
Xét theo lĩnh vực đầu tư, báo cáo của Cục Đầu tư nước ngoài cho biết, các nhà đầu tư Việt Nam đã đầu tư ra nước ngoài ở 5 ngành. Trong đó, vốn đầu tư tập trung nhiều nhất vào ngành công nghiệp chế biến, chế tạo (chiếm 74,2% vốn, trong khi cùng kỳ không có dự án nào thuộc ngành này) và khai khoáng (chiếm 22,5%, gấp 4,7 lần cùng kỳ). Các ngành xây dựng; hoạt động chuyên môn, khoa học công nghệ; thông tin truyền thông chiếm tỷ lệ nhỏ.
Theo đối tác đầu tư, trong tháng 1/2025, có 8 quốc gia, vùng lãnh thổ nhận đầu tư của Việt Nam. Các nước thu hút nhiều vốn đầu tư nhất là Philippines (chiếm 39,4% vốn); Indonesia (chiếm 37,4% vốn). Đây là một sự thay đổi đáng chú ý khi cùng kỳ không có dự án nào của Việt Nam đầu tư sang 2 nước này. Tiếp theo là Lào (chiếm 22,3% vốn, gấp 4,4 lần cùng kỳ). Các đối tác còn lại chiếm tỷ lệ nhỏ.
Lũy kế đến hết tháng 1/2025, Việt Nam đã có 1.836 dự án đầu tư ra nước ngoài còn hiệu lực với tổng vốn đầu tư Việt Nam hơn 22,68 tỷ USD. Trong đó, các nhà đầu tư Việt Nam đã đầu tư ra nước ngoài ở 18/21 ngành, tập trung nhiều nhất vào các ngành khai khoáng (hơn 7 tỷ USD, chiếm 31% vốn); nông, lâm nghiệp, thủy sản (gần 3,4 tỷ USD, chiếm 15% vốn) và thông tin truyền thông (Hơn 2,84 tỷ USD, chiếm 13% vốn).
Theo đối tác nhận đầu tư, các địa bàn nhận đầu tư của Việt Nam nhiều nhất lần lượt là Lào (gần 5,7 tỷ USD, chiếm 25% vốn); Campuchia (gần 2,94 tỷ USD, chiếm 13% vốn); Venezuela (gần 1,83 tỷ USD, chiếm 8% vốn);…