Sau 10 tháng, gói 4.500 tỷ đồng đào tạo nghề cho lao động mới giải ngân được... 17 tỷ đồng

Đề án tái đào tạo nghề cho lao động theo Nghị quyết 68 đã triển khai được 10 tháng, tuy nhiên đến nay tốc độ giải ngân của gói hỗ trợ ở mức thấp, mới được hơn 17 tỷ đồng, trong khi kinh phí dự kiến dành riêng 4.500 tỷ đồng.
Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.

Đây là thông tin từ hội thảo “Thúc đẩy hỗ trợ đào tạo nghề cho doanh nghiệp và người lao động theo Nghị quyết 68/NQ-CP ngày 1/7/2021 của Chính phủ” do Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa cùng Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp (Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội) tổ chức ngày 18/5.

Tại hội thảo, ông Nguyễn Văn Thân, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam cho biết, đại dịch COVID-19 đã gây ra tình trạng thiếu hụt người lao động cục bộ ở nhiều tỉnh, thành phố.

Riêng trong quý 1/2022, tỷ lệ thiếu hụt lao động đã cao hơn 2-3% so với những năm trước và chủ yếu trong các lĩnh vực dệt may, lắp ráp linh kiện điện tử, chế biến gỗ và một số ngành bị tác động mạnh, phải dừng hoạt động dài ngày như du lịch và giáo dục...

"Chính vì thiếu người làm nên nhiều doanh nghiệp hiện đang đẩy mạnh tuyển dụng, thúc đẩy hỗ trợ đào tạo nghề và điều này sẽ góp phần khôi phục sản xuất, kinh doanh", ông Thân chia sẻ.

Cụ thể, theo thống kê của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội cho thấy, đến 75% nhu cầu tuyển dụng là lao động phổ thông và lao động không yêu cầu có bằng cấp, chứng chỉ. Tuy nhiên, về mặt lâu dài, việc tuyển dụng lao động không có tay nghề sẽ khó đáp ứng được nhu cầu của doanh nghiệp, thậm chí còn có thể gây mất an toàn lao động và thiệt hại cho cả hai bên.

"Chính vì thế, ngay từ đầu tháng 7/2021 Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 68 về 12 chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do dịch COVID-19, trong đó có hạng mục về hỗ trợ đào tạo duy trì việc làm cho người lao động", ông Thân thông tin.

Tuy nhiên, theo Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam, đến nay đã gần 10 tháng triển khai gói hỗ trợ nhưng nhiều doanh nghiệp cũng như người lao động chưa nắm được thông tin, trong khi có doanh nghiệp nắm được thông tin nhưng không đủ điều kiện để triển khai.

Báo cáo tại hội thảo, ông Trương Anh Dũng, Tổng cục trưởng Tổng cục Giáo dục Nghề nghiệp cho biết, tính đến tháng 5/2022, có trên 200 doanh nghiệp yêu cầu hỗ trợ và đề nghị được hướng dẫn về thủ tục thực hiện chính sách hỗ trợ đào tạo để duy trì việc làm cho người lao động. Trong đó, có 60 đơn vị đã gửi hồ sơ đề nghị hỗ trợ đào tạo, duy trì việc làm cho trên 30.000 lao động.

Sở Lao động - Thương binh và Xã hội của 14 tỉnh, thành phố đã thẩm định, phê duyệt cho 36 đơn vị, hỗ trợ đào tạo để duy trì việc làm cho gần 9.000 lao động, kinh phí hỗ trợ trên 54 tỷ đồng. Con số này còn quá ít so với kỳ vọng mục tiêu của đề án dành tới 4.500 tỷ để tái đào tạo nghề cho lao động.

Bà Bùi Thị Kim Loan, Phó Trưởng ban Thực hiện Chính sách bảo hiểm xã hội (Bảo hiểm xã hội Việt Nam) thông tin thêm, tính tới ngày 17/5, mới có bảo hiểm xã hội của 12 tỉnh, thành phố nhận được hồ sơ đề nghị chi hỗ trợ của 31 doanh nghiệp được địa phương phê duyệt. Thực tế, cơ quan bảo hiểm xã hội mới giải ngân được 17,1 tỷ đồng để đào tạo lại cho 4.000 người lao động.

Bà Loan cho hay, quá trình triển khai ghi nhận một số phát sinh, như danh sách người lao động được phê duyệt khác danh sách thực tế được đào tạo, một số người lao động nghỉ việc nên doanh nghiệp phải làm lại hồ sơ, mất nhiều thời gian.

