Trong một báo cáo được công bố hôm 27/9, cơ quan xếp hạng tín nhiệm trên dự đoán tăng trưởng của Khu vực sử dụng đồng tiền chung châu Âu euro (Eurozone) sẽ bị đình trệ trong quý 4/2022 và quý 1/2023, với mức tăng trưởng trong năm chỉ đạt 0,3%.
S&P cũng dự đoán rằng Vương quốc Anh đã ở trong "cuộc suy thoái kéo dài bốn quý vừa bắt đầu vào quý 2/2022", khi các hộ gia đình phải đối mặt với lạm phát ở mức 9,9% và dự kiến sẽ tăng hơn nữa trong mùa Đông. Điều đó sẽ cắt giảm chi tiêu của người dân trong các quý tới.
S&P cũng dự báo tăng trưởng Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) hàng năm của Vương quốc Anh là 3,3% vào năm 2022 trước khi giảm 0,4% vào năm 2023.
Trong báo cáo, S&P cho hay các biện pháp hỗ trợ tài khóa do Chính phủ Anh triển khai, đặc biệt là mức trần đối với các hóa đơn năng lượng điển hình của hộ gia đình sẽ bảo vệ chi tiêu vốn bị lạm phát bóp nghẹt của người dân nhiều hơn đáng kể trong mùa Đông.
Điều này cùng với khả năng phục hồi liên tục của thị trường lao động là những lý do chính khiến S&P cho rằng nền kinh tế Vương quốc Anh sẽ không tệ hơn.
Tuy nhiên, S&P lưu ý rằng áp lực lạm phát không chỉ giới hạn ở việc giá năng lượng bán lẻ tăng mạnh. Việc đồng bảng Anh lao dốc sẽ tiếp tục đẩy giá hàng hóa nhập khẩu lên trong khi áp lực giá trong nước vẫn tăng, với lạm phát cơ bản (không bao gồm giá thực phẩm, năng lượng, rượu và thuốc lá dễ biến động) vẫn trên 6%.
S&P nhận định Ngân hàng trung ương Anh (BoE) sẽ phản ứng bằng cách tăng lãi suất từ mức 2,25% hiện tại lên 3,25% vào tháng 2/2023, hạ nhiệt mạnh mẽ các hoạt động của nền kinh tế để đưa lạm phát trở lại mục tiêu 2% trong trung hạn.
S&P còn lưu ý ngoài những rủi ro toàn cầu và khu vực liên quan đến xung đột Nga-Ukraine, sự biến động kéo dài hoặc ngày càng sâu trong tỷ giá hối đoái của đồng bảng và diễn biến bất ổn trên thị trường trái phiếu Anh có thể khiến các điều kiện tài chính bất lợi hơn, làm môi trường kinh tế chuyển biến xấu hơn những gì mà cơ quan này đưa ra trong dự báo của mình.
Đồng bảng Anh đạt mức thấp nhất mọi thời đại so với đồng USD vào ngày 26/9, trong khi lợi suất trái phiếu chính phủ của nước này đi lên. Những diễn biến này xảy ra sau khi chính phủ mới công bố gói "ngân sách nhỏ" gây tranh cãi vào ngày 23/9.
Gói biện pháp chính sách mới bao gồm cắt giảm thuế và trợ cấp năng lượng cho các hộ gia đình và doanh nghiệp được ước tính chiếm tối thiểu 9% GDP đến năm 2026. BoE đã phản ứng bằng cách nhắc lại cam kết thắt chặt chính sách tiền tệ hơn nữa để kiềm chế mức lạm phát cao ngất ngưởng.
Theo báo cáo của S&P, mối quan tâm của thị trường trái phiếu là gần như tất cả khoản hỗ trợ năng lượng khẩn cấp trị giá tương đương 6% GDP sẽ được tài trợ thông qua nợ mới, trong giai đoạn BoE đang thu hẹp bảng cân đối kế toán và đồng bảng Anh giảm giá đang đẩy áp lực lạm phát lên cao.