Chuyển mình nhờ số hóa
Sau những bứt phá và đầu tư nghiêm túc vào công nghệ, trong năm 2023, OPES – công ty thành viên của ngân hàng VPBank – đã phát hành thành công hơn 109,3 triệu hợp đồng bảo hiểm phi nhân thọ, với tệp khách hàng tích lũy lên đến 11 triệu người. Được biết, trong thời gian cao điểm, OPES có thể phát hành lên tới hơn 500.000 đơn bảo hiểm/ngày và con số dự kiến sẽ tiếp tục gia tăng trong năm 2024.
Kết thúc năm tài chính 2023, OPES ghi nhận lợi nhuận trước thuế (LNTT) đạt hơn 156 tỷ đồng, tăng gần 140% so với năm 2022. Đáng chú ý, tổng chi phí hoạt động kinh doanh bảo hiểm của công ty này ghi nhận mức giảm xấp xỉ 44% so với năm trước, nhờ tối ưu nền tảng bán hàng số hóa, tăng cường bán chéo trong hệ sinh thái, giúp tiết giảm chi phí khai thác và vận hành.
“Năm qua được coi là một năm bản lề đánh dấu những sự thay đổi lớn của OPES về hạ tầng công nghệ - quản trị và đa kênh bán, đa đối tác. Nâng cấp công nghệ giúp OPES tăng hiệu suất vận hành, rút ngắn quy trình xử lý hợp đồng. Bên cạnh đó, OPES cũng chú trọng đa dạng hóa sản phẩm và kênh bán để tiếp cận đông đảo khách hàng ở nhiều phân khúc, tầng lớp, nhu cầu”, ông Đặng Hoàng Tùng, CEO của OPES, lý giải cho kết quả hoạt động vượt trội của công ty.
Khác với các công ty bảo hiểm “lão làng” trên thị trường, OPES định hướng trở thành công ty bảo hiểm số ngay từ điểm xuất phát. Theo đó, công ty đã đầu tư mạnh mẽ vào hạ tầng công nghệ và hoạt động chuyển đổi số từ trong ra ngoài. Đây được xem như một chiến lược tạo lợi thế cạnh tranh cho OPES trong trung - dài hạn khi giúp tối ưu chi phí vận hành, cải thiện doanh thu và lợi nhuận.
Trong nỗ lực đáp ứng nhu cầu đa dạng và thiết thực của khách hàng, OPES đã mở rộng dải sản phẩm bảo hiểm, trải dài từ bảo hiểm nhà tới bảo hiểm rơi vỡ màn hình, bảo hiểm thiết bị di động và nhiều sản phẩm khác, hình thành nên tấm khiên bảo vệ tối đa và tiện lợi cho các trải nghiệm sống của khách hàng. Các sản phẩm của OPES cũng đang góp phần bổ trợ và làm giàu hệ sinh thái các sản phẩm, dịch vụ và giải pháp tài chính toàn diện của VPBank.
Không chỉ tận dụng hệ sinh thái sẵn có của ngân hàng mẹ VPBank để đẩy mạnh bán chéo trên các kênh số như VPBank NEO, OPES còn đang hợp tác cung cấp dịch vụ cho các đối tác lớn bên trong và ngoài hệ sinh thái nhằm mở rộng thị phần tại Việt Nam.
Cùng với đó, trong năm 2023, OPES đã bắt tay cùng hai thương hiệu bảo hiểm có tiếng trên thị trường là Bảo hiểm Quân đội (MIC) và Bảo hiểm Petrolimex (PJICO), để giới thiệu sản phẩm bảo hiểm vật chất ô tô O•CAR dành cho tệp khách hàng cá nhân và khách hàng doanh nghiệp vừa và nhỏ của VPBank thông qua chương trình VPBank O•CARCARE. Chương trình hợp tác trên quy mô lớn, quy tụ hơn 200 chi nhánh và phòng giao dịch, cùng 132 đơn vị kinh doanh khắp cả nước, 7.370 cán bộ nhân viên bán hàng, 460 giám định viên chuyên nghiệp, và 2.639 gara liên kết tham gia.