Nhận định về nguyên nhân của việc chậm trễ, ông Trương Anh Dũng cho rằng: “Vấn đề đầu tiên chúng ta gặp phải là không có đủ thông tin đầy đủ và kịp thời. Thứ hai là chúng ta không kết nối được cơ sở đào tạo và cơ quan quản lý. Chính các cơ sở đạo tạo dường như cũng rất ngại đến các doanh nghiệp nhỏ và vừa. Mặt khác các doanh nghiệp cũng chỉ đặt nhiệm vụ khôi phục sản xuất kinh doanh làm nhiệm vụ hàng đầu. 3 điều này là nguyên nhân khiến việc triển khai chính sách gặp khó khăn”.

Dưới góc độ doanh nghiệp, ông Nguyễn Việt Hà, Hiệu trưởng trường Cao đẳng nghề Long Biên - trực thuộc Tổng Công ty May 10 chia sẻ: "Với câu hỏi đặt ra là doanh nghiệp liệu có cần gói hỗ trợ này không, thì doanh nghiệp rất cần thiết. Tuy nhiên, việc triển khai chưa được hiệu quả cao. Khó khăn chúng tôi gặp phải là chứng minh năng lực cơ sở đào tạo nghề, chúng tôi phải giải trình báo cáo với Sở Lao động- Thương binh và Xã hội.

Thứ hai là xác nhận doanh thu của các đơn vị trong quá trình thực hiện khi giải trình với các Sở. Thứ ba là thời gian đào tạo, doanh nghiệp vẫn phải tham gia sản xuất chứ không thể dừng hay đóng sản xuất được vì ảnh hưởng doanh thu, vì vậy cần phải linh hoạt xây dựng lịch đào tạo phù hợp với doanh nghiệp".

Ông Trần Minh Tuyến, Phó chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa tỉnh Thái Bình cho biết từ trước đây, với các gói hỗ trợ Thái bình còn khó tiếp cận do thủ tục phức tạp, trong khi các doanh nghiệp nhỏ và vừa vốn thiếu công nghệ và nguồn nhân lực, với Nghị quyết 68 lần này hiệu quả cũng chưa được nhiều. Những nhu cầu doanh nghiệp mong muốn thực sự lại chưa được truyền thông rộng rãi.

Theo ông Tuyến: "Vì thời gian thực hiện hỗ trợ đào tạo nghề cho lao động không còn nhiều, tôi đề xuất cần tăng cường công tác truyền thông, việc đáp ứng điều kiện cần rõ ràng và đơn giản hóa, các trung tâm đào tạo nghề cần phối hợp với Hiệp hội và cơ quan quản lý để đồng phối hợp hỗ trợ cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa tại địa phương".

Qua phiên thảo luận, ông Nguyễn Văn Thân cho biết, Hiệp hội Doanh nghiệp vừa và nhỏ Việt Nam, Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp và Bảo hiểm xã hội Việt Nam sẽ tổng hợp ý kiến của các đại biểu trong hội thảo và chỉ đạo các đơn vị có liên quan tổ chức hướng dẫn ngay cho các doanh nghiệp đăng ký tham gia chương trình đào tạo nghề.

"Đối với các doanh nghiệp đã đủ điều kiện, các cơ quan có trách nhiệm phối hợp giải quyết các thủ tục một cách nhanh chóng, hiệu quả. Còn đối với các doanh nghiệp gần đủ điều kiện sẽ được các cơ quan hướng dẫn cách thức để đạt điều kiện nhận hỗ trợ", ông Thân khẳng định.

Gói hỗ trợ đào tạo nghề cho doanh nghiệp và người lao động theo Nghị quyết số 68/NQ-CP ngày 1/7/2021 của Chính phủ có mục tiêu đào tạo lại 1 triệu lao động, tổng kinh phí 4.500 tỷ đồng.

Điều kiện để tham gia là đơn vị sử dụng lao động phải tham gia bảo hiểm xã hội trên 12 tháng, người lao động đang tham gia bảo hiểm thất nghiệp. Đối tượng hưởng chính sách là cơ quan nhà nước, đơn vị tổ chức, doanh nghiệp, hộ kinh doanh gia đình,...

Mức hỗ trợ là 1,5 triệu đồng/người/ tháng, tối đa 6 tháng chi trực tiếp cho cơ sở đào tạo.

Thời điểm người sử dụng lao động nộp hồ sơ đề nghị hỗ trợ từ ngày 1/7/2021 đến hết ngày 30/6/2022. Thời gian triển khai từ ngày 1/7/2021 đến hết ngày 31/12/2022.

.

Đọc tiếp

Nhịp cầu doanh nghiệp

Ảnh minh họa

Dòng vốn FDI thúc đẩy nhu cầu tuyển dụng tăng cao

Sự tăng trưởng của dòng vốn FDI và các chính sách thân thiện với nhà đầu tư dành cho khu công nghiệp đã tạo điều kiện cho nhu cầu tuyển dụng tăng cao trong lĩnh vực sản xuất, kỹ thuật và bất động sản công nghiệp.
Chat với BizLIVE