Theo số liệu từ Trung tâm lưu ký Chứng khoán Việt Nam (VSD), nhà đầu tư trong nước đã mở mới 22.740 tài khoản chứng khoán trong tháng 4, giảm hơn 16.800 tài khoản so với tháng trước và là mức thấp nhất trong vòng hơn 3 năm kể từ tháng 2/2020.
Trong tháng 4, nhà đầu tư cá nhân mở mới 22.638 tài khoản và các tổ chức mở mới 102 tài khoản. Tính đến cuối tháng 4, tổng số tài khoản nhà đầu tư cá nhân trong nước đã chính thức vượt 7 triệu tài khoản, tương đương khoảng hơn 7% dân số.
Tuy nhiên, con số này chưa thực sự phản ánh chính xác tỷ lệ người dân tham gia vào chứng khoán bởi một nhà đầu tư có thể có nhiều tài khoản tại nhiều công ty chứng khoán.
Trong tháng 4 vừa qua, nhà đầu tư nước ngoài đã mở mới 186 tài khoản, giảm mạnh so với con số 250 tài khoản của tháng trước đó. Về cơ cấu, nhà đầu tư cá nhân mở mới 171 tài khoản, tổ chức mở mới 15 tài khoản trong tháng vừa qua. Thời điểm cuối tháng 4, nhà đầu tư nước ngoài có tổng cộng 43.465 tài khoản.
Bối cảnh tài khoản mở mới phá đáy nhưng ngược lại, thanh khoản thị trường lại bất ngờ được cải thiện đáng kể trong tháng 4 vừa qua. Giá trị giao dịch khớp lệnh bình quân phiên trên HoSE đạt hơn 11.500 tỷ đồng, tăng 45% so với mức rất thấp của tháng 3 trước đó. Giao dịch sôi động hơn phần nào đó đến từ việc một lượng nhà đầu tư quay trở lại thị trường khi có nhiều thông tin chính sách vĩ mô và chính sách hỗ trợ liên quan đến bất động sản, ngân hàng được đưa ra hoặc margin được kích hoạt sau khi lãi suất có xu hướng quay đầu giảm.
Cụ thể, chỉ trong vòng chưa đầy một tháng, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã có 2 đợt giảm lãi suất điều hành. Sau điều chỉnh của NHNN, lãi suất huy động và cho vay bắt đầu giảm, thanh khoản của các ngân hàng đang được cải thiện ở mức tốt.
Nhận định về diễn biến thị trường tháng 5/2023, trao đổi với chúng tôi, ông Hoàng Anh Tuấn, Chuyên viên tư vấn đầu tư KHCN cao cấp, CTCK MB (MBS) cho biết, có thể xảy ra tình trạng “Sell in May” (bán ra vào tháng 5) nhưng không quá khắc nghiệt như mọi năm vì mặt bằng cổ phiếu đang không ở mức quá cao.
“Ở những năm trước, thường VN-Index sẽ tăng mạnh trong 4 tháng đầu năm, cổ phiếu bị định giá quá cao (P/E ở đỉnh thường là 20 -21 lần) do tình trạng fomo của nhà đầu tư, điển hình như năm 2018 sau đó thì giảm mạnh trong tháng năm. Còn thời điểm hiện tại, P/E của thị trường chứng khoán Việt Nam đang là 14,14 lần (theo Bloomberg), vì vậy dư địa giảm của VN-Index là không nhiều và nếu có giảm thì chắc chắn sẽ là cơ hội cho nhà đầu tư mua tích lũy cổ phiếu”, ông Tuấn nói.
Công ty Chứng khoán VNDIRECT cũng cho biết, thị trường điều chỉnh mở ra cơ hội tốt để mua và nắm giữ cổ phiếu cho mục tiêu trung và dài hạn. Vùng 1.000-1.030 điểm sẽ là vùng hỗ trợ mạnh của chỉ số VN-Index.
“Chúng tôi cho rằng bức tranh kết quả kinh doanh quý 1/2023 kém tích cực đã được phản ánh hầu hết trong đợt điều chỉnh vừa qua. Chúng tôi kỳ vọng một loạt chính sách hỗ trợ được ban hành gần đây như TT02-03 hay Nghị định 12/2023/NĐ-CP sẽ giúp cải thiện tâm lý của nhà đầu tư và dòng tiền trên thị trường chứng khoán.
Chúng tôi cho rằng vùng 1.000-1.030 điểm sẽ là vùng hỗ trợ mạnh của chỉ số VN-Index và nếu thị trường điều chỉnh về vùng này sẽ mở ra cơ hội hấp dẫn để mua và nắm giữ cố phiếu cho mục tiêu trung và dài hạn.
Động lực tăng điểm bao gồm (1) chính sách tiền tệ bồ câu hơn từ Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) và (2) các chính sách hỗ trợ sớm được ban hành như Thông tư 16 sửa đổi hay Nghị quyết của Quốc hội về giảm thuế giá trị gia tăng,... Trong khi rủi ro giảm điểm đến từ nguy cơ suy thoái tại Mỹ và Châu Âu.