Bơi cùng cá lớn
Trên nền tảng các kết quả đạt được trong năm 2023, OPES đặt mục tiêu lợi nhuận trước thuế năm 2024 tăng hơn 5,5 lần, tương đương với 873 tỷ đồng. Chỉ tiêu doanh thu phí bảo hiểm gốc đặt mục tiêu tăng trưởng hơn 100% lọt top 10 công ty bảo hiểm phi nhân thọ lớn nhất tại Việt Nam.
Đây là các thách thức không nhỏ trong giai đoạn thị trường bảo hiểm khá trầm lắng thời gian vừa qua, nhưng cũng là một cơ hội lớn để OPES khẳng định mình trên biển lớn.
Để hiện thực hóa những mục tiêu này, OPES cho biết sẽ tiếp tục đẩy mạnh kinh doanh, khai thác tối đa tiềm năng sản phẩm bảo hiểm trong hệ sinh thái, tối ưu chi phí hoạt động.
Công ty đang tích cực nâng cấp nền tảng D2C, đồng thời triển khai các hoạt động digital marketing nhằm nâng cao thương hiệu bảo hiểm số. OPES sẽ tiến tới số hóa toàn bộ hành trình và nâng cao trải nghiệm của khách hàng, trở thành công ty bảo hiểm số tiên phong và sáng tạo tại Việt Nam trong những năm tới đây.
Ngoài sức mạnh nội tại, sự hậu thuẫn từ tập đoàn mẹ về vốn và đặc quyền khai thác tệp khách hàng bao trùm lên tới 30 triệu người – gần bằng 1/3 dân số Việt Nam của hệ sinh thái cũng là một trong những bàn đạp giúp OPES có thể hiện thực hóa mục tiêu kinh doanh tham vọng trong năm 2024 và các năm tiếp theo – đặc biệt trong bối cảnh tiềm năng của ngành bảo hiểm nói chung và bảo hiểm phi nhân thọ nói riêng còn nhiều dư địa phát triển.
Ông Tùng cũng chia sẻ thêm về định hướng:“OPES sẽ tiếp tục kiên định với định hướng ứng dụng công nghệ cao và số hóa với các giải pháp dựa trên dữ liệu lớn (Big data), AI, Machine learning, … để nghiên cứu và cho ra đời những sản phẩm bảo hiểm độc đáo, phù hợp và những giải pháp tối ưu hơn nữa để mang đến những trải nghiệm mới, thiết thực, góp phần xây dựng một cuộc sống tiện ích và bền vững cho khách hàng”.
Số liệu từ Tổng cục Thống kê cho thấy trong quý I/2024, tổng doanh thu phí bảo hiểm ước đạt gần 53,3 nghìn tỷ đồng, giảm 4,3% so với cùng kỳ năm 2023, tuy nhiên lĩnh vực bảo hiểm phi nhân thọ nổi lên như một điểm sáng với tăng trưởng đạt 9,8%, tương đương gần 19,6 nghìn tỷ đồng.
Theo hãng nghiên cứu thị trường Statista, thị trường bảo hiểm phi nhân thọ của Việt Nam có thể tăng trưởng với quy mô phí bảo hiểm gốc đạt 5,75 tỷ USD (tương đương khoảng 144 nghìn tỷ đồng) trong năm 2024. Tính trung bình, mức chi cho bảo hiểm phi nhân thọ trên đầu người có thể đạt xấp xỉ 58 USD, tương đương 1,45 triệu/người. Tuy nhiên, mức chi này nếu so với các nước phát triển như Mỹ (3.371 USD, tương đương xấp xỉ 84,3 triệu đồng) thì còn khá khiêm tốn.
Với tăng trưởng GDP hàng năm thuộc nhóm cao trong khu vực và thế giới (2023: 5,05% - cao hơn tăng trưởng kinh tế toàn cầu 2,9%), cùng mức độ nhận thức và nhu cầu bảo hiểm vật chất gia tăng, lĩnh vực bảo hiểm phi nhân thọ của Việt Nam được kỳ vọng sẽ tăng trưởng nhanh và mạnh trong thời gian tới.