Đổi lại, Chính phủ Pháp sẽ tăng gấp đôi số tiền hỗ trợ, từ 5 tỷ euro lên 10 tỷ euro, trong khuôn khổ Kế hoạch nước Pháp 2030 (France 2030), nếu các nhà sản xuất đưa ra kế hoạch khử carbon nhiều tham vọng hơn. Cụ thể như sau:
Từ Dunkirk đến Fos-sur-Mer qua Le Havre, Pháp có rất nhiều khu công nghiệp lớn xả thải khí CO2. Những cơ sở này đang được "vạch mặt chỉ tên" vì gây ô nhiễm đối với bầu khí quyển và làm trầm trọng thêm tình trạng biến đổi khí hậu. Trong bối cảnh Hội nghị thượng đỉnh về biến đổi khí hậu của Liên hợp quốc năm 2022, còn gọi là COP27, đang diễn ra tại Ai Cập, Tổng thống Pháp đã mời đại diện của 50 khu công nghiệp thải ra nhiều CO2 nhất đến làm việc tại Điện Elysée đầu tuần này.
Trước đông đảo khách mời và các bộ trưởng, ông Macron nêu bật cam kết đối với khí hậu khi nước Pháp gần đây đã ghi nhận rất nhiều thảm họa trên khắp lãnh thổ. Với những trận hỏa hoạn lớn hiếm thấy ở tỉnh Gironde, những đợt hạn hán lặp đi lặp lại với nhiệt độ kỷ lục trong tháng 10, năm 2022 là năm ghi nhận rất nhiều hiện tượng khí hậu khắc nghiệt tại đất nước hình lục lăng.
Trước tình hình cấp bách, ông Macron đã đưa ra lộ trình thực hiện cho 5 năm tới như một "lựa chọn cho tương lai về khí hậu, công nghiệp hóa và chủ quyền". Năm 2021, Chính phủ Pháp đã bị dư luận trong nước, đặc biệt là giới hoạt động môi trường, chỉ trích mạnh mẽ vì "sự chây ì" trong nỗ lực chống biến đổi khí hậu, nhất là việc để xảy ra tình trạng phát thải khí nhà kính vượt quá mức trong giai đoạn 2015-2018.
Tại Điện Elysée lần này, đằng sau ý nghĩa truyền thông, Tổng thống Pháp muốn làm dư luận quên đi sự chậm trễ của chính phủ trong việc cắt giảm khí thải CO2 đã được Hội đồng cấp cao về khí hậu đề cập đến trong các báo cáo mới nhất.
Trước mặt giới chủ giàu có nhất nước Pháp, ông Macron tuyên bố sẵn sàng tăng hỗ trợ tài chính cho lĩnh vực công nghiệp nếu các nhà sản xuất nỗ lực gấp đôi. Một trong những thông báo quan trọng nhất mà ông nêu ra liên quan đến khoản hỗ trợ mà Chính phủ Pháp có thể cấp cho các khu công nghiệp.
Sau khi nhắc lại khoản ngân sách 5 tỷ euro đã ấn định trong kế hoạch France 2030 được thông qua vào mùa Thu năm 2021, ông Macron tuyên bố sẽ chuẩn bị 10 tỷ euro để hỗ trợ quá trình khử carbon trong ngành công nghiệp nếu các ông chủ khu công nghiệp chứng tỏ quyết tâm giảm phát thải gấp đôi. Tóm lại, Tổng thống cho biết mục tiêu của Chính phủ Pháp đến năm 2030 là giảm mạnh lượng khí thải của 50 khu công nghiệp lớn nhất cả nước.
Tổng thống Pháp nêu quan điểm: "Mục tiêu là tiến càng nhanh càng tốt. Nếu có thể thành công trong việc tăng gấp đôi nỗ lực khử khí thải, từ 10 triệu tấn lên 20 triệu tấn, chính phủ sẽ nâng gói ưu đãi từ 5 lên 10 tỷ euro. Đây sẽ là một đòn bẩy đáng kể".
Theo thông tin từ phủ Tổng thống, "trong số 50 doanh nghiệp tham dự cuộc gặp ngày 8/11 ở Điện Elysée, đã có 15 công ty cam kết thực hiện các dự án cắt giảm khí thải theo đề nghị của Tổng thống. Mục tiêu đề ra là kêu gọi các nhà sản xuất công nghiệp ký hợp đồng với nhà nước để cho phép các khu công nghiệp này khử carbon ngay trong nước chứ không phải nơi nào khác ở nước ngoài".
Do khủng hoảng năng lượng, hóa đơn phải trả cho đầu vào của nhiều nhà sản xuất công nghiệp đã tăng vọt, đến mức rất nhiều doanh nghiệp có ý định di dời địa điểm sản xuất ra nước ngoài nếu không muốn bị phá sản.
