc chi nhánh TP.HCM, Công ty Chứng khoán DSC
Trước tiên, đối với tôi quan điểm cứng rắn của Fed là điều rất bình thường ở thời điểm hiện tại vì Fed nói chung và ông Powell, Chủ tịch Fed nói riêng đã rất nhiều lần “việt vị” khi nói về lạm phát trong năm 2022. Fed tự tin và phủ nhận vấn đề với tôi mới là nguy hiểm còn thái độ nghiêm túc, có phần thận trọng của họ ở thời điểm hiện tại không có gì đáng ngại.
Với tôi, ảnh hưởng của Fed đến thị trường ở đoạn này không còn quá quan trọng như năm 2022. Một cách đơn giản, như năm 2022, tăng 0,5% hay 0,75% ở vùng lãi suất 2-3% thì là rất nhiều. Nhưng hiện tại tăng 0,25% hay 0,5% ở vùng lãi suất 5% thì mức độ "áp phe" đã giảm đi nhiều. Tôi vẫn theo dõi Fed nhưng không quá sợ Fed.
Về sự kiện SVB, cá nhân theo tôi sẽ có ảnh hưởng tâm lý nhất định nhưng sẽ mang tính cục bộ và không lan rộng. Theo báo cáo tài chính năm 2022 của SVB, tổng tài sản là 211,9 tỷ USD (0,92% hệ thống) trong khi tổng vốn chủ sở hữu là 16,3 tỷ USD (0,75% hệ thống).
Việc các khoản lỗ chưa thực hiện của SVB thực ra đã xuất hiện từ lâu và đã vượt quá vốn chủ sở hữu từ báo cáo quý 3/2022. Cụ thể tổng các khoản lỗ chưa thực hiện cuối quý 3 đã lên đến 18,7 tỷ USD, vượt quá vốn chủ sở hữu, không phải đợi đến bây giờ.
Trong khi đó, bộ đệm thanh khoản của hệ thống Ngân hàng Mỹ nói chung là tốt hơn SVB rất nhiều và không phải ngân hàng nào cũng có "năng khiếu đu đỉnh" như SVB.
Trường hợp của SVB một lần nữa cho thấy sự quan trọng của quản lý dòng tiền, cân bằng báo cáo tài chính trong suy thoái. Có thể có một vài ngân hàng có Balance Sheet không lành mạnh sẽ có những tác động nhất định, nhưng như những số liệu ở trên, chuyện này cục bộ và sẽ dừng ở một nhóm nhỏ.
Xác suất để VN-Index bật tăng sau đà tích lũy (tích lũy) hoặc tiếp tục kiểm tra lại các đường hỗ trợ (bán tháo) xảy ra là 50/50. Nhà đầu tư nên chuẩn bị sẵn vốn, và chiến thuật đầu tư phù hợp cho cả 2 trường hợp. Tuy nhiên, thị trường phân hóa là một tín hiệu tốt cho cả 2 kịch bản - tích lũy hay bán tháo. Chỉ báo cho thấy dòng tiền ngoài thị trường vẫn đang chờ đợi các cơ hội để giải ngân vào các cổ phiếu giá rẻ. Sự phân hóa của dòng tiền cho nhà đầu tư hy vọng rằng các cơ hội cụ thể vẫn tồn tại, thay vì tất cả các cổ phiếu đều có triển vọng bi quan theo chỉ số chung.