Ngay trong phiên giao dịch đầu tuần, VN-Index đã giảm hơn 20 điểm xuống 1.243 điểm (-1,6%) trong khi HNX-Index và UPCoM-Index đều mất trên 1%. Diễn biến này xảy ra trong bối cảnh các chỉ số khu vực như NIKKEI 225 (+2,67%), SZI (+1,46%), SHCMP (+0,99%), TWSE (+1%) đón chào tuần mới trong sắc xanh khá tích cực bất chấp thị trường Mỹ trước đó một phiên giao dịch đột biến về thanh khoản do chịu ảnh hưởng của sự kiện Triple Witching (gần tương tự như đáo hạn phái sinh tại Việt Nam).
Theo bà Trần Thị Khánh Hiền - Giám đốc khối nghiên cứu của Chứng khoán MB (MBS), thị trường đã trải qua một thời gian tăng dài, đây là thời điểm chốt lời. Việc xuất hiện thông tin không mang tính cơ bản cũng có thể kích hoạt đà bán ra của nhà đầu tư trong nước.
Dù vậy, điểm tích cực rất cao, lực cầu "bắt đáy" lớn nên vẫn có hy vọng thị trường xuống nhanh, thanh khoản tốt thì khả năng bật lại càng tốt.
Tuy nhiên, cũng rất khó loại trừ đi kịch bản theo chiều ngược lại đặc biệt trong bối cảnh thị trường đang khó dự báo. Ngân hàng Nhà nước vẫn đang tiếp tục hút tiền về qua kênh tín phiếu, bình ổn tỉ giá, cần thời gian để quan sát.
Nhà đầu tư cần lưu ý tránh rơi vào trạng thái hoảng loạn, bán tháo. Đặc biệt với những thông tin không ảnh hưởng đến các yếu tố cơ bản của thị trường, chỉ tác động về mặt tâm lý thì nên giữ bình tĩnh.
Còn đối với ông Bùi Văn Huy, Giám đốc chi nhánh TP. Hồ Chí Minh, Công ty Chứng khoán DSC, mức thanh khoản kỷ lục gần 2 tỷ đô là dấu ấn đáng chú ý nhất bởi lâu lắm mới thấy từ giai đoạn 2021-2022.
Dù đã có những nỗ lực cân đối lại áp lực tạo ra trạng thái "nến rút chân" nhưng ông Huy đánh giá rủi ro vẫn còn do các cổ phiếu "rút chân" không nhiều. Bên cạnh đó, thanh khoản cần được duy trì, nếu không cân nổi thanh khoản phiên hôm nay 18/3 thì khả năng chỉ số sẽ giảm sâu hơn về quanh 1.180 điểm.
Ngoài ra, cũng cần đặc biệt chú ý tới hoạt động bán ròng ngày đầu tuần với điểm nhấn là quỹ ETF VN Diamond bị bán ròng tới 849 tỷ đồng, tương đương gần 5% tổng giá trị NAV.