Một trọng tâm quan trọng khác trong phát biểu của Tổng thống Macron là quy hoạch sinh thái. Để đạt mục tiêu giảm 20 triệu tấn khí thải vào năm 2030, "lộ trình đưa ra phải thể hiện được sự quy hoạch về sinh thái. Trong vòng 6 tháng, các kế hoạch phải được điều chỉnh theo hướng nâng cao yêu cầu đối với tất cả các lĩnh vực".
Theo ông, đây phải là chiến lược quốc gia của nước Pháp, trong đó tất cả phải hướng đến mục đích khử carbon trong nền kinh tế. Đặc biệt, Chính phủ Pháp dự kiến sẽ lập kế hoạch hành động theo từng lĩnh vực, chẳng hạn hydro hoặc sinh khối, và từng vùng lãnh thổ. Trong bài phát biểu của mình, ông Macron cũng không quên nhấn mạnh sự phát triển năng lượng tái tạo và năng lượng hạt nhân.
Những tuyên bố mạnh mẽ của Tổng thống Emmanuel Macron, với tham vọng giảm một nửa lượng khí thải CO2 của 50 khu công nghiệp phát thải nhiều nhất, đã nhận được sự ủng hộ của Mạng lưới hành động khí hậu Pháp (RAC). Ngược lại, các hiệp hội bảo vệ môi trường tại Pháp lại cho rằng ông đã không nêu ra được các điều kiện ràng buộc liên quan đến sự hỗ trợ của nhà nước.
Bên trong Trung tâm Hội nghị Quốc tế Sharm El-Sheikh ở thành phố Sharm El-Sheikh, Ai Cập, nơi diễn ra Hội nghị COP27, ngày 5/11/2022. Ảnh: THX/TTXVN
Léa Mathieu Figueedlyo, chuyên gia phụ trách mảng công nghiệp nặng tại RAC, nhấn mạnh: "Thông báo của Tổng thống là đáng khích lệ, nhưng vấn đề là ở chỗ ông vẫn quá tập trung vào các giải pháp công nghệ và trông chờ vào thiện chí của các nhà sản xuất, trong khi không áp đặt được một sự ràng buộc nào đối với việc đạt được các mục tiêu đặt ra".
Cuộc gặp giữa Tổng thống và giới công nghiệp Pháp, diễn ra trong bối cảnh đại dịch và cuộc xung đột ở Ukraine, đã làm rõ sự phụ thuộc cực độ của kinh tế Pháp vào nước ngoài. Nhiều người nhắc lại việc nhập khẩu khẩu trang y tế thời kỳ đầu đại dịch như một bài học. Do sản phẩm này không được sản xuất trên lãnh thổ, nhà nước đã phải đặt hàng khẩn cấp từ bên ngoài, nhất là Trung Quốc nói riêng. Cuộc khủng hoảng y tế cũng làm nổi bật sự lệ thuộc của công nghiệp Pháp vào các linh kiện điện tử và chất bán dẫn nhập khẩu.
Trong bối cảnh căng thẳng này, tái công nghiệp hóa đã trở thành ưu tiên của các cấp chính quyền tại Pháp. Tuy nhiên, cuộc xung đột ở Ukraine và tình trạng giá cả tăng cao đang gây cản trở cho tham vọng to lớn này. Nhiều doanh nghiệp ở Pháp thậm chí đã phải ngừng sản xuất, chẳng hạn như thương hiệu Duralex. Các nhóm khác cũng buộc phải nghĩ đến tình huống chuyển địa điểm sản xuất sang các quốc gia có chi phí thấp.
Tuy nhiên, kinh tế Pháp có thể được hưởng lợi từ tham vọng chuyển đổi năng lượng với tất cả các dự án lắp đặt tuabin gió và nhà máy quang điện ngoài khơi và trên đất liền. Giữa giảm lượng khí thải CO2 cần thiết và mục tiêu tái công nghiệp hóa, Tổng thống Pháp rõ ràng đang bị bó buộc ở một "lằn ranh" rất hẹp.
Cũng như tại các nước phát triển khác, sản xuất công nghiệp có trách nhiệm rất lớn đối với việc phát thải khí CO2 ở Pháp. Theo tính toán gần đây của Trung tâm kỹ thuật chuyên nghiên cứu ô nhiễm khí quyển (CITEPA) có trụ sở tại Paris, cùng với lĩnh vực xây dựng, sản xuất công nghiệp tạo ra khoảng 20% lượng khí thải CO2 tại Pháp.
Nếu tính thêm lượng khí thải từ ngành năng lượng, tỷ lệ này sẽ là 30%. Nếu nhìn vào biểu đồ, ngay cả khi các đường cong cho thấy sự giảm phát thải tổng thể nhờ 30 năm phi công nghiệp hóa, thì các lĩnh vực sản xuất vẫn là đối tượng chịu trách nhiệm chính đối với lượng khí thải C02 được phát ra tại đất nước hình lục lăng.